Đám giỗ trong đời sống dân gian miền Tây Nam Bộ

Phong tục cúng cơm người mất hay còn kêu là đám giỗ đã tồn tại tự bao đời nay trong đời sống dân gian miền Tây Nam Bộ.

Sách là những trang viết tản mạn, ghi lại những nét văn hóa đặc trưng miền sông nước, đậm đà tình làng nghĩa xóm, lời ăn tiếng nói mộc mạc, thiệt lòng thiệt dạ của người dân miền Tây Nam Bộ.

Thường thì những người trên dưới 50 tuổi đã có dâu, rể thì nhà luôn có bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ (九玄七 祖). Ở đó, sẽ có lư hương thờ cha mẹ hoặc ông bà nội ngoại hoặc cô, dì, chú bác (trường hợp những người này không có con, do cháu thờ cúng).

Thường niên, cứ đến ngày tháng của người được thờ cúng, chủ nhà sẽ làm đám giỗ để cúng cơm cho người mất. Tùy theo kinh tế gia đình và vị thế của người mất, chủ nhà sẽ tiến hành làm đám lớn hay nhỏ. Vì đám được tổ chức cố định nên chủ nhà cũng dễ dàng chủ động từ sự chuẩn bị cho đến lúc tổ chức.

Du vi mien xua anh 1

Bìa cuốn sách.

Cách vài ba tháng trước chủ nhà đã dự tính đến chuyện hốt bầy vịt hay gầy ấp một, hai bầy gà để nuôi. Tính toán sao cho đến ngày cúng giỗ gà, vịt lớn có thể ăn thịt được. Nếu muốn tổ chức đám lớn hơn nữa có nhà còn dự tính nuôi heo. Thời gian ấy nếu có khách đến nhà chơi, thân quen hỏi thăm chủ nhà không ngần ngại khoe: Bầy vịt/ bầy gà (hay con heo) này tui nuôi để chuẩn bị vài tháng tới cúng tía tôi, ông nội sắp nhỏ đó đà!

Chừng nửa tháng trước ngày giỗ công việc chuẩn bị của chủ nhà tăng dần lên. Những người phụ nữ quán xuyến việc bếp núc sẽ tính toán để ngâm nếp xay bột phơi khô để gần tới đám làm bánh; tranh thủ những buổi chiều rảnh sẽ bơi xuồng đi cắt lác về chẻ dây phơi khô để dành buộc bánh tét.

Cùng lúc này những người đàn ông ra vườn kiếm lượm những gốc cây khô, những khúc củi lớn về chất sẵn ở góc sân, góc chái bếp, đây là thứ dùng để chụm khi nấu bánh. Củi cũng được chuẩn bị chu đáo. Những khúc củi được cưa ra và chẻ phơi đàng hoàng.

Những tàu lá dừa khô được kéo về róc ra làm đồ nhóm lửa. Tất cả được chất thành những cự thẳng thớm, gọn ghẽ. Chất đốt chuẩn bị để nấu nướng trong ngày làm đám coi như hoàn tất.

Cách đám hai, ba ngày người nhà sẽ tổ chức dỡ chà, hay tát đìa, nếu nhà có tổ chức các phương tiện đánh bắt cá tôm đó. Cá tôm bắt được có thể bán để có thêm tiền mua sắm vật dụng, cũng có thể rọng để đến ngày cúng sẽ làm thêm những món ăn vừa dâng cúng vừa đãi khách.

Du vi mien xua anh 2
Quây quần gói bánh trước ngày đám giỗ. Nguồn: mientay.giadinhonline.

Các bà thường dắt cháu theo để rọc lá chuối chuẩn bị gói bánh. Tra cây dao nhỏ vào cây trúc, nhánh cây nhỏ rồi lựa những bụi chuối xiêm, chuối hột sau vườn nhà để rọc lá. Nhà không có thì sang hàng xóm, coi nhà ai có trồng những giống chuối ấy thì hỏi xin. Lá chuối rọc xong sắp lại từng xấp đem về nhà chuẩn bị cho việc gói bánh.

Để có đồ xào nấu, cúng kiếng người ta phải ra chợ một chuyến. Dự kiến những thứ cần mua sắm xong, lựa buổi sáng nào đó rồi năm ba chị em, anh em chèo ghe ra chợ. […]

Trong khi những người đi chợ thì những người ở nhà được phân công lau chùi, sửa sang dọn dẹp bàn thờ. Có thể đánh bóng lại lư hương, chân đèn,… Lư hương người được cúng sắp tới sẽ được rút hết chân nhang, chỉ chừa lại ba cây. Những dĩa quả trưng bánh, trái, được đem ra rửa sạch. Bình bông được thay bằng những nhánh bông tươi.

Xong việc bàn thờ, chủ nhà sẽ sai biểu vài đứa con, cháu trai sang nhà hàng xóm mượn thêm bàn, ghế để đãi khách. Cũng có khi người bà, người mẹ trong nhà sai dâu, hay cháu gái đi mượn thêm ly, bình, xoong, chén, cù lao, đũa muỗng…

Những vật dụng này có khi phải mượn hai, ba nhà mới đủ xài. Vì có nhiều thứ nhiều loại khác nhau, nên người đi mượn phải tìm cách làm dấu để khi trả mới khỏi lộn, không sinh ra những rắc rối về sau.

Sau khi đi chợ về, chiều tối bữa đó hoặc chiều hôm sau (thời gian làm bánh gần sát ngày giỗ để vừa có bánh cho con cháu ăn, đãi khách vừa đảm bảo thơm ngon) người nhà sẽ tổ chức nướng bánh bông lan, bánh kẹp hay đổ bánh bò, bánh da lợn. Hoạt động này thường được các bà, các em gái là bà con hoặc láng giềng quen thuộc thực hiện.

Chừng ba, bốn giờ chiều những người phụ giúp sẽ đến nhà có việc. Người tẻ gạo xay bột, người nhồi bột khô đã được chuẩn bị, người nạo dừa, đánh trứng gà, vịt,… để nướng bánh, hấp bánh. Nhóm người khác sẽ gói bánh ít, bánh tét. Mọi người vừa làm vừa nói chuyện rôm rả. […]

Công việc xong xuôi, rửa dọn hoàn tất thì ai về nhà nấy để nghỉ ngơi. Riêng chủ nhà còn phải thức thêm đỗi nữa để canh chừng nồi bánh tét. Bánh chín vớt ra, người ta nhúng bánh trong thùng nước lạnh để xả nhựa, rồi máng từng cặp lên đòn tre gác ở chái bếp.

Trước ngày cúng giỗ chính, dân gian kêu là ngày tiên thường. Từ sáng, con cháu ở xa đã bắt đầu tề tựu. Đặc biệt những người con gái có chồng xa, ngày này cũng sẽ xin phép nhà chồng rồi cùng chồng con về quê cúng ông bà, cha mẹ.

Những chiếc xuồng ba lá, những chiếc ghe tam bản chở theo quày dừa, thúng nếp hay cặp gà, cặp vịt để làm quà trong chuyến về quê ngoại. Những cuộc gặp gỡ nhau trong sự hân hoan vui mừng của chủ nhà. Bao tháng ngày xa cách nay có dịp trùng phùng, tay bắt mặt mừng, liền miệng thăm hỏi sức khỏe công việc làm ăn sinh sống của bà con ở xa, những người không có mặt trong những ngày này.

Xế trưa, nếu đám giỗ có làm heo thì những người được nhờ bắt đầu đến để nấu nước sôi và thực hiện công việc. Heo cạo sạch đem ra mé sông hay để trên cầu nước mổ bụng, làm lòng, ra thịt. Những thanh niên làm heo nhanh tay lặt mấy miếng thịt bánh chè cặp nhánh trúc tươi gác lên bếp than dùng nấu nồi nước dùng làm heo lúc nãy để nướng.

Ra thịt xong, chất thịt ra sịa rồi bưng vô giao lại cho các bà các chị trong bếp. Trở ra thì cũng là lúc những cục thịt nướng đã chín vàng. Năm ba anh em rủ nhau tụ lại dưới gốc cây rơm ngoài góc sân lai rai cùng chai rượu đế. Trong nhà, người rửa chén đũa để cho khô nước, người làm gà, người làm vịt, người gọt khoai, người gọt khóm, lặt hành để chuẩn bị nấu các món cúng bữa cơm chiều. Mâm cúng này gọi là cúng tiên thường. Cúng xong, anh em bà con cùng nhau dùng bữa cùng chủ nhà. […]

Sáng hôm sau, tầm gà gáy canh tư, sao Mai vừa ló đọt bần thì người nhà có đám đã thức giấc. Các bà các chị nhúm bếp hầm lại những món đã nấu xong chiều qua. Chuẩn bị nấu nướng thêm các món còn lại. Đàn ông, con trai chuẩn bị kê bàn, sắp ghế để đãi khách. Khách mời trong đám giỗ là những người vai lớn hơn chủ nhà, hoặc con cháu ở xóm.

Con cháu ruột thì phải nhớ bổn phận về cúng cơm cho ông bà chớ không phải đợi chủ nhà lên tiếng mời, rủ mới tới. […]

Đến giờ cúng, người ta thay nhau dọn đồ lên các mâm cúng. Tiếng cười nói tạm lắng xuống, để những người tham dự đốt nhang vái cúng người mất. Khi ấy, mọi người tản ra, chuyện vãn nhỏ tiếng hơn để cho hương hồn người khuất mặt và cô hồn các đảng ăn uống. Khi nhang cháy chừng phần ba cây, người ta lui nhang và chuẩn bị dọn đồ ăn từ các mâm cúng xuống bàn để mời khách.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin