Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, dù là khó khăn, dù là suôn sẻ, vẫn tồn tại những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Cũng giống như thưởng thức cà phê, tận hưởng cuộc sống đôi khi chỉ là chấp nhận và cảm nhận…
Chúng ta, có lẽ nào đã hiểu sai cội nguồn của hạnh phúc?
Khi viên thẩm phán tra hỏi bị can rằng: “Vì sao anh lại hành hung vợ mình”, ông ta đã cho rằng người đàn ông đó đã đánh vợ. Câu hỏi trên không xác đáng vì nó mang tính quy chụp.
Cũng giống như vậy, những câu hỏi liên quan đến lẽ sống cũng thường mang tính quy chụp cao. Ví dụ như nếu hỏi “Ý nghĩa cuộc sống là gì?”, bạn đã ngộ nhận rằng cuộc sống chỉ mang một tầng nghĩa duy nhất. Hay, giả như hỏi “Mình có đang sống có ý nghĩa không đây?”, bạn cũng đã vô tình bó buộc câu trả lời trong hai phạm trù “có” và “không”.
Cả hai câu hỏi trên đều không thỏa đáng. Có vô số yếu tố làm nên giá trị cuộc sống. Ý nghĩa cuộc sống không chỉ gói gọn trong hai từ “Có” và “Không”. Nó phụ thuộc vào sự vừa đủ.
Để hiểu tường tận quan điểm trên, thay vì nhìn nhận cuộc sống theo phương diện “ý nghĩa”, hãy đánh giá nó trên quan điểm về “giá trị”.
Landau, tác giả tác phẩm “Finding meaning in an imperfect world” (Sống trọn vẹn trong thế giới không vẹn tròn) cho rằng: “Cuộc sống không ý nghĩa cũng đồng nghĩa với sự thiếu sót một số giá trị quan trọng. Nói theo cách khác, những người cảm thấy mình đang sống không trọn vẹn ý nghĩa sẽ luôn cảm thấy có sự cách biệt giữa kỳ vọng và thực tế”.
Đôi khi, chính kỳ vọng thiếu thực tế của con người đã tước đi ý nghĩa cuộc sống.
Nhưng, đôi khi, đời chưa đủ ý nghĩa chỉ vì chúng ta thiếu đi một giá trị cốt lõi nào đó như bạn bè, gia đình, sự nghiệp, đam mê.
Thứ chúng ta cần quan tâm không phải là ý nghĩa cuộc sống mà là các giá trị tạo nên nó. Vì sao? Trước hết, bạn có thấy câu hỏi “Cuộc đời mình đã có đủ các trải nghiệm chưa” nghe có lý hơn nhiều so với câu hỏi mông lung “Cuộc đời mình đã có ý nghĩa chưa” không? Bên cạnh đó, có vô số các nghiên cứu liên quan đến việc tìm tòi và tận dụng các giá trị – một lợi thế vô cùng lớn nếu bạn có ý định nâng tầm giá trị cuộc sống.
Có thể, cách nghĩ giá trị thay vì ý nghĩa hiệu quả hơn bởi nó mở cho chúng ta hai hướng đi. Con đường đến hạnh phúc, ý nghĩa cuộc sống không chỉ có một:
Tăng giá trị. Mỗi chúng ta đều có trọng điểm hành động khác biệt. Có người coi trọng nghỉ ngơi, có người coi trọng công việc. Hãy chọn cho mình chuỗi các hành động bạn coi là quan trọng và tăng cường tần suất thực hiện nó.
Thay đổi cách nghĩ. Mỗi người có một lăng kính nhìn đời khác nhau. Khó khăn với người này đôi khi là thuận lợi với người kia. Tất cả những thứ như vậy chỉ là vấn đề của tư duy. Ví dụ nhé, vợ đẹp con ngoan ai chẳng mong phải không? Thế mà có một anh bạn người Nhật tôi biết cho rằng vợ anh và đứa con xinh đẹp đang “hủy hoại cuộc đời” anh ấy. Sở dĩ như vậy là do anh ta cho rằng việc nuôi sống họ rút cạn thời gian và sức lực của anh ta. Vậy đấy, một vấn đề, nhiều góc nhìn.
Cuộc đời, đôi khi cũng giống như một tách cà phê
Cùng đối mặt với thiên tai, mất mát, có người sụp đổ nhưng cũng có người bình tĩnh lấy lại tinh thần. Trong cùng một hoàn cảnh, tâm lý là thứ quyết định suy nghĩ, hành vi và từ đó tác động lên ý nghĩa cuộc sống.
Nói theo cách khác, giá trị cuộc sống không chỉ nằm ở ngoại cảnh. Nó được quyết định bởi chính nội tâm con người bạn.
Trong cuốn sách của mình, Landau đã từng nhắc đến điều này. Ông cho rằng sống có ý nghĩa không đồng nghĩa với có nhiều bạn bè hay có nhiều tiền, được hưởng thụ vật chất xa hoa. Sống có ý nghĩa đôi khi chỉ đơn giản là hiều và trân trọng những gì mình đang có.
Nghe hơi khó hiểu phải không? Trước hết, hãy hình dung cuộc đời giống như một tách cà phê fin.
Nghĩ về nguyên liệu cho tách cà phê bạn sắp pha, chỉ khác là thay vì cà phê, bạn sẽ dùng các hương liệu đến từ cuộc đời. Bạn sẽ cho vào đó những gì nào? Một buổi hoàng hôn rực rỡ? Những bản giao hưởng du dương? Những ngày tháng hạnh phúc bên người thân? Nghĩ xong rồi thì hãy cho tất cả những nguyên liệu ấy vào trong tách lọc đi.
Để pha chế một cốc cà phê hoàn hảo, bạn không chỉ phải lo nghĩ về việc sử dụng những nguyên liệu nào. Bạn còn phải xem xét xem những thứ đó có đi qua màng lọc được không.
Giống như anh bạn người Nhật trong câu chuyện tôi vừa kể, người coi vợ con như lý do phá hủy cuộc đời mình, người khao khát có thêm thời gian cho bản thân, vợ con anh ấy là thứ nguyên liệu đầu vào cho tách cà phê nhưng không thể đi qua màng lọc. Màng lọc ở đây là rào cản tâm lý. Sau này, sẽ có một nhân tố thay đổi anh ấy nhưng hiện tại, anh ấy quá mù quáng để nhận ra giá trị những thứ mình đang có.
Câu chuyện trên chỉ là một minh chứng vô cùng nhỏ cho sự độc hại của chủ nghĩa cầu toàn. Cầu toàn cũng giống như một tấm lọc hoàn hảo. Chỉ có những thứ đạt đến độ tinh xảo, hoàn hảo tuyệt đối mới được phép đi qua đó. Cầu toàn, sau cùng, chỉ khiến chúng ta lu mờ trước những thứ viển vông và thờ ơ đến đáng sợ trước những thứ giản dị, tầm thường nhưng có giá trị.
Ly cà phê có ngon hay không phụ thuộc vào tay nghề của người pha chế
Làm thế nào để tạo nên cốc cà phê hảo hạng mang tên “cuộc sống”?
Như tôi đã nhắc đến trước đó, chúng ta có hai sự lựa chọn: thêm gia vị, giá trị hoặc trân trọng những gì đã có.
Bạn có thể điều chỉnh nguyên liệu cho tách cà phê cũng như thêm thắt giá trị cho cuộc sống. Hãy nhìn vào quá khứ, nhìn vào những tấm gương mà bạn ngưỡng mộ, giá trị gì làm nên cuộc sống ý nghĩa của họ? Nhìn vào thực tại, vào những gì bạn vẫn làm mỗi ngày, tự hỏi xem những điều đó có thực sự đem lại ý nghĩa? Nếu câu trả lời là không, có lẽ bạn nên từ bỏ điều đó.
Nếu bạn cho rằng cuộc sống của mình đã quá đủ đầy, không cần thêm gì nữa, hãy tập cách trân trọng nó. Thay đổi cấu trúc màng lọc tâm lý bằng việc theo học các khóa thiền, các khóa tu ngắn hạn, ghi nhật kí mỗi ngày…
Cà phê nếu bạn nghĩ là không ngon thì sẽ rất đắng nhưng nếu thả lỏng ra và cảm nhận, sau vị đắng là sẽ là vị ngọt nhẹ thoáng qua. Cuộc sống cũng vậy, bảo khó khăn khổ sở thì bạn sẽ thấy nó thật trắc trở. Nhưng nếu trân trọng nó hơn, cố gắng hơn, lạc quan hơn, bạn sẽ thấy nó thật đẹp. Ý nghĩa cuộc sống chẳng đâu xa mà nằm ngay trong nhận thức của bạn.
*Chia sẻ của blogger Charles Chu trên Medium.