Cuối năm, vẫn đủ chiêu lừa đảo mua bán đất nền

Đáng nói, ngay cả khi thị trường bất động sản đang khó khăn vẫn rất nhiều người bị “lừa” với các hình thức tinh vi.

TIN MỚI

Ghi nhận cho thấy, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, nhiều người mua đất nền đang rơi vào cảnh tiền mất tật do mua phải dự án ma hoặc “chiêu trò” nhà đất thanh lý giá rẻ.

Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai bắt quả tang thành viên Công ty Lộc Phúc tổ chức “sàn giao dịch” lừa đảo mua bán đất tại dự án “ma”. Công ty này có địa chỉ tại đường Tiền Giang, phường 2, quận Tân Bình, Tp.HCM với hàng trăm đối tượng tham gia. Suốt thời gian dài, Công an tỉnh Đồng Nai liên tiếp nhận được tin báo của các nạn nhân ở Tp.HCM và Đồng Nai tố cáo công ty này có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lập dự án ảo trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Cụ thể, các thành viên công ty này nài nỉ khách hàng lên xe xuống xem đất tại Quốc lộ 51, gần KCN Nhơn Trạch và Trảng Bom (Đồng Nai), cùng nhiều người khác. Các chiêu thức quen thuộc mà các đối tượng này sử dụng như: quay số trúng thưởng trên xe, tạo không khí sôi nổi ép khách mua xuống cọc, kí hợp đồng, hứa hoàn lại tiền cọc nếu không ưng ý mảnh đất… nhằm tìm cách chiếm đoạt số tiền.

Gần đây nhất, nhiều khách hàng mua đất nền tại dự án có tên Seaway Bình Châu (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) của Công ty Cổ phần TP Holding cho biết, họ đang khá lo lắng vì sau 4 năm đóng tiền mua dự án này không nhận được nền đất như cam kết. Trong khi đó, trong văn bản trả lời khách hàng vào tháng 8/2023, UBND xã Thắng Hải đã cho biết, trên địa bàn từ trước đến nay không có dự án nào mang tên thương mại “Khu đô thị Seaway Bình Châu”.

Một trường hợp khác mới đây tại Vĩnh Phúc, đối tượng Dương Đức Cầu bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vĩnh Yên khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối tượng này lợi dụng sự quen biết để rủ rê, mời chào người khác góp chung tiền mua đất, đảm bảo sinh lời nhanh chóng.

Đối tượng tự vẽ ra thông tin về những căn hộ, thửa đất đang hạ giá, muốn tìm người mua chung để bắt đáy thị trường. Sau đó, chiếm đoạt toàn bộ số tiền đó. Mặc dù đây là thủ đoạn không mới, được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn có không ít người dính bẫy, bị mất hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Cuối năm, vẫn đủ chiêu lừa đảo mua bán đất nền - Ảnh 1.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận gần 20 đơn của người dân tố giác về hành vi lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản và lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn trái phép, trong đó, có một số đơn liên quan đến bất động sản.

Theo công an, điểm chung của nạn nhân trong những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến bất động sản phần lớn là do nhẹ dạ, cả tin, thiếu am hiểu pháp luật, dễ dàng tin vào những lời câu dẫn của đối tượng để xuống tiền mua đất với mục đích có lãi suất đầu tư cao.

Mặc dù nhiều người có phần cẩn thận hơn, yêu cầu đối tượng đưa đi xem, gặp gỡ chủ đất hoặc môi giới để mắt thấy, tai nghe việc giao dịch nhưng lại không đủ kiến thức để nhận diện tính pháp lý của mảnh đất cũng như mánh khóe của đối tượng.

Ghi nhận cho thấy, dù nghi ngờ hoặc biết chắc sẽ bị lừa nhưng nhiều người vẫn chấp nhận lên xe và xuống tiền để ký hợp đồng đặt cọc. Thậm chí có những người biết hết chiêu trò lừa đảo bất động sản qua các phương tiện truyền thông nhưng cuối cùng vẫn sập bẫy. Tình trạng này đã kéo dài và lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.

Cùng với đó, sau một thời gian vắng bóng, hiện nay chiêu thức lừa bán nhà phố, biệt thự, đất nền thanh lý phát mãi với giá giảm sâu lại xuất hiện trở lại.

Theo cơ quan công an, khi thị trường bất động sản trầm lắng thì những chiêu trò lừa đảo tiếp tục diễn ra và có chiều hướng gia tăng.

Vì vậy, để không trở thành nạn nhân bị lừa đảo, khi có nhu cầu mua đất, người dân cần chủ động xác minh tính pháp lý của thửa đất. Nếu mua thông qua môi giới, cần tìm hiểu kỹ thông tin cá nhân, chủ động, trực tiếp tham gia kiểm chứng, xác minh mọi thông tin trong hợp đồng với cơ quan chức năng, không nên tin vào lời quảng cáo, dụ dỗ của đối tượng.

Đối với những dự án có giá rao bán quá thấp so với thị trường cần phải cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi bỏ tiền đầu tư. Trong quá trình mua, bán bất động sản nếu phát hiện các bất thường, nghi ngờ về giấy tờ, sổ đỏ có dấu hiệu làm giả cần trình báo cơ quan công an để xử lý theo quy định.

Mới đây, Văn phòng UBND Tp.HCM có công văn truyền đạt chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường về việc Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM kiến nghị áp dụng các biện pháp phòng ngừa hành vi lừa đảo thông qua mua bán đất nền, căn hộ.

Viện Kiểm sát Nhân dân Tp.HCM nêu một số hành vi lừa đảo qua mua bán đất nền, căn hộ. Cụ thể, đối với việc phân lô, bán đất nền, trong nhiều vụ án, các đối tượng chưa hoàn tất thủ tục mua bán đất nền chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí, nhiều trường hợp các đối tượng chỉ mới thực hiện việc đặt cọc chuyển nhượng đất, chưa có văn bản xin chủ trương đầu tư dự án. Các dự án hầu hết đều là đất nông nghiệp chưa được chuyển mục đích sang đất ở, chưa thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng mà chỉ dừng ở việc chặt cây, san lấp mặt bằng…

Các đối tượng tự vẽ, lập các dự án không có thật, tự lập bản vẽ chi tiết 1/500 thể hiện kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công hình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và bản đồ phân lô… rồi tổ chức quảng cáo rầm rộ, chuyển nhượng cho các cá nhân để nhận tiền và chiếm đoạt.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin