“Không ai hứng thú về việc bạn làm cái gì để sống. Cái họ muốn biết là bạn khao khát điều gì và liệu rằng bạn có dám ước mơ để đạt được khao khát đó? Không ai quan tâm bạn bao nhiêu tuổi. Họ chỉ muốn biết liệu bạn có dám trở thành một kẻ ngốc vì tình yêu, vì ước mơ và vì cuộc phiêu lưu của đời bạn hay không?” – Oriah Mountain Dreamer.
Trạng thái bất lực, bế tắc xảy ra ở mọi lứa tuổi và giai đoạn khác trong trong cuộc sống. Làm cách nào để thoát khỏi sự bế tắc? Câu trả lời tùy thuộc vào từng giai đoạn và những chiến lược cơ bản sau đây sẽ giúp bạn cải thiện tâm trạng, định hướng phát triển bản thân khi rơi vào tình trạng khủng hoảng, bế tắc.
1. Chạy bộ và thư giãn tâm trí
Có câu nói: “Không biết bản thân muốn gì sẽ tốt hơn là biết chính xác điều mình muốn nhưng không thể đạt được, ít nhất bạn sẽ có hy vọng“. Chắc chắn có không ít lần trong cuộc đời, bạn bị mắc kẹt và không biết phải làm gì hoặc khổ sở lựa chọn giữa việc nên làm và không nên làm, hoặc băn khoăn liệu những chọn lựa của mình liệu có đúng đắn.
Khi rơi vào trạng thái bế tắc, bạn không có bất kì suy nghĩ gì cho tương lai. Cuộc sống đơn giản là sự tồn tại tẻ nhạt từ ngày này qua ngày khác, mong muốn nhanh chóng đến ngày hôm sau. Nếu bạn đang trong tình trạng này, đừng hoảng sợ, hãy chỉ tập trung vào những điều bạn cần phải làm trong ngày hôm nay. Tập thể dục là giải pháp tốt giúp bạn có năng lượng tích cực trải qua một ngày mới và ngủ ngon hơn mỗi tối.
Khi mới bắt đầu chạy, bạn sẽ cảm thấy thật tồi tệ nhưng khi tới cuối chặng đường, cảm giác khó chịu trong người bỗng nhiên biến mất và bạn sẽ cảm thấy tốt hơn. Bác sĩ tâm lý chuyên tư vấn về cách vượt qua khó khăn trong cuộc sống cũng nói rằng thể dục là phương pháp tốt nhất làm tiêu tan nỗi đau tinh thần, giúp con người được thư giãn cả tinh thần lẫn thể chất.
Chạy bộ là cách hữu ích để cải thiện tâm trạng.
2. Hành động để đánh thức tâm trí
Khi buộc phải đưa ra những quyết định hay lựa chọn quan trọng trong cuộc sống, bạn có thể bị choáng ngợp, sợ hãi và quyết định không làm gì cả. Bạn lựa chọn trạng thái tê liệt vì không biết bản thân muốn gì và hướng tới điều gì. Thời gian trôi qua là vô ích.
“Không ai có thể sống cho bạn. Bạn phải sống cho chính mình dù giàu hay nghèo. Dù những bất công, buồn phiền, tồi tệ xảy đến với bạn, bạn vẫn phải sống. Tự thương hại chính mình là ngõ cụt. Tất cả phụ thuộc vào bạn” – Cheryl Stryed.
Không ai có thể đoán trước tương lai sẽ xảy ra điều gì. Những điều bạn mong mỏi không phải lúc nào cũng đến đẹp đẽ như một món quà được đóng gói. Tuy nhiên, bao bọc bản thân trong vùng an toàn không phải là cách lý tưởng để vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Không có một quy luật nào để tuân theo mà bạn phải tự tìm cho mình một hướng đi. Thức tỉnh tâm trí và chấp nhận thực tế là điều nên làm.
3. Thực hiện thử thách 30 ngày
Thay vì sống trong bất hạnh, buồn bã và tuyệt vọng, hãy lên kế hoạch về mục tiêu và thử thách ngắn hạn cho bản thân. Đây là bước đầu tiên cần làm nhằm tái lập trình tâm trí, lấy lại động lực. Bạn có thể đặt ra 3 mục tiêu muốn thành công trong khoảng một tháng để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Ví dụ như kế hoạch giảm 2 kg, từ bỏ những thói quen xấu, đi ngủ sớm hơn… Việc hoàn thành thử thách ngắn hạn sẽ giúp bạn có thêm tự tin và động lực tiếp tục đặt ra những kế hoạch lớn hơn.
4. Học hỏi sự khôn ngoan và kiến thức của những người đã trải qua
Đọc những câu chuyện về triết lý sống và cách họ vượt qua thách thức bất kể lĩnh vực nào sẽ truyền cảm hứng và thúc đẩy bạn giải quyết vấn đề của bản thân. Nó sẽ là tiền đề giúp bạn xây dựng nền tảng trí thức để biết bản thân cần làm gì.
Tác giả bài viết cũng đề cập đến 2 cuộc sách truyền cảm hứng cho những người đang bế tắc tìm thấy mục đích cuộc sống là: “The Long Walk to Freedom” (tạm dịch: Bước đường dài đến tự do) của cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và “Screw It, Let’s Do It: Lessons in Life and Business” (tạm dịch: Những bài học về cuộc sống và kinh doanh) của tỷ phú Richard Branson. Hai cuốn sách mang nội dung khác nhau nhưng đều có ý nghĩa về giá trị cuộc sống.
5. Làm bất cứ thứ gì để thấu hiểu bản thân
“Trong bất cứ quyết định nào, việc tốt nhất bạn có thể là việc đúng, việc tốt thứ 2 là làm việc sai và việc tồi tệ nhất là không làm gì cả” – Theodore Roosevelt.
Hãy tìm hiểu bản thân đam mê điều gì, muốn gì và làm gì cho cuộc sống của mình. Chiến lược này hỗ trợ mật thiết cho chiến lược 2, khi mà bạn phải biết mình là ai để có thể đánh thức lý trí của mình.
Để tiến về phía trước, bạn phải buông bỏ quá khứ và nắm lấy cơ hội để thay đổi. Nếu bạn không biết mình là ai và mong muốn điều gì, thật khó khăn để có thể tiến lên trong cuộc sống. Nó là một hành trình gian nan nhưng cũng thật xứng đáng khi bạn vượt qua nó. Một khi tìm thấy mục tiêu và niềm đam mê, bạn sẽ biết mình cần làm gì và hành động ra sao để chạy đến đích!