Đối tượng đập máy ATM vì bị “nuốt” thẻ ngân hàng tại Kiên Giang có thể phải chịu mức xử phạt cả về dân sự và hình sự.
Sáng 16.9, lực lượng chức năng tại thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang cho biết đang tạm giữ Võ Minh Sang (27 tuổi, ngụ Thị trấn An Thới) là đối tượng đập hỏng máy ATM của ngân hàng Sacombank .
Theo điều tra ban đầu, chiều 15.9, Sang đến rút tiền tại máy ATM của Ngân hàng Sacombank tại thị trấn An Thới. Không rút được tiền lại bị máy nuốt mất thẻ, nam thanh niên bực tức và đập hỏng luôn cây ATM. Hậu quả của hành vi nói trên là toàn bộ phần màn hình giao dịch, khe bỏ thẻ và khe lấy tiền của máy ATM này bị hư hỏng.
Máy ATM bị hỏng phần màn hình, khe bỏ thẻ và khe lấy tiền – Ảnh: TNO
Theo nhận định của các luật sư, hành vi của Sang có thể bị xét vào tội cố ý phá hoại tài sản. Tùy mức độ vi phạm và giá trị của tài sản bị hư hỏng thì sẽ có hình thức xử phạt phù hợp.
Trao đổi với phóng viên báo Lao Động, LS.Trần Thanh Phán (Công ty Luật TNHH Tầm nhìn và Thịnh Vượng, Đoàn Luật sư T.P Hà Nội) cho biết, hành vi đập phá cây ATM đã làm cho tài sản của ngân hàng bị mất một phần hoặc giảm giá trị nhưng ở mức độ có thể khôi phục lại được.
“Tuỳ thuộc vào giá trị bị hư hỏng của tài sản mà hành vi này có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 về Tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Theo đó, đối tượng vi phạm vừa bị phạt tiền, vừa có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù”, LS Phán cho hay.
Cùng trao đổi với PV, LS Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH Hà Nội tinh hoa, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho hay, đối tượng phá hủy tài sản có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp vi phạm theo quy định thì bị xem xét truy tố trách nhiệm hình sự.
“Mức phạt nhẹ nhất là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng và chịu phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Với vi phạm nghiêm trọng và giá trị tài sản rất lớn (trên 500 triệu đồng), khung hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù”, LS Lực khẳng định.