(VNF) – Như mọi năm, bước sang quý III, doanh thu và lợi nhuận của Đạm Cà Mau sụt giảm mạnh so với hai quý liền trước. Kỳ này, doanh nghiệp cũng rút lượng lớn tiền nhàn rỗi khỏi kênh ngân hàng.
Cứ tới quý III là… mất đà
Mới đây, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HoSE: DCM) đã công bố báo cáo hợp nhất quý III/2024. Theo đó, doanh thu thuần quý vừa qua đạt 2.634 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu theo quý thấp nhất kể từ quý III/2021 đến nay.
Tuy nhiên, nhờ giá vốn hàng bán được tiết giảm mạnh mẽ, ở mức 20%, xuống còn 2.260 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp tăng tới 112%, từ 177 tỷ đồng lên 375 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tương ứng cải thiện từ mức 5,9% lên 14,2%.
Ngược lại, hoạt động tài chính của Đạm Cà Mau lại không mấy sáng sủa. Doanh thu tài chính “bốc hơi” tới 81%, chỉ đạt vỏn vẹn 39 tỷ đồng. Trong khi đó, áp lực từ lãi vay khiến chi phí tài chính tăng tới 56%, từ mức 9 tỷ đồng lên gần 14 tỷ đồng.
Dù vậy, đây vẫn là khoản chi phí thấp nhất mà Đạm Cà Mau ghi nhận. Trong quý vừa qua, chi phí bán hàng của “đại gia” phân bón tăng 7% so với cùng kỳ, lên tới 90 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp dù đã được tiết giảm 3% so với cùng kỳ song vẫn “neo” ở mức cao với gần 186 tỷ đồng.
Kỳ này, khoản lợi nhuận khác của Đạm Cà Mau cũng giảm nhanh, ở mức 45%, đạt chưa đầy 8 tỷ đồng. Theo đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt khoảng 26%, tương ứng mang về 132 tỷ đồng.
Nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau vẫn đạt 121 tỷ đồng, tăng 63% so với mức nền thấp của quý III/2023. Tuy nhiên, đây vẫn là mức lợi nhuận thấp nhất 4 quý trở lại đây.
Thực tế cho thấy, quý III hàng năm thường là giai đoạn trầm lắng đối với Đạm Cà Mau khi doanh thu và lợi nhuận thường sụt giảm rõ rệt so với các quý liền trước. Điều này được cho là xuất phát từ chu kỳ mùa vụ nông nghiệp, khi nhu cầu phân bón chững lại sau giai đoạn cao điểm vụ hè thu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Đạm Cà Mau ghi nhận doanh thu thuần đạt 9.242 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.056 tỷ đồng, tăng 71%.
So với mục tiêu mang về 11.900 tỷ đồng doanh thu và 795 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2024, kết thúc nửa đầu năm, Đạm Cà Mau đã thực hiện được 78% kế hoạch doanh thu và vượt 33% chỉ tiêu lợi nhuận.
Nhìn chung, dù doanh thu không tăng mạnh, việc tối ưu hóa giá vốn hàng bán đã giúp Đạm Cà Mau cải thiện hiệu quả kinh doanh. Điều này được thể hiện rõ nhất ở mảng ure. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, mặc dù doanh thu từ ure giảm đáng kể so với cùng kỳ nhưng giờ giá vốn hàng bán giảm sâu, đây vẫn là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính với biên lãi gộp lên tới 26%.
Tiền nhàn rỗi rời kênh ngân hàng
Tính hết quý III/2024, tổng tài sản của Đạm Cà Mau đạt xấp xỉ 15.420 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ.
Trong đó, tiền nhàn rỗi tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất với 56%, ghi nhận ở mức 8.616 tỷ đồng, tương đương 56%. Cần biết, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty đạt 10.526 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm, sau đó tăng lên 10.627 tỷ đồng vào cuối tháng 6.
Như vậy, trong quý III, lượng tiền nhàn rỗi của Đạm Cà Mau đã giảm 2.011 tỷ đồng. Theo quan sát, doanh nghiệp đã giảm tiền gửi ngân hàng và tăng cường tích trữ tiền mặt.
Trở lại với cơ cấu tài sản của Đạm Cà Mau, khoản mục chiếm tỷ trọng lớn thứ hai là hàng tồn kho với 3.173 tỷ đồng, tăng 47% so với đầu năm.
Tại ngày 30/9/2023, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Đạm Cà Mau đạt 478 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần thời điểm cuối tháng 6 và gấp 5,4 lần so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất hiện dự án kho cảng Nhơn Trạch (275 tỷ đồng), dự án nhà máy sản xuất phân bón tại Bình Định (58 tỷ đồng) và chi phí tại dự án mái che mưa cho hệ thống xuất sản phẩm nhà máy Đạm Cà Mau tiếp tục tăng.
Về phía nguồn vốn, đến hết quý III, tổng nợ phải trả của Đạm Cà Mau ghi nhận ở mức 5.525 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, tổng nợ vay đạt gần 1.627 tỷ đồng, bao gồm 1.494 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 133 tỷ đồng nợ vay dài hạn, cùng tăng mạnh so với đầu năm.