GreenlandIttoqqortoormiit cách thị trấn gần nhất 800 km, băng phủ quanh năm, là địa chỉ để du khách ưa thám hiểm và nhiếp ảnh gia tìm đến để săn ”bóng ma Bắc Cực”.
Được biết với biệt danh “nơi xa xôi nhất thế giới”, “nơi tận cùng thế giới”, Ittoqqortoormiit ở đảo Greenland là ngôi làng có 370 người sinh sống. Làng nổi bật với các ngôi nhà sơn màu sặc sỡ và nằm giữa Vườn quốc gia lớn nhất thế giới Northeast Greenland cùng hệ thống vịnh hẹp lớn nhất thế giới Scoresby Sund. Người dân chủ yếu làm nghề săn bắn, những tấm da gấu Bắc Cực treo trên giàn giáo của nhiều ngôi nhà.
Kevin Hall, cây viết của BBC đã có chuyến du ngoạn mùa đông đến Ittoqqortoormiit để tìm hiểu về cuộc sống ở đây cùng ba nhiếp ảnh gia khác. Hai người dân bản địa tên Åge Danielsen và Manasse Tuko trở thành hướng dẫn viên của cả đoàn.
Không có đường để đến làng. Thay vào đó, du khách chỉ có thể tiếp cận Ittoqqortoormiit bằng máy bay hoặc thuyền (chỉ chạy vào mùa hè), xe trượt tuyết.
Nằm phía trên Vòng Cực bắc và cách thị trấn gần nhất khoảng 800 km, Ittoqqortoormiit là một vùng đất hoang dã, lạnh giá. Du khách đến nơi này có thể đi bộ khoảng 30 phút là hết điểm tham quan. Làng có nhà thờ, đồn cảnh sát, quán bar, nhà khách, sân bay trực thăng, siêu thị nhỏ có nguồn hàng được cung cấp trên hai chuyến tàu mỗi mùa, một công ty lữ hành nhỏ. Hall sốc khi nhìn thấy giá cả hàng hóa vì quá đắt và tự hỏi làm sao người dân có thể chi trả được khi thu nhập họ không cao.
Khu vực xung quanh là nơi sinh sống lý tưởng của gấu Bắc Cực, bò xạ hương và hàng triệu loài chim biển làm tổ trên các tảng băng trôi. Ngôi làng bao phủ trong băng tuyết chín tháng mỗi năm. Cư dân của làng chủ yếu là người Inuit – dân bản địa rất giỏi chịu lạnh.
Năm 2025, làng sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập. Cũng giống nhiều nơi xa xôi khác trên thế giới, Ittoqqortoormiit đang phải chịu cảnh dân số giảm vì ngày càng nhiều người trẻ chuyển tới các thành phố khác học tập, làm việc. Ngoài ra, ngôi làng còn đang đối mặt với một khó khăn khác: biến đổi khí hậu khiến băng đóng muộn hơn và tan sớm hơn, ảnh hưởng đến nền văn hóa, sinh hoạt của cộng đồng người bản địa.
Từ thủ đô Reykjavík, Iceland bốn du khách hạ cánh xuống sân bay Nerlerit Inaat cách làng Ittoqqortoormiit 40 km, họ dựng trại trong lều nhỏ gần sân bay vào đêm đầu tiên, khi nhiệt độ xuống âm 30 độ C. Sau khi cưa cá tuyết đông lạnh trên nền băng giống như thợ mộc cưa gỗ, hai hướng dẫn viên địa phương lấy băng cho vào chảo để đun thành nước và luộc chín cá cho bữa tối đơn giản. Hall chưa từng trải qua cái lạnh như hiện tại nên chân bị chuột rút.
Trong sáu ngày tiếp theo, cả nhóm di chuyển 25 km mỗi ngày trên hai chiếc xe kéo cùng 12 con chó husky lớn. Một trong những trải nghiệm mà Hall nhớ nhất là ngồi trên xe trượt tuyết với vận tốc 45 km/h để đi qua một trận bão tuyết với sức gió 80 km/h.
Một buổi sáng, sau khi ăn bánh mì nướng được làm nóng bằng cách xiên qua dao và hơ trên lò sưởi, hướng dẫn viên Danielsen chỉ lên phía những ngọn núi nằm phía tây ngôi làng. Nhóm khách nhìn lên và thấy bốn con bò xạ hương sừng ngắn, nặng tới 400 kg đang đứng trên sườn núi, lông dài và đen bay trong gió mạnh. Hall nhận xét đó là một khung cảnh vừa đẹp như tranh vẽ vừa hùng vĩ.
Hai xe trượt tuyết đưa các vị khách đi săn những con bò nhưng di chuyển thận trọng vì loài vật này nhát gan nhưng hung dữ. Nếu di chuyển quá nhanh, chúng sẽ chạy mất. Nếu đến quá gần, chúng sẽ lao tới.
Vào ngày thứ ba, Danielsen mời nhóm khách đến túp lều của mình chơi và ở lại hai đêm. Lều của Danielsen nằm ở vị trí thuận lợi để săn gấu Bắc Cực trên băng trôi, được sơn màu xanh lam sáng và chỉ đủ rộng để kê ghế sofa nhỏ, ghế ngồi, bồn rửa, bếp cùng dụng cụ săn bắn lớn treo trên trần. Công việc chính của Danielsen là săn bắn, hướng dẫn viên là nghề tay trái. Theo luật, thợ săn ở đây không được phép bán thịt hoặc da từ những con mồi họ săn được mà chỉ dùng để cung cấp thực phẩm, quần áo cho các gia đình trong làng. Ông nội, bố anh đều là thợ săn. Danielsen mong muốn người con út sẽ nối nghiệp.
Từ lều của Danielsen, nhóm du khách đi về phía đông thêm 20 km. Khi xe trượt tuyết của họ lướt trên tuyết và băng, các vị khách đều ngạc nhiên trước cảnh quan và sự thanh bình xung quanh với những tia nắng soi rõ trên lớp băng trôi màu xanh. Vào những đêm quang đãng của mùa thu và đông, do không bị ô nhiễm ánh sáng, du khách có thể ngắm Bắc Cực quang nhảy múa trên bầu trời.
Sau năm ngày dài di chuyển, nhóm du khách được đưa đến Kap Hope, khu định cư nhỏ gồm 20 túp lều cũ cách làng 14 km về phía tây, có tầm nhìn ra những tảng băng trôi để chụp ảnh gấu Bắc Cực. Sáng hôm sau, khi nhìn ra ngoài qua cửa sổ nhỏ bằng ống nhòm, Danielsen đột nhiên hét lên: “Gấu Bắc Cực! Gấu Bắc Cực!” và chỉ ra xa. Bốn du khách háo hức khi nghĩ đến cảnh sắp được nhìn tận mắt loài thú có khả năng ngửi thấy con mồi cách xa 32 km. Sáu người đi xuống sườn núi, mang theo máy ảnh và len ống dài nhất. Holko, người bạn nhiếp ảnh của anh gọi loài gấu này là “Bóng ma của Bắc Cực” vì chúng có bộ lông trắng xóa, dễ lẫn vào trong băng tuyết. Con gấu ở cách xa nhóm khách khoảng 6 km, đứng im trên băng khoảng 20 phút rồi di chuyển nên họ không thể lại gần để chụp ảnh.
Trong những năm gần đây, Ittoqqortoormiit tự quảng bá hình ảnh là điểm đến của các nhà thám hiểm, nơi bạn có thể đi thuyền phá băng, đi bộ qua vùng lãnh nguyên ngắm băng trôi và khám phá một phần thế giới mà ít người trên hành tinh này từng thấy. Nhưng khi một cảnh sát trong khu vực vẫy tay chào nhóm của Hall khi đi ngang qua, nam du khách không còn cảm thấy mình là nhà thám hiểm nữa. Anh thấy mình “như một phần của cộng đồng xa xôi này”.
Kết thúc chuyến đi, dù không chụp được ảnh gấu Bắc Cực như mong muốn nhưng Hall đã rút ra được nhiều bài học quý giá, như cách người dân xoay xở sống ở một trong những nơi xa xôi nhất trên Trái Đất.
Anh Minh (Theo BBC)