Đàm phán Mỹ – Trung: Thỏa hiệp về đồng nhân dân tệ có thể là mầm mống cho khủng hoảng tài chính châu Á?

Một thỏa thuận thương mại giữa hai nước, nếu thực sự có, rất có thể sẽ đưa vào điều kiện buộc Trung Quốc phải thực hiện chính sách tỷ giá cứng nhắc hơn. Tuy nhiên, khi một quốc gia chịu áp lực tài chính và kinh tế vĩ mô nghiêm trọng, đây là một điều tệ hại.

Cuối tuần vừa rồi, thị trường tài chính toàn cầu đã vấp phải sự chao đảo mạnh mẽ, bắt nguồn chỉ từ hai dòng tweet ngắn gọn của ông Donald Trump trên tài khoản mạng xã hội của mình. Ngay sau khi ông Trump cho biết việc áp thuế 25% lên giá trị hàng hóa 250 tỷ USD từ Trung Quốc sẽ được thực hiện vào ngày 10/5 tới đây, Trung Quốc đã có những động thái đe dọa sẽ hủy bỏ việc đàm phán thương mại giữa hai nước.

Mặc dù vậy, đến phút trót, Trung Quốc thông báo đoàn đàm phán của mình vẫn sẽ chuẩn bị sang Mỹ để tiếp tục làm việc, với mục tiêu hướng tới một thỏa thuận thương mại trong thời gian sớm nhất.

Trở lại với bản chất cuộc chiến, ngay từ đầu, cùng với động cơ nhằm cảnh cáo Trung Quốc về việc ăn cắp sở hữu trí tuệ, hay việc Chính phủ Trung Quốc trợ giá các công ty của mình để xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, ông Donald Trump còn nhấn mạnh tới các cáo buộc về việc Trung Quốc cố tình phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) cùng nhằm mục đích thúc đẩy xuất khẩu.

Một thỏa thuận thương mại giữa hai nước, nếu thực sự có, rất có thể sẽ đưa vào điều kiện buộc Trung Quốc phải thực hiện chính sách tỷ giá cứng nhắc hơn. Cùng các nỗ lực để đạt được nhiều mục tiêu khác đối với Trung Quốc, ông Trump có thể sẽ muốn Trung Quốc phải giữ tỷ giá đồng CNY neo nhiều hơn vào đồng USD, theo hướng cho phép các doanh nghiệp Mỹ có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của mình về giá thành sản phẩm. Mặt khác, Trung Quốc cũng không ngừng muốn giảm giá đồng CNY so với USD để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nếu hai bên đưa nội dung buộc Trung Quốc phải kiểm soát cứng đối với tỷ giá vào thỏa thuận thương mại, rất có thể vấn đề giữa hai nước sẽ làm trầm trọng thêm các hoạt động kinh doanh trên toàn cầu. Thậm chí, nó có thể là mầm mống cho một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á tiếp theo.

Để tỷ hối đoái của CNY duy trì ổn định so với đồng USD sẽ đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải thực hiện chính sách tiền tệ theo sát những thay đổi về lãi suất của Mỹ. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế thị trường tự do, tỷ giá biến động gắn liền với sự thay đổi lãi suất và dịch chuyển dòng vốn. Bởi thế, trong nhiều trường hợp, Trung Quốc sẽ phải thông qua các biện pháp kiểm soát dòng vốn hoặc điều tiết lãi suất để bù đắp áp lực lên tỷ giá. Nhiều nền kinh tế quy mô vừa hoặc nhỏ trên thế giới đang được quản lý theo cách này. Nhưng Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, với hoạt động thương mại diễn ra trên toàn cầu ở quy mô khổng lồ. Nhà nước Trung Quốc không thể kiểm soát được tỷ giá thông qua các chính sách cứng nhằm cố gắng neo đậu vào một đồng tiền nào đó.

Hơn nữa, chu kỳ kinh tế của hai nước cũng không trùng khớp với nhau để có thể cố định tỷ giá theo mục đích của bất kỳ bên nào. Nhiều năm nay, Mỹ là quốc gia nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất trong khi Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất trên thế giới. Trên thị trường vốn, Mỹ phát hành trái phiếu và Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất. Về bản chất, hai nền kinh tế đã có nhiều điểm khác biệt.

Những năm gần đây, năng suất kinh tế của Trung Quốc có xu hướng giảm tốc, lĩnh vực nhà ở được xây dựng quá mức, và nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đã ngừng tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng cần phải có khả năng sẵn sàng nới lỏng các chính sách tiền tệ mà không bị phụ thuộc vào việc hỗ trợ tỷ giá hối đoái.

Ông Trump cáo buộc Trung Quốc cố tình giảm giá, thậm chí phá giá đồng CNY so với USD nhằm mục đích đẩy mạnh xuất khẩu, tạo điều kiện cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp Mỹ. Nhưng xét từ bối cảnh Trung Quốc những năm gần đây, việc định hướng giảm giá đồng CNY của Trung Quốc là hợp lý.

Tuy nhiên, khi một quốc gia chịu áp lực tài chính và kinh tế vĩ mô nghiêm trọng, việc duy trì tỷ giá hối không linh hoạt, cố gắng kiểm soát cứng đối với tỷ giá là một con đường tệ hại để đi nhanh tới thảm họa. Năm 1997, Thái Lan và một số nền kinh tế nhỏ ở châu Á đã phải gánh chịu những hậu quả nặng nề sau khi cố duy trì bộ ba chính sách bất khả thi (cố định tỷ giá, giảm lãi suất, kiểm soát dòng vốn) trong một thời gian dài. Đối với Trung Quốc, nền kinh tế có quy mô lớn hơn nhiều lần so với Thái Lan ở thời điểm đó, thì hậu quả sẽ tồi tệ hơn nếu khủng hoảng tương tự xảy ra.

Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chính sách tỷ giá CNY thấp so với USD, nhưng không thể chấp thuận bất kỳ yêu cầu nào từ phía Mỹ buộc phải thực hiện các biện pháp cứng để kiểm soát tỷ giá nhằm thỏa hiệp các căng thẳng thương mại giữa hai bên.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin