(VNF) – Bên cạnh ba “tay chơi” lớn trên thị trường đồng hồ hiện nay được nhiều người biết tới như Thế Giới Di Động, PNJ và Doji, thì miếng bánh thị phần này cũng được chia đều cho các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ. Trong số đó, Đăng Quang Watch nổi lên là một đối thủ đáng nể.
Miếng bánh béo bở
Theo báo cáo của Grand View Research, doanh số bán đồng hồ cơ khí dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn từ 2022 đến 2030, đặc biệt là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam. Thị trường đồng hồ xa xỉ tại Việt Nam cũng đóng góp một phần không nhỏ vào tổng doanh thu, nhờ vào sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu, những người coi đồng hồ như một biểu tượng của địa vị và phong cách cá nhân.
Trong năm 2023, giá trị của thị trường đồng hồ đeo tay (không bao gồm đồng hồ thông minh) tại Việt Nam ước tính hàng chục tỷ USD. Các kênh phân phối truyền thống như cửa hàng bán lẻ vẫn chiếm ưu thế, nhưng các kênh trực tuyến cũng đang dần phát triển nhanh chóng nhờ vào sự tiện lợi và các dịch vụ giá trị gia tăng như giao hàng tận nơi và chính sách đổi trả dễ dàng.
Hiện nay, thị trường đồng hồ Việt Nam vô cùng đa dạng với nhiều chủng loại và thương hiệu khác nhau. Thậm chí có cả những mẫu sản phẩm hiếm trên thế giới vẫn có người sở hữu. Đó cũng là lý do vì sao các chuyên gia nhận định thị trường này đang rất phân mảnh và còn nhiều phức tạp. Tuy nhiên, vẫn có thể chia theo 2 phân khúc chính.
Thứ nhất là phân khúc đồng hồ thời trang, thông thường đây là những sản phẩm đến từ các thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới, không chuyên về đồng hồ. Đa phần những sản phẩm này có thiết kế mang tính thẩm mỹ cao, bắt mắt với mức giá dao động từ thấp đến trung bình. Đối tượng khách hàng mục tiêu trong phân khúc này thường là nữ, có nhu cầu chi tiêu cho các sản phẩm thời trang cao. Hiện tại, đây là phân khúc thu hút các nhà bán lẻ lớn tham gia với mẫu mã đa dạng, chủ yếu ở mức giá trung bình thấp.
Thứ hai là phân khúc đồng hồ thông thường, đây là các sản phẩm đến từ những thương hiệu chuyên về đồng hồ với hai dòng chính là Thụy Sĩ và Nhật Bản. Đối tượng khách hàng mục tiêu của phân khúc này chủ yếu là những người muốn sử dụng đồng hồ đúng chức năng hoặc có sự hiểu biết nhất định về sản phẩm nên thường là nam giới. Ở phân khúc này, giá sản phẩm thường dao động từ vài triệu đến vài chục triệu, nằm ở tầm trung và cao cấp, thường do các nhà bán lẻ lâu năm và có tên tuổi chiếm lĩnh chủ yếu.
Tuy nhiên, do còn sự phân mảnh khá lớn cũng như chính sách quản lý chưa chặt chẽ, việc tham gia vào thị trường này vẫn là thách thức không nhỏ. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ khách hàng vẫn thích lựa chọn sản phẩm giá rẻ, thời trang mà không quá bận tâm đến thương hiệu hoặc chất lượng.
Vì vậy, thị trường đồng hồ Việt Nam vẫn còn rất nhiều ngách chưa được khai thác. Vấn đề của các đơn vị muốn tham gia vào lĩnh vực hấp dẫn này chính là lựa chọn đúng ngách còn bỏ ngỏ, khẳng định chất lượng và tạo được niềm tin với khách hàng thì cơ hội sẽ vô cùng lớn.
Thị trường đầy tiềm năng
Bên cạnh ba “tay chơi” lớn trên thị trường đồng hồ hiện nay được nhiều người biết tới như Thế Giới Di Động, PNJ và Doji, thì miếng bánh thị phần này cũng được chia đều cho các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ (như: Đăng Quang Watch; Đồng hồ Hải Triều, Xwatch, Đồng hồ Tuấn Hưng, Đồng hồ Hưng Thịnh, Đồng hồ 88, Đồng hồ Bảo Thanh, Đồng hồ Hùng Thịnh Phát,…) và các chợ đồng hồ.
Với PNJ, doanh nghiệp này thử nghiệm bán đồng hồ từ năm 2012 tại các cửa hàng trang sức, các sản phẩm do PNJ mở bán trải dài khá rộng, từ nhóm thời trang, giá rẻ như Citizen, Seiko, CK, Guess, Michael Kors, Skagen (giá từ 4-8 triệu đồng), cho tới trung bình Tissot (trên 10 triệu đồng) hay cao cấp Longines (mức giá từ 30 triệu đồng).
Không rầm rộ như PNJ, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji cũng tham gia vào “miếng bánh” thị phần này khi chủ yếu đánh vào nhóm sản phẩm thời trang có mức giá rẻ. So với các đối thủ, dải sản phẩm của Doji có phần ít hơn khi chỉ có 8 thương hiệu.
Về phía Thế Giới Di Động, tháng 3/219 doanh nghiệp này cũng chính thức bước chân vào mảng kinh doanh đồng hồ theo mô hình shop-in-shop tại 2 cửa hàng ở TP.HCM. Tính đến hết quý I/2023, doanh nghiệp này đang sở hữu 1.668 điểm bán, con số trên đưa nhà bán lẻ này lên vị thế dẫn đầu về số lượng điểm bán đồng hồ thời trang.
Đăng Quang Watch, “ông lớn” bán lẻ đồng hồ
Trong số các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ, Đăng Quang Watch nổi lên khi là thương hiệu được nhiều khách hàng tại Hà Nội “chọn mặt gửi vàng”. Doanh nghiệp này kết hợp giữa kênh phân phối truyền thống (các cửa hàng bán lẻ) và cả kênh trực tuyến.
Hệ thống cửa hàng bán lẻ của Đăng Quang Watch phân bổ tại nhiều thành phố lớn trên cả nước như: TP. HCM, Đà Nẵng, Thanh Hoá, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương; riêng tại thủ đô Hà Nội có tới 12 cửa hàng.
Hiện nay, Đăng Quang Watch đang phân phối các thương hiệu đồng hồ danh tiếng trên thế giới như: Tourbillon Memorigin, Stuhrling Original, Diamond D, Bruno Sohnle Glashutte, Atlantic Swiss, Aries Gold, Epos Swiss,…
Theo giới thiệu trên website, Đăng Quang Watch tiền thân là Siêu thị Đăng Quang được thành lập vào năm 2008. Đến tháng 10/2010, công ty đổi tên thành Công ty cổ phần trực tuyến Đăng Quang. Địa chỉ trụ sở chính tại tổ 13, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Người theo đại diện pháp luật là Đặng Vinh Quang (sinh năm 1986), Giám đốc công ty.
Thời điểm tháng 2/2016, cổ đông sáng lập gồm: Đặng Vinh Quang góp 19,5 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 65% vốn điều lệ), Phạm Hồng Vân góp 8,7 tỷ đồng (tỷ lệ 29%) và Đặng Văn Hồng góp 1,8 tỷ đồng (tỷ lệ 6%).
Tháng 4/2018, vốn góp của các cổ đông có sự thay đổi. Cụ thể, Đặng Vinh Quang góp 24,5 tỷ đồng (tỷ lệ 70%), Phạm Hồng Vân góp 10,15 tỷ đồng (tỷ lệ 29%) và Đặng Văn Hồng đã chuyển nhượng cổ phần.
Tiếp đó, tháng 5/2018, vốn góp của Phạm Hồng Vân chỉ còn 7 tỷ đồng (tỷ lệ 20%) và Đặng Vinh Quang góp 27,65 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 79%). Đến tháng 6/2018, công ty nâng vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng. Cổ đông góp vốn không được tiết lộ.