Trái phiếu doanh nghiệp, về hình thức pháp lý, là một loại chứng khoán xác nhận nghĩa vụ nợ gốc, lãi của doanh nghiệp phát hành. Công ty chứng khoán, thực tế, chỉ cấp dịch vụ hỗ trợ quá trình phát hành, lựa chọn tham gia dựa trên những chỉ tiêu định lượng cụ thể.
Cuộc đua trái phiếu doanh nghiệp trở thành tâm điểm chú ý trong năm nay. Tính đến hết tháng 11/2019, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã đạt khoảng 237.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 10 tỷ USD), cao hơn gần 6% so với cả năm 2018. Ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản là hai chủ thể chính chiếm lần lượt 45,5% và 34,5% khối lượng phát hành toàn thị trường.
Tuy nhiên, không riêng sự tăng trưởng về khối lượng, lãi suất phát hành cũng là vấn đề được chú ý. Trong khi phát hành trái phiếu của các nhà băng chỉ dao động quanh 7-8% mỗi năm, thì trái phiếu những doanh nghiệp bất động sản chào lãi suất 11-14%. Phần lớn được thực hiện bằng hình thức riêng lẻ, không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo.
Trước diễn biến “quá nóng” từ thị trường, những cảnh báo về đầu tư được đưa ra với các chủ thể trong các đợt phát hành. Theo giới phân tích, việc cảnh báo nhà đầu tư và doanh nghiệp là cần thiết bởi đây là hai chủ thể chính trong hoạt động phát hành, nhưng “điểm mặt, chỉ tên” những công ty cung cấp dịch vụ, như ngân hàng, công ty chứng khoán, lại là điều không phù hợp.
Theo Nghị định 163 về phát hành riêng lẻ, trái phiếu doanh nghiệp được phát hành theo bốn phương thức, gồm đấu thầu phát hành trái phiếu, bảo lãnh phát hành trái phiếu, đại lý phát hành trái phiếu và bán trực tiếp cho nhà đầu tư. Ngoại trừ việc bán trực tiếp – vốn không được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, cả ba hình thức còn lại đều cần có sự tham gia của các định chế tài chính.
Điều 15 Nghị định 163 quy định, tổ chức đấu thầu, bảo lãnh và đại lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp gồm công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính được phép cung cấp dịch vụ này theo quy định. Tương tự, tổ chức tư vấn về hồ sơ phát hành trái phiếu cũng chỉ được phép với công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng và các định chế tài chính khác được phép cung cấp dịch vụ tư vấn theo quy định.
Điều này có nghĩa, việc tham gia của các định chế tài chính với vai trò tư vấn, đấu thầu, bảo lãnh hay đại lý theo nhu cầu của mỗi doanh nghiệp phát hành. Tất nhiên, việc được tư vấn, bảo lãnh hay đại lý phát hành của các công ty chứng khoán, ngân hàng có tên tuổi lớn sẽ củng cố niềm tin và tăng tính hấp dẫn với nhà đầu tư, nhưng điều đó không có nghĩa toàn bộ trách nhiệm trong mọi trường hợp đều được quy về cho công ty chứng khoán, mà cần xem xét vai trò cụ thể của các đơn vị này trong mỗi đợt phát hành.
Bản thân những định chế tài chính lớn trên thị trường cũng tự đặt ra những tiêu chuẩn riêng trong vấn đề lựa chọn tham gia các đợt phát hành. Như trường hợp của Công ty chứng khoán SSI tham gia đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ của Công ty cổ phần Đạt Phương ở vai trò Đại lý phát hành – Đại lý lưu ký trái phiếu, đại diện SSI cho biết, căn cứ lựa chọn DPG để cung cấp dịch vụ bao gồm nhiều yếu tố.
Đơn cử như doanh nghiệp này đã niêm yết trên HSX (tiêu chuẩn công bố thông tin cao nhất), hoạt động kinh doanh có lãi, có khả năng trả nợ, doanh nghiệp có uy tín được các ngân hàng lớn cấp tín dụng, đợt phát hành có tài sản đảm bảo (điều không nhiều đợt phát hành riêng lẻ có)…
Bản thân số liệu của Đạt Phương cũng thể hiện những căn cứ mà SSI nêu ra. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất hai năm 2017 và 2018 đạt lần lượt 191 tỷ và 157 tỷ đồng. Cổ tức hai năm này bằng tiền mặt với tỷ lệ 23% và 18%. Tại thời điểm 30/9/2019, số dư tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp này đạt gần 500 tỷ đồng.
Điều khoản trái phiếu của Đạt Phương cũng phù hợp với thị trường, có tài sản bảo đảm và các điều khoản điều kiện đều được nói rõ trong Bản Công Bố Thông Tin của Trái Phiếu (“OC”).
Riêng với vấn đề chất lượng phát hành, nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh giá một trái phiếu chất lượng hay kém chất lượng là góc nhìn riêng và khẩu vị rủi ro của mỗi nhà đầu tư, từ đó họ có thể quyết định có hay không đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp. Trên thực tế, “kém chất lượng” được giới phân tích đánh giá là khi doanh nghiệp chậm hoặc không trả được lãi, gốc trái phiếu.
Bên cạnh đó, với vai trò đại lý, bảo lãnh hay tư vấn, việc các định chế tài chính giới thiệu các cơ hội đầu tư cho khách hàng cũng là phù hợp theo quy định. Một trong các Điều kiện phát hành riêng lẻ theo quy định là dưới 100 nhà đầu tư, nên việc quy kết, đánh giá trách nhiệm của Doanh nghiệp phát hành, đơn vị đại lý phát hành hay bảo lãnh liên quan đến số lượng nhà đầu tư chào bán, chỉ đúng nếu kết quả sau phát hành ghi nhận trên con số này.