Dùng xe đạp gấp kết hợp tàu điện trên cao khiến anh Trần Mạnh Lâm tiết kiệm được 40 phút di chuyển và 10.000 đồng mỗi ngày.
Rẻ, nhanh mà lại khoẻ người
Duy trì thói quen đạp xe hơn chục năm qua, anh Trần Mạnh Lâm (Đống Đa) cho biết: “Đặc thù công việc văn phòng khiến tôi từng có thời gian khổ sở vì chứng thoát vị đĩa đệm; đau cổ, vai, gáy. Khi thử thể thao bằng xe đạp, những căn bệnh này dần dần thuyên giảm và biến mất”.
Kể từ khi tàu điện Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động, mỗi sáng anh Lâm đưa xe đạp lên tàu điện, xuống tại ga Vành đai 3 và tiếp tục di chuyển thêm 3km để đến chỗ làm. Tổng quãng đường di chuyển dài gần chục km chỉ mất 20 phút, nhanh gấp đôi so với đi xe máy trước đây.
Bên cạnh đó, mỗi ngày anh tiết kiệm được 20.000 đồng tiền xăng, 5.000 đồng gửi xe. Sau khi trừ chi phí 200.000 đồng mua vé tháng tàu điện, mỗi tháng anh dư 300.000 đồng.
Loại xe anh Lâm sử dụng là xe đạp gấp, nặng khoảng 10kg. Có rất nhiều loại xe với kích thước, cân nặng và giá tiền khác nhau.
Từ hồi chuyển sang đi xe đạp kết hợp cùng tàu điện, thời gian đi lại của anh giảm một nửa, vừa mát mẻ lại khỏe người.
Anh Lê Đạt (Thanh Xuân) cũng quyết định giã từ chiếc xe máy để tham gia vào hội đạp xe đi làm. “Một phần vì muốn cải thiện sức khỏe sau chấn thương, phần cũng vì giá xăng dầu tăng cao, mình cũng muốn tiết kiệm chi phí đi lại”, anh Đạt chia sẻ.
Đường từ nhà đến công ty thuận theo hướng tàu điện trên cao, anh Đạt quyết định kết hợp đạp xe với phương tiện công cộng nhằm tiết kiệm thời gian di chuyển.
Anh tâm sự: “Ban đầu, quyết định đạp xe đi làm của mình bị nhiều người cười cợt, cho rằng dở hơi. Đạp xe dưới thời tiết mùa hè này đúng là trời đày. Đến công ty người hôi rình thì còn làm lụng gì”.
Xe đạp gấp đang dần trở thành trào lưu, được nhiều người lựa chọn.
Vấn đề này nhanh chóng được giải quyết khi có tàu điện Cát Linh – Hà Đông. Anh chỉ mất 2km đạp xe ra ga Vành đai 3, sau đó ngồi trên tàu tầm 15 phút là đến nơi.
Nếu trời nắng nóng, người ra mồ hôi thì công ty anh cũng trang bị phòng tắm cho nhân viên. “Mình đi làm từ 7 giờ, đến công ty chỉ mất khoảng 30 phút, đạp xe đến nơi mình tắm rửa, thay đồ công sở, vẫn còn thừa thời gian ăn sáng hay nhâm nhi một cốc cafe”, anh Đạt chia sẻ.
Còn chị Mai Liên (Hà Đông) thì quá mệt mỏi với cảnh tắc đường, phải đứng chôn chân hàng giờ dưới cái nắng oi bức của mùa hè nên quyết định thay đổi phương án di chuyển. “Nhà gần ga Yên Nghĩa nên tôi chọn cách dậy sớm, đạp xe ra ga rồi đi bộ lên tàu điện. Không chỉ hỗ trợ giảm cân, tránh tắc đường, đạp xe còn giúp tinh thần tôi thoải mái”, chị Liên nói.
Trong khoảng 30 phút trên tàu, chị Liên tranh thủ nghỉ ngơi, hay xử lý nốt công việc. Tổng quãng đường di chuyển dài 15 km mất khoảng 50 phút, nhanh hơn so với đi xe máy mà lại vô cùng an toàn.
Chị Liên tâm sự: “Tay lái của tôi yếu, lại phải di chuyển một đoạn đường khá dài, nên khi quyết định chuyển sang đi xe đạp kết hợp cùng tàu điện trên cao, mọi người trong gia đình tôi vô cùng ủng hộ”.
Trào lưu xe gấp nở rộ
Xu hướng đạp xe đi làm kết hợp cùng phương tiện công cộng đã rất phổ biến ở nước ngoài và đang bắt đầu nhen nhóm tại Việt Nam.
Nhờ sự tiện dụng, xe đạp gấp nhanh chóng trở thành trào lưu được nhiều người quan tâm. Không chỉ để di chuyển, nó còn giúp rèn luyện sức khỏe, tăng sức bền, độ dẻo dai.
Sử dụng tàu điện vừa êm ái lại mát mẻ, anh Xuân Nam lại có thể tranh thủ giải quyết nốt một số công việc trước khi đến công ty.
Là một trong những người kinh doanh xe đạp gấp tại Hà Nội, anh Xuân Nam (Hoàng Mai) chia sẻ: “Nhu cầu đạp xe tập luyện kết hợp với đi làm gia tăng, khiến lượng khách mua lớn.Trước đây, mỗi tháng tôi bán được 10-15 chiếc, từ đầu năm trở lại đây tăng gấp 2-3 lần, lượng khách mua không chỉ để rèn luyện thể dục thể thao mà mua để đi làm tương đối nhiều. Tùy vào nhu cầu, lựa chọn của khách cũng khá đa dạng, họ có thể mua những chiếc xe từ vài triệu đến vài chục triệu đồng”.
Theo anh Nam, có nhiều yếu tố khiến thị trường xe đạp có tiềm năng phát triển trong thời gian tới. Một là nhu cầu rèn luyện sức khỏe, thể dục thể thao. Hai là thời buổi bão giá, giá xăng dầu liên tục lập đỉnh. Ba là hạ tầng giao thông phát triển với các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện được xây dựng.
Trả lời trên Dân Trí, ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết xe đạp gấp có kích thước nhỏ gọn được phép mang lên tàu. Tuy không thống kê nhưng ông ghi nhận lượng người mang xe đạp gấp lên tàu điện trên cao ngày một nhiều. “Nhưng nếu người dân không gấp xe, mà để cồng kềnh, thì chúng tôi không khuyến khích”, ông Trường chia sẻ.