Trong một lần đưa cậu con trai 5 tuổi đi khám, anh Hưng (*) phát hiện con không cùng nhóm máu với anh và vợ. Điều này khiến anh nghi ngờ lúc mới sinh gia đình anh bị trao nhầm con.
Anh Hưng, nhân viên văn phòng 30 tuổi tại Hà Nội. Anh gặp vợ là chị Hiền (*) sau khi mới chia tay người yêu cũ. Thấy Hiền là một cô gái dịu dàng, ngoan ngoãn nên anh Hưng quyết theo đuổi cô và lấy làm vợ.
Sau 3 tháng kiên trì, anh Hưng cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu đồng ý của chị Hiền. Ngay sau đó, hai người đã quyết định tiến tới hôn nhân và cũng nhanh chóng có con.
Một đứa bé kháu khỉnh ra đời trong sự hân hoan của bố mẹ. Nhưng tình cờ, trong một lần đưa con đi khám, anh rất ngỡ ngàng khi thấy con có nhóm máu AB, trong khi đó cả anh và vợ đều nhóm máu O.
Anh để ý kỹ con cũng không có nét giống bố. Trong khi đó đứa con thứ 2 của anh thì rất giống bố và có cùng nhóm máu với vợ chồng anh. Anh lo lắng đứa trẻ có thể đã bị trao nhầm khi sinh nên bí mật giấu vợ xét nghiệm ADN để xác định quan hệ huyết thống.
Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy đứa con trai anh Hưng yêu thương bấy lâu không phải con ruột của anh. Tuy nhiên đứa trẻ lại có quan hệ huyết thống với vợ anh. Khi nhận kết quả anh Hưng đã rất “sốc” vì anh bị vợ lừa dối từ lâu mà không hề hay biết.
Theo chị Cao Thị Ngọc Diệp, Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng GENTIS, anh Hưng chỉ là một trong số các trường hợp thấy con khác biệt nhóm máu tìm tới xét nghiệm ADN mà chị Diệp tiếp nhận tư vấn.
Cách đó không lâu, chị Diệp đã tiếp đón một trường hợp khách hàng nam tình cờ phát hiện ra con khác nhóm máu bố mẹ nên người bố đã đi xét nghiệm ADN.
Sau khi bí mật làm xét nghiệm, người đàn ông biết được đứa trẻ anh đang nuôi không có quan hệ huyết thống bố – con với anh nhưng lại có quan hệ mẹ – con với vợ.
Mối liên hệ giữa nhóm máu và di truyền
Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ Công an, hiện là cố vấn cao cấp tại GENTIS cho biết, con người có 4 nhóm máu chính: A, B, AB, O và được di truyền theo quy luật Mendel. Bốn nhóm máu sẽ được quy định bởi các gen.
Gen di truyền của nhóm máu A, B sẽ trội so với nhóm máu O nên vẫn có thể xảy ra tình huống cha mẹ – con cái khác nhóm máu nhưng vẫn có quan hệ huyết thống. Ví dụ, bố nhóm máu A, mẹ nhóm máu A con sinh ra có thể là nhóm máu O hoặc A.
Đại tá Khanh cũng lấy ví dụ về chính gia đình của mình: Ông nhóm máu A, vợ ông nhóm máu B nhưng con sinh ra lại có nhóm máu O.
Tuy nhiên, đại tá cũng cho biết, đối với trường hợp bố nhóm máu O, mẹ nhóm máu O thì con sinh ra sẽ là nhóm máu O. Trường hợp nếu bố mẹ nhóm máu O mà con nhóm máu A, B hoặc AB thì đứa con có thể không phải là con ruột.
Theo Đại tá Khanh, việc dùng nhóm máu để xác định huyết thống chỉ mang tính chất tham khảo không thể áp dụng cho tất cả các trường hợp. Do đó, để xác định chính xác quan hệ huyết thống, mọi người vẫn phải thực hiện xét nghiệm ADN.
Hiện nay, xét nghiệm ADN cho kết quả chính xác tới tới 99,99% khi xác định quan hệ huyết thống.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.