Trên thực tế, lợi nhuận của Thủy sản Việt Úc đã liên tục giảm trong 2 năm gần đây.
CTCP Thủy sản Việt Úc vừa công bố BCTC quý 3/2024 với doanh thu 1.040 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ năm trước. Do giá vốn cùng chi phí bán hàng tăng khiến lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp giảm 52% còn gần 37 tỷ đồng.
Trên thực tế, lợi nhuận của Thủy sản Việt Úc đã liên tục giảm trong 2 năm gần đây. Trong giai đoạn 2017-2022 doanh nghiệp này vẫn đều đặn lãi hàng trăm tỷ mỗi năm thì đến năm 2023 giảm sâu chỉ còn vài chục tỷ. Doanh thu giảm cùng các chi phí vẫn giữ nguyên là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của công ty này giảm mạnh trong 2 năm gần đây.
Lợi nhuận của Thủy sản Việt Úc giảm trùng đúng thời điểm công ty công bố kế hoạch đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM. Giữa tháng 6 năm 2023, Thuỷ sản Việt Úc được mệnh danh là “vua tôm giống” đang chốt danh sách cổ đông để tiến hành lưu ký chứng khoán và giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Tuy nhiên, hiện nay kế hoạch này vẫn chưa hoàn tất.
Năm 2022, Việt Úc đã được đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch chào bán cổ phần ra công chúng tăng vốn điều lệ và niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Tuy nhiên, kế hoạch này thực tế đã không thành công.
Thủy sản Việt Úc là doanh nghiệp chiếm thị phần số 1 về tôm giống tại Việt Nam
Thủy sản Việt Úc tiền thân là Công ty TNHH Việt Úc, được thành lập vào tháng 7/2001 tại tỉnh Bình Thuận. Thủy sản Việt Úc do ông Lương Thanh Văn (sinh năm 1963) sáng lập và giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Lĩnh vực kinh doanh chính là nuôi trồng thủy sản.
Đến tháng 5/2015, công ty chính thức chuyển sang mô hình cổ phần và trở thành công ty đại chúng vào tháng 3/2019. Việt Úc được biết đến như “vua tôm giống” khi chiếm hơn 30% thị phần cả nước, vươn lên số 1 tại Việt Nam. Với hệ thống trang trại quy mô lớn tại nhiều tỉnh, công ty đạt công suất sản xuất 50 tỷ con tôm giống mỗi năm, đáp ứng 25% nhu cầu của thị trường trong nước.
Trong quá khứ, Việt Úc còn gây ấn tượng mạnh với hiệu quả đạt được trên đồng vốn. Năm 2020, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt gần 30.000 đồng. Thậm chí trước đó một năm, EPS công ty còn lên tới gần 48.000 đồng. Nguyên nhân đến từ việc vốn điều lệ của “vua tôm giống” khi đó chỉ hơn 103 tỷ đồng, tương ứng 10,3 triệu cổ phiếu.
Năm 2018, nhóm nhà đầu tư STIC (Hàn Quốc) bỏ 764.843 đồng cho một cổ phiếu, mua lại 9,8% vốn cổ phần Việt Úc. Định giá “vua tôm giống” vào khoảng 7.400 tỷ đồng. Vốn hoá hiện tại của doanh nghiệp đứng đầu ngành tôm là Minh Phú (MPC) khoảng 7.800 tỷ đồng.
Hiện tượng về EPS của Việt Úc chấm dứt vào năm 2022, khi công ty trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ “khủng” 120%, tức là 1 đơn vị cổ phiếu sở hữu nhận 12 đơn vị cổ phiếu cổ tức. Nguồn chia cổ tức đến từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tại thời điểm 30/9/2022, tổng tài sản của Thủy sản Việt Úc đạt mức 2.280 tỷ đồng, giảm 200 tỷ so với đầu năm. Trong đó, chiếm hơn một nửa là tài sản cố định, ở mức 1.331 tỷ đồng. Hàng tồn kho là 244 tỷ đồng, tăng 52%.
Điều đặc biệt, công ty này chỉ đi vay 6 tỷ cho đến cuối tháng 9. Vốn chủ sở hữu đạt 2.105 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối ở mức 754 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, ông Lương Thanh Văn cùng vợ là bà Nguyễn Kim Thùa sở hữu lần lượt 13,4% và 39% cổ phần Việt Úc, theo báo cáo tài chính kiểm toán. Hai cổ đông lớn khác tại Việt Úc là Viet Uc Hong Kong và Lotus Asia Investments nắm 11,39% và 7,59%. Báo cáo tài chính còn cho thấy tỷ lệ sở hữu của nhân viên Việt Úc vào cuối năm 2022 là 17,24%.
Dù không chính thức đứng lên, nhưng tỷ lệ sở hữu của gia đình ông Lương Thanh Văn tại Việt Úc còn cao hơn nhiều mức 52,4%. Thực tế, Viet Uc Hong Kong chính là công ty liên quan đến gia đình này.
Bên cạnh khoản đầu tư của nhóm cổ đông STIC vào Việt Úc năm 2018, các cổ đông thuộc CTCP Chứng khoán SSI gồm Quỹ Daiwa – Ssiam Vietnam Growth Fund III và Công ty Quản lý quỹ SSI nắm tổng cộng 1,67% cổ phần Việt Úc.