Công nghệ FVS đang được FIFA coi như giải pháp thay thế cho VAR, giúp HLV kiểm soát việc xem lại video và hướng đến mục tiêu cải thiện tính công bằng trong công tác trọng tài.
Theo L’Équipe, FIFA đang xem xét một hệ thống có tên là Football Video Support (FVS) để thay thế cho công nghệ VAR – Video Assistance Referees (trợ lý trọng tài video).
Điểm khác biệt của FVS là cho phép HLV trưởng phản đối quyết định của trọng tài ít nhất hai lần mỗi trận. Báo Pháp viết rằng FIFA hy vọng sẽ nhận được cái gật đầu từ Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB) để thử nghiệm ở những cấp độ cao hơn.
Công bằng và minh bạch hơn
Thực tế IFAB trong năm 2024 đã chấp thuận cho FIFA thử nghiệm FVS ở hai giải U17 và U20 World Cup dành cho nữ.
Ban đầu, đây là hệ thống được triển khai nhằm mục đích hỗ trợ trọng tài ở các giải đấu không thể triển khai công nghệ VAR.
VAR (Video Assistant Referee) là công nghệ sử dụng video để hỗ trợ trọng tài. Công nghệ được sử dụng phổ biến ở các giải đấu bóng đá lớn và hỗ trợ cho trọng tài theo dõi trận đấu để đưa những quyết định chính xác nhất, hạn chế những trường hợp tranh cãi.
Sau khi Hội đồng Liên đoàn bóng đá quốc tế (IFAB) thông qua vào năm 2016, công nghệ VAR đã xuất hiện lần đầu tiên tại một giải bóng đá nhà nghề ở Mỹ vào tháng 8 cùng năm. Tuy nhiên, phải đến World Cup 2018, VAR mới được biết đến rộng rãi trên toàn cầu.
Chưa bàn tới tính đúng sai, VAR đã đã định hình lại cách xem xét các quyết định quan trọng trong một trận đấu.
Trọng tài xem lại video quay chậm sau khi nhận được khiếu nại tại giải U20 World Cup dành cho nữ. Ảnh: FIFA. |
Tuy nhiên, chi phí và sự phức tạp khiến nó không thể tiếp cận được với các hiệp hội nhỏ hơn. Ngược lại, FVS cung cấp một cách tiếp cận đơn giản hơn khi trao quyền cho các HLV của đội bóng để yêu cầu trọng tài xem lại tình huống mà không cần đến các trọng tài VAR chuyên trách từ xa.
Không giống như VAR, vốn dựa vào một tổ trọng tài VAR nhắc nhở trọng tài chính, FVS áp dụng cách tiếp cận hợp lý.
Theo đó, FVS chỉ áp dụng cho các lỗi rõ ràng và hiển nhiên hoặc các quyết định bỏ lỡ nghiêm trọng trong 4 trường hợp cụ thể. Đó là bàn thắng, lỗi việt vị, thẻ đỏ trực tiếp và các pha phạm lỗi (có thể dẫn tới thẻ phạt).
Sau khi trọng tài đưa ra quyết định, huấn luyện viên trưởng của mỗi đội có thể khiếu nại quyết định bằng cách ra hiệu cho trọng tài thứ 4 bằng quyền khiếu nại.
Mỗi đội sẽ được phép khiếu nại 2 lần trong mỗi trận đấu và nếu khiếu nại thành công, đội sẽ được giữ lại quyền đó để sử dụng tiếp.
Hệ thống này phản ánh các quy tắc “khiếm khuyết” trong các môn thể thao khác như bóng bầu dục hay bóng rổ, vốn chỉ cung cấp cho các HLV một quyền duy nhất trong cả trận.
Sau khi HLV khiếu nại, trọng tài thứ 4 sẽ thông báo cho trọng tài chính. “Vị vua áo đen” sẽ trực tiếp tham khảo đoạn băng quay chậm để xác nhận hoặc hủy bỏ quyết định của mình dựa trên bằng chứng rõ ràng.
Hạn chế so với VAR
Cũng giống như VAR, trong quá trình xem lại tình huống, trọng tài sẽ đến màn hình bên sân và được hỗ trợ bởi một nhân viên điều khiển các cảnh quay chậm.
Khi cần trọng tài chính xem lại tình huống, HLV sẽ đưa một loại thẻ yêu cầu khiếu nại cho trọng tài thứ 4 ngoài sân. Ảnh: FIFA. |
Nói cách khác, hệ thống hợp lý này tránh được nhiều yêu cầu hậu cần của VAR trong khi vẫn cung cấp cho các huấn luyện viên cơ hội để thay đổi quyết định mà họ cho rằng có thể thay đổi trận đấu.
FIFA mô tả FVS là “công nghệ giá cả phải chăng hơn, có thể được sử dụng để xem xét cùng loại sự cố như những gì VAR xử lý”.
Khả năng cho phép các chiến lược gia được chủ động yêu cầu xem lại cũng đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong bóng đá.
Thay vì dựa vào các trọng tài VAR, các HLV giờ đây có thể bảo vệ đội bóng của mình trong những thời điểm quan trọng và thậm chí là bổ sung thêm một cấp độ mới về chiều sâu chiến lược trong trận đấu.
Ngoài ra, tính linh hoạt của FVS thậm chí còn mở rộng đến số lượng camera cần thiết. Cụ thể, FIFA chỉ ra rằng chỉ cần các thiết lập đơn giản như 1-4 camera mỗi trận là đủ.
Để so sánh, số lượng máy quay của VAR phụ thuộc cơ sở hạ tầng của từng giải đấu khác nhau. Điều kiện tối thiểu là phải có 33 camera hoạt động trong một trận cầu, trong đó có 4 camera Ultra Slow Motion tốc độ khung hình 120 FPS và 8 camera Super Slow Motion.
“Trong khi hệ thống VAR đã được áp dụng tại hơn 200 giải đấu trên toàn cầu thì FIFA đã nhận được nhiều yêu cầu từ các hiệp hội thành viên muốn có một giải pháp thay thế, tiết kiệm chi phí hơn để hỗ trợ các trọng tài trận đấu bằng công nghệ”, cơ quan quản lý bóng đá thế giới giải thích.
So với VAR, FIFA chỉ ra rằng FVS chỉ cần các thiết lập đơn giản như 1-4 camera mỗi trận là đủ. Ảnh: FIFA. |
Tuy nhiên, nhược điểm của công nghệ này là số lượng camera hạn chế khi triển khai FVS đôi khi có thể dẫn đến cảnh quay không rõ ràng, dẫn đến quyết định ban đầu của trọng tài vẫn được giữ nguyên.
“Điều quan trọng cần phải hiểu rằng FVS không phải là VAR. Do số lượng camera được sử dụng ít, FVS sẽ không thể hiển thị như những gì VAR làm được”, Chủ tịch Ủy ban trọng tài, FIFA Pierluigi Collina chia sẻ.
Mặc dù vậy, đối với các giải đấu quan tâm đến việc cải thiện công tác trọng tài mà muốn không tốn nhiều chi phí, FVS có thể là một lựa chọn mang tính đột phá giúp tăng cường tính công bằng và khả năng tiếp cận.
Hiện tại, vẫn chưa có mốc thời gian cụ thể cho việc triển khai FVS trong các giải đấu cấp cao nhất, nhưng thành công ban đầu cho thấy tương lai FVS hoặc ít nhất là một số tính năng của công nghệ này có thể tìm được chỗ đứng trong các giải đấu lớn sắp tới của FIFA.
Dùng ChatGPT thế nào để không tạo ra nội dung vô tri
Sự phát triển của AI mở ra nhiều tiềm năng nhưng cũng có không ít mối lo đối với ngành xuất bản, đặc biệt là nhóm tác giả viết sách.
Các tác giả sách cần phải chấp nhận sự vươn lên của AI, sử dụng chúng như một “siêu trợ lý” thay vì chối bỏ trào lưu. Chia sẻ với Tri thức – Znews, nhiều cây viết cho rằng người làm sách vẫn có thể đứng vững trong thời đại AI nếu biết cách tận dụng sức mạnh của trí tuệ nhân tạo.