(VNF) – CVS – Công ty chứng khoán do M_Service nắm giữ 49% vốn, đã báo lỗ sau thuế quý III hơn 9,7 tỷ đồng, kéo dài chuỗi thua lỗ lên 9 quý liên tiếp.
Công ty cổ phần Chứng khoán CV (CVS) vừa ghi nhận thêm một quý thua lỗ, kéo dài chuỗi kinh doanh bết bát lên 9 quý liên tiếp không có lợi nhuận dương.
Theo đó, trong quý III/2024, CVS đạt mức doanh thu hoạt động tăng trưởng vượt bậc, gấp gần 5,5 lần cùng kỳ tương đương thu về 4,5 tỷ đồng. Sự gia tăng đột biến này chủ yếu đến từ doanh thu các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM), tăng gấp 4,9 lần cùng kỳ.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy đây là phần lãi từ các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (tiền gửi 15 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (59 tỷ đồng).
Doanh thu từ hoạt động môi giới và hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán chiếm tỷ trọng không cao, lần lượt đạt giá trị 0,29 tỷ đồng và 0,16 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng trưởng đột biến, CVS lại phát sinh khoản chi phí hoạt động lên tới 8 tỷ đồng trong quý III/2024, trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Khoản chi phí này nằm chủ yếu ở nghiệp vụ môi giới chứng khoán (chiếm 99,9%), trong khi thu nhập từ nghiệp vụ này lại rất khiêm tốn.
Cùng với hơn 6,2 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, CVS báo lỗ sau thuế hơn 9,7 tỷ đồng trong quý III, cùng kỳ lỗ hơn 6,1 tỷ đồng. Bên cạnh việc kéo dài chuỗi thua lỗ, quý III vừa qua cũng là giai đoạn ghi nhận khoản lỗ đậm nhất của CVS (theo quý).
Lũy kế 9 tháng năm 2024, CVS đạt hơn 7 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Lỗ sau thuế ghi nhận hơn 23,6 tỷ đồng, kém sắc hơn đáng kể so với khoản lỗ 8,4 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023. CVS đang ghi nhận lỗ luỹ kế sau thuế chưa phân phối tính tới cuối quý III là gần 118 tỷ đồng.
Việc CVS không thể đem về lợi nhuận dường như đã nằm trong dự định của ban lãnh đạo, khi mà kế hoạch kinh doanh của công ty này đặt mục tiêu doanh gần 25,9 tỷ đồng, gấp gần 5,5 lần thực hiện năm trước và lỗ sau thuế 43,6 tỷ đồng.
Dù vẫn còn thua lỗ, nhưng tình hình thực tế của CVS có vẻ đã khá hơn so với ước tính của ban lãnh đạo, khi mới chỉ hoàn thành hơn nửa kế hoạch thua lỗ đã đề ra sau 9 tháng. Tuy nhiên, doanh thu mới chỉ hoàn thành 30% kế hoạch cả năm.
Tính đến cuối quý III, tổng tài sản của CVS đạt 345 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với thời điểm đầu năm, tuy nhiên so với quý II vừa qua lại có phần giảm nhẹ. Chiếm phần lớn trong tổng tài sản của công ty là các khoản tiền và tương đương tiền, đạt hơn 232 tỷ đồng, bao gồm 229 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn (1-3 tháng), còn lại là tiền mặt tại quỹ và tiền gửi ngân hàng.
Được biết, CVS tiền thân là Công ty Cổ phần Chứng khoán Hồng Bàng, sau đó được đổi tên thành Chứng khoán Hưng Thịnh năm 2015. Công ty cũng chuyển trụ sở từ TP. HCM ra Hà Nội.
CVS được Công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service, đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo) mua vào hơn 4,4 triệu cổ phần, tương đương 49% từ giữa năm 2022. Giao dịch được thực hiện do ông Jiang Wen và bà Nguyễn Kim chuyển nhượng cổ phần cho M_Service.
Sau khi M_Service trở thành cổ đông lớn của CVS, công ty chứng khoán này đã có 2 lần gia tăng quy mô vốn. Tính tới cuối quý III/2024, M_Service đã nâng số lượng cổ phần nắm giữ lên hơn 22,3 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu duy trì ở mức 49%.
Các cổ đông lớn khác của CVS là ông Lê Công Trường, bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa và ông Lê Hùng Cường, đều nắm giữ hơn 7,7 triệu cổ phiếu (tương đương 17% vốn) mỗi người.