TTO – Tỉ lệ thất bại – thành công với sinh viên khởi nghiệp ở mức nào là hợp lý? Tìm đâu ra vốn, làm sao bảo vệ được ý tưởng khởi nghiệp của bản thân?
Bạn Trương Quốc Hưng (Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM) đặt câu hỏi với các khách mời tại diễn đàn – Ảnh: Q.L. |
Đó là những câu hỏi được sinh viên đặt ra tại tọa đàm về câu chuyện khởi nghiệp sáng 27-11 do Trung ương Hội Sinh viên VN tổ chức tại TP.HCM trong khuôn khổ cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên lần 1-2016.
Cùng chia sẻ với sinh viên, ông Trần Việt Quân (tổng giám đốc chuỗi siêu thị Bách khoa computer) và ông Tạ Minh Tuấn (chủ tịch sáng lập HELP International – mô hình “Bác sĩ riêng – y tế tại nhà” ở VN) là những câu chuyện xoay quanh “vốn khởi nghiệp”, điều gì chờ đợi sinh viên cuối con đường khởi nghiệp.
Bạn Bùi Quốc Huy (ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) hỏi làm sao để chứng minh nguồn gốc, ý tưởng khởi nghiệp là của bản thân?
Đáp lời, ông Tạ Minh Tuấn cho rằng điều quan trọng của một người khởi nghiệp là làm cho người khác thấy tính khả thi của ý tưởng trong thực tế chứ không phải cố chứng minh “bản quyền về ý tưởng”.
Trong khi một sinh viên ĐH Sài Gòn băn khoăn làm sao kêu gọi được vốn đầu tư thì ông Trần Việt Quân khẳng định phải bằng chính uy tín của người khởi nghiệp.
“Nếu bạn chưa thể bằng uy tín của bản thân để có thể mượn được tiền của bạn bè thì đừng nói đến kêu gọi nhà đầu tư cho dự án khởi nghiệp của mình” – ông Quân nhấn mạnh.
Thắc mắc liệu học ngành quản lý nhà nước của sinh viên Trương Quốc Hưng (Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP.HCM) có khởi nghiệp được không ngay lập tức được ông Trần Việt Quân khẳng định hoàn toàn được.
Theo ông Quân, làm một cán bộ nhà nước là cách khởi nghiệp đặc biệt vì một nền hành chính vận hành tốt sẽ tác động đến nhiều thứ khác trong xã hội.
“Đã có một số lĩnh vực hành chính tư nhân được phép làm mà nếu muốn bạn hoàn toàn có thể khởi nghiệp ở lĩnh vực này, hãy làm cho tốt vì ở đâu có vấn đề, ở đó có cơ hội” – ông Quân gợi ý.
Nói thêm với các sinh viên, ông Tạ Minh Tuấn cho rằng phải dám chấp nhận thất bại khi khởi nghiệp vì đó là bình thường.
Vấn đề là bạn phải biết mình đang thật sự muốn gì. Còn ông Trần Việt Quân khuyên các bạn bắt đầu từ những cái nhỏ, vị trí thấp nhất trên con đường khởi nghiệp.
“Luyện sức mạnh nội sinh cho mình và chịu khó đọc sách vì nhiều tấm gương khởi nghiệp thành công luôn gắn liền với việc họ chăm đọc sách” – ông Quân nói.
Bảo vệ sở hữu ý tưởng Do được live stream trên trang web cuộc thi nên các bạn sinh viên đặt câu hỏi qua mạng. Bạn Nguyễn Ánh Huy (ĐH Tài chính – marketing) hỏi: “Ý tưởng vào chung kết cuộc thi đều được công bố trên mạng, nếu có người ăn cắp ý tưởng và đầu tư trước, làm sao bảo vệ sở hữu ý tưởng cho tác giả?”. Vấn đề đặt ra khá mới như thừa nhận của anh Phạm Trung Thành – phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên VN – cũng là đơn vị thường trực của cuộc thi. Tuy nhiên, anh Thành cho biết 15 ý tưởng vào chung kết của ba khu vực Bắc, Trung, Nam sẽ chỉ công bố thông tin cơ bản nhất để kêu gọi nhà đầu tư chứ không đưa chi tiết. Từ trải nghiệm bản thân, ông Tạ Minh Tuấn nói không có gì phải sợ bởi chia sẻ mà sợ mất tức là bản thân thật sự cũng không có ý tưởng gì cả! “Tự mình mới hiểu chiều sâu, cội nguồn ý tưởng khởi nghiệp mình viết ra nên tại sao phải lo bị mất” – ông Tuấn trấn an. |