Trên triền đồi dốc thoai thoải bên rìa thị trấn Ia Kha (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) xuất hiện những vườn nho xanh mướt cùng những chùm quả màu tím vừa chín tới treo lủng lẳng khiến nhiều người tò mò tìm tới.
Vườn mở cửa cho khách tham quan, tiếng tíu tít nói cười dưới mái nhà giàn. Họ ngắm nhìn, chụp ảnh và đưa tay ngắt luôn vào trái nếm thử cho thỏa cơn thèm rồi cắt luôn cả chùm nho chín mọng mua về ăn cho thỏa thích.
Du khách thích mê vườn nho trĩu quả
Mảnh đất này trước kia vốn là đồi bạc màu. Không ai nghĩ có thể trồng cây gì chứ nói gì đến một ngày xuất hiện cả vườn nho. Thế mà từ lúc bốn bạn trẻ chọn nơi này và quyết định khởi nghiệp cùng cây nho, mọi thứ dường như thay đổi hết.
Dẫn khách đi qua những giàn nho đang lúc lỉu căng mọng, anh Đặng Đại Dương (35 tuổi) trú phường Trà Bá, TP Pleiku (Gia Lai) kể miếng đất ấy đã lần lượt sang tay vài đời chủ nhưng chẳng ai trụ được quá lâu. Ban đầu người ta trồng cà phê, rồi chặt cây cà phê chuyển qua trồng điều nhưng sản lượng thấp quá. Chán nên họ cứ thế lần lượt rút lui, bán tháo nó đi.
Nên vườn nho rộng 5 sào mọc lên nơi ấy hoàn toàn khác lạ giữa vùng đất vốn có truyền thống trồng cà phê hoặc chanh dây này.
Bóng chiều vừa ngả nơi núi đồi cao nguyên lộng gió, những chiếc ô tô từ Pleiku lần lượt nối nhau chạy về hướng phía vườn nho.
Từ Kon Tum cách đó hơn 60km, có ba gia đình lái xe vượt đoạn đường xa đưa con cái đến tham quan mảnh vườn này. Cả người lớn lẫn trẻ nhỏ ai nấy đều hết sức thích thú khi tận mắt thấy những chùm nho đen lủng lẳng trên cành như thế.
Đám trẻ còn vui hơn khi được tung tăng cầm giỏ đi dạo vòng quanh rồi tự tay hái những chùm nho yêu thích. Khoái nhất là được bỏ luôn vào miệng nếm thử những quả nho chín cây còn căng mọng nước.
Đoàn khách cứ thế vô tư chạy nhảy, chụp ảnh, cười đùa làm chộn rộn cả một góc đồi.
Chị Nguyễn Ngọc Châm – một du khách trong đoàn – bảo tranh thủ ngày chủ nhật đưa các con và mấy đứa cháu đi khám phá vườn nho. Chị nói trước giờ nhắc cây nho, ai cũng nghĩ tới vùng đất nắng gió Ninh Thuận chứ đâu mấy ai tin nay loài cây này có thể sống tốt trên cao nguyên Pleiku.
Sau buổi chiều tham quan thỏa thích, đoàn khách ra về, trên tay không quên xách nặng mấy chùm nho chín mọng vừa mới tự tay cắt.
“Mấy gia đình toàn dân làm văn phòng, suốt tuần vùi đầu vào công việc còn đám trẻ ngày hai buổi từ nhà tới trường, riết rồi sinh tù túng mỏi mệt với không gian phố thị. Thế nên cái vườn nho lặng lẽ nép mình ngoài ngoại ô này như liều thuốc chữa lành những mỏi mệt trong ngày nắng nóng” – chị Châm cười.
Trầy trật đường đến thành công
Trường Sơn, Đại Dương là hai trong bốn bạn trẻ cùng nhau khởi nghiệp với vườn nho này. Phải nói thế này, chuyện bắt đầu từ trào lưu bỏ phố về với vườn sau đợt dịch COVID-19 từ gần ba năm trước. Nhưng để có thể bước đến những thành quả đầu tiên như hiện tại, cả nhóm cũng mấy phen trầy vi tróc vảy chứ không phải làm phát ăn ngay như những gì mọi người bên ngoài hiện trông thấy.
Hầu hết trong nhóm đều dân làm ngân hàng, công việc và thu nhập khá ổn định. Bỗng một ngày ai cũng thấy ngán công việc thẩm định tín dụng quen thuộc. Đại Dương nghỉ ngang xong rủ mấy người bạn chí cốt hùn hạp làm vườn.
Mô hình đầu tiên là vườn dâu tây thành công rực rỡ trong mùa vụ đầu tiên, ai nấy rất phấn khởi. Nhưng tới những mùa sau càng làm càng lỗ vì cây dâu nhiều bệnh, không hợp với đất, năng suất tụt không phanh. Cả nhóm quyết định xuống Ninh Thuận tầm sư học đạo trồng nho.
Mọi thứ tưởng trơn tru nhưng hóa ra thọ ngay thầy dỏm, cả đám bị lừa mất gần tỉ đồng tiền cây giống và nhà lồng kém chất lượng. Thua thì làm lại. Vậy là cuối cùng cũng tìm đúng chuyên gia thứ thiệt, được chuyển giao công nghệ trồng nho. Qua ba mùa, thử nghiệm hơn chục giống nho, các bạn đã chọn được bốn giống phù hợp với đất Tây Nguyên, trong đó có ba giống nhập từ Pháp, Mỹ, Hàn Quốc và một giống nho của Ninh Thuận.
Trường Sơn nói cây nho rất nhạy cảm với môi trường, khi điều kiện thay đổi đột ngột dễ sinh bệnh tật. Nên mấy anh em thay nhau ăn dầm nằm dề ngay tại vườn để xử lý ngay khi có sự cố. Công chăm sóc nho cũng khá tốn, đến mùa đậu quả ai nấy bận túi bụi, loay hoay cắt tỉa cả ngày trên vườn.
Với tư duy mới, những nông dân trẻ ấy đang hướng tới mô hình du lịch canh nông, cũng là xu hướng địa phương đang tập trung hiện nay. Trong đó, vườn nho là sản phẩm trọng tâm thu hút du khách, từ đó sẽ phát triển các sản phẩm và dịch vụ ăn theo, khai thác nguồn thu từ hoạt động du lịch.
Nho chín không kịp phục vụ khách
Tiễn đoàn khách này đi ra lại đón nhóm khách khác chờ tới lượt vào tham quan vườn, anh Phạm Trường Sơn gãi đầu nói mấy tuần nay vườn nho sốt xình xịch trên mạng vì nhiều khách đến chơi xong về chia sẻ lại trên mạng, giới thiệu cho nhau. Kết quả là mấy sào nho chín không kịp cho du khách hái.
Khách lên dạo chơi vườn xong ai cũng muốn mua một ít về thưởng thức và làm quà, cái chính là tận hưởng cảm giác tự tay mình hái. Tuy nhiên, những ngày qua khách đông quá, quả chín không kịp. “Nhiều người mê quá hái luôn những chùm nho vừa chuyển màu dù vị còn hơi chua, chưa được ngon ngọt nhất. Biết là trải nghiệm như thế sẽ không hoàn hảo và tụi mình có cảnh báo nhưng họ vượt đường xa đến đây nên vườn cũng phải chiều ý khách!” – Sơn bộc bạch.
Thúc đẩy mô hình du lịch canh nông
Ông Phan Đình Thắm – trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai – cho biết trang trại này là nơi duy nhất trồng nho tại địa phương đến thời điểm hiện tại. Ông Thắm nói hiện phong trào du lịch canh nông đang được chính quyền địa phương hỗ trợ, thúc đẩy, có cả nghị quyết về việc phát triển nông nghiệp kết hợp với du lịch.
Đến nay, một số mô hình trên địa bàn đã chứng minh được hiệu quả như các vườn trồng cây ăn trái với cây nhãn lồng, cây vải thiều và hiện giờ là cây nho. “Cơ quan nông nghiệp rất sẵn sàng hỗ trợ người dân các vấn đề về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn trái khi có yêu cầu” – ông Thắm nói.