Trên cơ sở chỉ đạo của tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các đơn vị thành viên vừa phối hợp vừa cạnh tranh lành mạnh để cùng nhau phát triển, không có chuyện thị phần của người này rơi vào tay người kia một cách không lành mạnh
Ngày 11/12 tới đây, thị trường chứng khoán sẽ đón thêm một công ty đại chúng mới được đánh giá là một “bluechip tương lai”, đó là Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), vẫn được gọi là Đạm Cà Mau. Vào ngày này, Đạm Cà Mau sẽ chào bán 128.951.300 cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tương đương 24,36% vốn điều lệ với giá khởi điểm 12.000 đồng/cp.
Một doanh nghiệp phân bón mới liệu có hấp dẫn nhà đầu tư khi thị trường phân bón được đánh giá là đang bão hòa, thừa cung?
Phân bón dư cung, phải làm sao?
Sản phẩm Đạm Cà Mau chính thức ra đời và có mặt trên thị trường từ tháng 1/2012. Đó cũng là thời điểm Việt Nam từ một nước phải đi nhập khẩu ure đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm này. Và công ty PVCFC là nhà sản xuất, cung ứng phân bón ure hạt đục duy nhất tại Việt Nam.
Bắt đầu từ Tây Nam Bộ – thị trường tiêu thụ phân bón lớn nhất cả nước, Đạm Cà Mau mở rộng thị trường sang Đông Nam Bộ – vùng đất của các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê, cao su, hồ tiêu, điều. Tại đây, Đạm Cà Mau đã chiếm được thị phần 19% vào năm 2013 và dự kiến năm 2014 đạt 25%.
Tiếp giáp với vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và có tập quán canh tác chủ yếu sử dụng ure hạt đục (tỷ lệ 95%), Campuchia chính là thị trường quan trọng của PVCFC với nhu cầu tiêu thụ ure khoảng 250.000 – 280.000 tấn/năm. Việc tiêu thụ Đạm Cà Mau được triển khai thông qua hình thức xuất khẩu trực tiếp cho các đại lý và theo đó, thị phần của công ty đã nâng từ 30% vào năm 2013 lên 35% vào năm 2014.
Hiện nay, sản phẩm Đạm Cà Mau đã có mặt ở nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Bangladesh, Hàn Quốc và Philippines.
Theo số liệu của Bộ Công thương và Bộ Nông Nghiệp, tổng nhu cầu phân bón cả nước mỗi năm chừng trên 9 triệu tấn trong đó nhu cầu ure khoảng 2,2 triệu tấn. Trước đây, khi chưa có Nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Ninh Bình, lượng cung phân bón nội địa còn thiếu hụt so với nhu cầu. Song hiện tại lượng cung của các nhà máy trong nước đang dư khoảng 200.000 – 300.000 tấn.
Tuy nhiên, chia sẻ tại buổi Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu Đạm Cà Mau, đại diện công ty cho biết, ngoại trừ Trung Quốc thì khu vực châu Á luôn thiếu hụt phân bón và vẫn phải nhập khẩu từ các thị trường khác. Vì vậy, cơ hội cho các nhà máy phân bón Việt Nam chất lượng cao không thiếu.
Đối với Đạm Cà Mau, trước tình hình thị trường phân bón dư cung, với sản lượng sản xuất 800.000 tấn/năm, công ty đã xuất khẩu gần 100.000 tấn ure/năm. Nhưng về lâu dài, giải pháp căn cơ hơn mà PVCFC đề ra là đa dạng hóa sản phẩm. Theo đó, ngoài sản phẩm chính là hạt đạm vô cơ, sắp tới Đạm Cà Mau sẽ nghiên cứu đưa ra loại sản phẩm mới là hạt hỗn hợp có vỏ bọc bên ngoài là chất vô cơ có tác dụng trả lại chất dinh dưỡng cho đất, giúp cây trồng xanh lâu, đem lại lợi nhuận cao hơn và bền vững.
Đạm Cà Mau – Đạm Phú Mỹ: Vừa phối hợp vừa cạnh tranh lành mạnh
So sánh giữa các công ty phân bón đại chúng, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ là 2 doanh nghiệp quy mô lớn nhất. Tính đến cuối quý 2/2014, tổng tài sản của Đạm Cà Mau là 13.927 tỷ, của Đạm Phú Mỹ là 10.350 tỷ.
Tại buổi hội thảo nói trên, trước câu hỏi của một nhà đầu tư về việc có “tin đồn” rằng thị phần của Đạm Phú Mỹ “rơi vào tay” Đạm Cà Mau, đại diện công ty đã thẳng thắn trả lời, sản phẩm của Đạm Phú Mỹ được sản xuất theo công nghệ Green tạo ra hạt trong, còn sản phẩm của Đạm Cà Mau là hạt đục. Mỗi đơn vị sản xuất cho những thị trường đặc thù mà cả 2 đơn vị đều nắm thị phần chi phối.
“Trên cơ sở chỉ đạo của tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các đơn vị thành viên vừa phối hợp vừa cạnh tranh lành mạnh để cùng nhau phát triển, không có chuyện thị phần của người này rơi vào tay người kia một cách không lành mạnh.” – đại diện Đạm Cà Mau cho biết.
Bên cạnh đó, hiện nay Đạm Cà Mau đã xây dựng hệ thống phân phối riêng với thị trường mục tiêu khác với Đạm Phú Mỹ.
PVCFC có một lợi thế rất quan trọng, là được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đảm bảo về giá khí trong giai đoạn 2015 – 2018 để Công ty có tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân là 12%/năm từ hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón.
Tuy nhiên, một điểm khiến các nhà đầu tư lo lắng là tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu của Đạm Cà Mau rất cao. Cuối năm 2013, tỷ lệ này là 314%, đến cuối quý 2/2014 giảm còn hơn 220% và chủ yếu là vay ngoại tệ. Điều này đặt công ty trước rủi ro về “cú sốc tỷ giá”. Đại diện công ty cho biết, các khoản vay ngoại tệ của PVCFC được vay khi đầu tư dự án với tổng số tiền 500 triệu USD và đã trả gốc vay 120 triệu USD. Theo đánh giá của công ty, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu khoảng 2,1 là an toàn.
“Chúng tôi đã xây dựng phương án dòng tiền để trả nợ, và hiện nay cũng không vay ngân hàng. Về vấn đề chênh lệch tỷ giá, chúng tôi cũng có nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro, ngoài ra chúng tôi có quan hệ tốt với Ngân hàng để có giải pháp tài chính hợp lý.”