Đạo luật FATCA của Mỹ: “Cơn bão” đang tới

Đây là tập hợp các quy định phức tạp do Sở Thuế vụ Hoa Kỳ ban hành nhằm hạn chế tình trạng trốn thuế của người Mỹ nắm giữ tài khoản ở nước ngoài.

TIN MỚI

Đạo luật về tuân thủ thuế đối với các chủ tài khoản nước ngoài (FATCA) sẽ ảnh hưởng tới tất cả các ngân hàng, công ty đầu tư và công ty bảo hiểm trên toàn cầu. Để đáp ứng yêu cầu tuân thủ, các tổ chức tài chính sẽ phải rà soát các quy trình tiếp nhận khách hàng mới, thay đổi cơ chế về khấu trừ thuế và công tác báo cáo đồng thời rà soát và bổ sung thông tin đối với hàng triệu tài khoản hiện hữu. Các quy định hướng dẫn chi tiết thi hành Đạo luật FATCA sẽ được công bố vào cuối năm nay và hạn thực hiện tuân thủ hoàn toàn FATCA đối với các tổ chức tài chính là ngày 30/6/2013.

Tại sao FATCA ra đời?

Quá trình toàn cầu hóa đã tạo thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trên thế giới thực hiện đa dạng hóa danh mục đầu tư của mình và các thị trường nước ngoài đã trở thành một kênh đầu tư quan trọng của các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư Hoa Kỳ nói riêng.

Theo quy định của Hoa Kỳ, người Mỹ (bao gồm cả thể nhân và pháp nhân) được phép duy trì tài khoản tại nước ngoài và phải phải báo cáo thông tin tài chính liên quan đến tài khoản này cho Sở Thuế vụ Hoa Kỳ (“IRS”) phục vụ mục đích tính thuế của Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư Hoa Kỳ có thể thực hiện đầu tư ở nước ngoài thông qua một tổ chức nước ngoài với lý do kinh doanh hợp pháp; tuy nhiên, thực tế xảy ra tình trạng là nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đã lợi dụng các tổ chức nước ngoài để che dấu nhân thân và trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế của họ tại Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ ước tính rằng tình trạng trốn thuế này đã gây thiệt hại ước tính một trăm tỷ Đô la một năm cho ngân sách của Hoa Kỳ.

Đạo luật FATCA đã được Chính phủ Hoa Kỳ ban hành vào ngày 18 tháng 3 năm 2010 nhằm mục đích ngăn chặn những đối tượng trốn thuế là người Mỹ trên toàn thế giới.  Với việc ban hành FATCA, Chính phủ Hoa Kỳ hy vọng sẽ ngăn chặn được việc người Mỹ lợi dụng các tổ chức tài chính nước ngoài và, trong một số trường hợp, là các pháp nhân không phải pháp nhân Hoa Kỳ (được gọi chung là các Tổ chức Tài chính Nước ngoài (“FFI”) để trốn tránh việc đóng thuế Hoa Kỳ đối với các tài sản và thu nhập của họ ở nước ngoài.

Cách thức áp dụng và yêu cầu

Mục đích cơ bản của FATCA là thu thập thông tin về các chủ tài khoản Hoa Kỳ từ các FFI thông qua việc yêu cầu các FFI xác định, xác minh và báo cáo về các chủ tài khoản này. Để thực hiện mục đích này, FATCA  buộc các FFI ký kết thỏa thuận với Sở Thuế vụ Hoa Kỳ; theo đó, các FFI phải tuân thủ một chế độ báo cáo thông tin toàn diện (sau đây gọi là FFI tuân thủ). Những FFI không tuận thủ (là những FFI không ký kết thỏa thuận cung cấp thông tin với Sở Thuế vụ Hoa Kỳ) sẽ phải chịu mức thuế khấu trừ là 30% áp dụng đối với các khoản thanh toán phải khấu trừ từ Hoa Kỳ bao gồm bất cứ khoản thu nhập FDAP nào (cố định, có thể xác định được, hàng năm hay định kỳ) có nguồn gốc từ Hoa Kỳ (ví dụ cổ tức, tiền lãi, tiền hưu trí, tiền thuê, tiền bản quyền, v.v…) và bất cứ khoản thu nào từ hoạt động bán và thanh lý chứng khoán làm phát sinh giao dịch trả cổ tức hoặc tiền lãi có nguồn gốc từ Hoa Kỳ. Mức thuế khấu trừ tương tự cũng được áp dụng đối với các đối tượng là các chủ tài khoản ngoan cố (nghĩa là các chủ tài khoản hoặc khách hàng không tuân thủ các yêu cầu hợp lý về cung cấp thông tin của các FFI tuân thủ) với mục đích khuyến khích phối hợp thực hiện.

Với việc ban hành FATCA, nhìn chung, các FFI đều phải thực hiện soát xét các chủ tài khoản và các nhà đầu tư của mình để xác định xem tài khoản của họ có phải là “tài khoản” Hoa Kỳ không.  Ngoài ra, các FFI sẽ phải đối mặt với việc lựa chọn có ký kết thỏa thuận với Sở thuế vụ Hoa Kỳ, xác định và báo cáo lên Sở Thuế vụ Hoa Kỳ các thông tin trực tiếp và gián tiếp về các chủ tài khoản Hoa Kỳ hay không, hay chịu áp mức thuế khấu trừ 30% đối với tất cả các khoản thu nhập trực tiếp hay gián tiếp từ Hoa Kỳ.

daoluat f9a14
 
Tuy các quy định hướng dẫn thực hiện Đạo luật FATCA chưa được ban hành đầy đủ nhưng các chuyên gia tài chính trên khắp thế giới đều chia sẻ chung một quan điểm là tác động và ảnh hưởng lan rộng của FATCA sẽ là một thách thức lớn đối với nhiều định chế tài chính, tổ chức đầu tư, cũng như các ngân hàng quốc gia và các tổ chức tài chính khác trên toàn cầu.

Có thể chờ đợi hay không?

Mặc dù quy định của FATCA hiện chưa có hiệu lực chính thức nhưng các tổ chức tài chính Việt Nam (ngân hàng, công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, vv…) không nên chờ đợi cho đến khi các quy định này có hiệu lực mới bắt tay vào việc đánh giá nhu cầu và chi phí liên quan đến yêu cầu tuân thủ. Kinh nghiệm cho thấy rằng thời gian cần thiết để xây dựng các chính sách hoạt động kinh doanh,  hệ thống công nghệ thông tin và thử nghiệm để triển khai thực hiện quy định mới có thể mất từ một đến hai năm. Điều quan trọng trước mắt đối với các tổ chức tài chính Việt Nam là đánh giá sơ bộ ảnh hưởng của FATCA và khả năng có thể tuân thủ các quy định hiện hành của FATCA. Thông qua việc thực hiện đánh giá rủi ro tuân thủ đúng cách ngay từ bây giờ và đánh giá những biện pháp thay đổi cần thiết đối với các hệ thống hiện hành, các tổ chức tài chính Việt Nam sẽ được trang bị kiến thức cần thiết về nhận biết rủi ro để có thể thực hiện tuân thủ chế độ khấu trừ và báo cáo mới của FATCA. 

Theo M.H

Diễn đàn doanh nghiệp

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin