Tỷ lệ năng lượng hóa thạch và năng lượng hạt nhân dùng để khai thác Bitcoin ngày một tăng những năm gần đây khiến các chuyên gia lo ngại.
Ngày 27/9, Trung tâm Tài chính Thay thế Cambridge (CCAF) phát hành bản cập nhật dữ liệu quan trọng dành riêng cho việc khai thác Bitcoin mang tên Chỉ số Tiêu thụ Điện Bitcoin Cambridge (CBECI).
Theo đó, trong những năm qua, nguồn điện để khai thác Bitcoin đã có nhiều thay đổi lớn. Năng lượng hạt nhân và khí đốt tự nhiên như than đá trở thành nguồn chủ yếu để vận hành các dàn máy đào Bitcoin, thay vì năng lượng xanh như thủy điện hoặc năng lượng mặt trời, gió hay thủy triều.
Tính đến tháng 1, nhiên liệu hóa thạch như than đá và khí đốt tự nhiên chiếm 2/3, hay 62% tổng điện năng khai thác Bitcoin.
Đầu năm nay, than đá chiếm gần 37% tổng lượng điện tiêu thụ của Bitcoin, trở thành nguồn cung cấp năng lượng lớn nhất cho việc khai thác tiền mã hóa này. Đối với các nguồn năng lượng bền vững, thủy điện là nguồn tài nguyên lớn nhất, chiếm khoảng 15%. Từ năm 2020 đến 2021, thị phần của thủy điện đã giảm từ 34% xuống còn 15%.
Ngược lại, hai năm qua, việc sử dụng khí đốt tự nhiên và năng lượng hạt nhân trong khai thác Bitcoin đã tăng đáng kể. Từ 2020 đến 2021, tỷ lệ khí đốt trong vận hành các mỏ đào tăng từ 13% lên 23%. Năng lượng hạt nhân tăng từ 4% lên gần 9%.
Các nhà phân tích của Cambridge cho rằng lệnh cấm của Trung Quốc từ năm 2021 là nguyên nhân chính gây ra biến động lớn trong việc tiêu thụ năng lượng của Bitcoin giai đoạn này. Sự di cư của thợ đào đã dẫn đến tỷ trọng năng lượng thủy điện giảm đáng kể. Khi còn ở Trung Quốc, các thợ đào chủ yếu tận dụng các nhà máy thủy điện để vận hành trang trại.
Sau khi tháo chạy khỏi Trung Quốc, họ phải tìm đến những nguồn nhiên liệu khác như than đá. Tùy khu vực, tỷ trọng phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch có những thay đổi khác nhau. Trong khi thợ đào ở các quốc gia như Kazakhstan vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, ở Thụy Điển các nguồn năng lượng bền vững lại chiếm đến 98%.
Sự gia tăng năng lượng hạt nhân và khí đốt trong việc khai thác Bitcoin cũng phản ánh sự dịch chuyển của thị trường đào tiền số sang Mỹ. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, khí đốt tự nhiên tạo ra phần lớn điện năng quốc gia, chiếm hơn 38% tổng sản lượng điện toàn quốc, than đá và hạt nhân lần lượt chiếm 22% và 19%.
Tuy nhiên, những con số này vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi. Ben Gagnon, Giám đốc của công ty khai thác Bitcoin Bitfarms, cho rằng chỉ khoảng 40% nhiên liệu hóa thạch tham gia vào vận hành các mỏ đào Bitcoin. Trong khi đó, Alexander Neumueller, trưởng dự án CBECI, cho biết Hội đồng khai thác Bitcoin yêu cầu các thành viên tự báo cáo dữ liệu thông qua một cuộc khảo sát, nên những dữ liệu đó là không đủ. Phương pháp của CBECI là dùng thông tin từ bản đồ khai thác Bitcoin do họ tổng hợp được, sau đó xác định vị trí của thợ đào rồi kiểm tra nguồn điện tiêu thụ theo từng khu vực cụ thể.
Thảo Hiền (theo CoinTelegraph)