Đậu bắp được biết đến là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng có thể ăn được đậu bắp.
Tác dụng khi ăn đậu bắp
Đậu bắp rất giàu dinh dưỡng
Đậu bắp chứa ít calo nhưng lại nhiều chất dinh dưỡng. Trong 50g đậu bắp chứa 4mg natri, 2g chất xơ, 1g đường, 1g protein, 13% lượng vitamin C cần thiết trong ngày, 3% canxi và 7% vitamin A. Đặc biệt, loại quả này không chứa chất béo.
Đậu bắp hỗ trợ phòng ngừa ung thư
Chất chống oxy hóa là các hợp chất tự nhiên giúp cơ thể chống lại gốc tự do – phân tử gây hại cho tế bào. Các gốc tự do có thể gây ra sự mất cân bằng oxy hóa, cuối cùng dẫn đến ung thư.
Đậu bắp chứa các chất chống oxy hóa polyphenol, gồm vitamin A và C. Đậu bắp cũng chứa loại protein gọi là lectin có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư ở người. Các nghiên cứu sử dụng hợp chất cô đặc từ đậu bắp cho thấy chúng tác dụng ức chế đến 65% sự phát triển của tế bào ung thư vú. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu để có bằng chứng chắc chắn về đặc tính ngăn ngừa ung thư của đậu bắp.
Đậu bắp tốt cho tim và não
Hợp chất polyphenol tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ do cục máu đông. Hợp chất này cũng giúp giảm thiểu tác hại của các gốc tự do. Các chất chống oxy hóa trong đậu bắp cũng có lợi cho não bộ vì chúng giúp giảm quá trình viêm ở não.
Chất nhầy trong đậu bắp liên kết với cholesterol trong quá trình tiêu hóa và đào thải cholesterol ra khỏi cơ thể. Một nghiên cứu kéo dài 8 tuần trên chuột cho thấy, chuột được cho ăn chế độ ăn nhiều chất béo nhưng thêm bột đậu bắp có mức cholesterol thấp hơn chuột không ăn bột đậu bắp.
Đậu bắp giúp kiểm soát đường huyết
Nhiều nghiên cứu chỉ ra đậu bắp có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Các nhà nghiên cứu tin rằng đậu bắp có thể ngăn ngừa việc hấp thụ đường trong quá trình tiêu hóa.
Những người không nên ăn đậu bắp
Đậu bắp tuy tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng có thể ăn được thực phẩm này. Dưới đây là những người không nên ăn đậu bắp được đăng trên Báo Tổ quốc:
Người có vấn đề đường tiêu hóa
Đậu bắp chứa fructans, là loại carbohydrate. Fructans có thể gây tiêu chảy, đầy hơi, chuột rút ở những người đang gặp vấn đề về đường ruột. Do đó khuyến cáo người bệnh đường ruột nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu định thêm đậu bắp vào chế độ ăn hàng ngày.
Người bị sỏi thận
Đậu bắp chứa nhiều oxalat. Loại sỏi thận phổ biến nhất bao gồm canxi oxalate. Thực phẩm có hàm lượng oxalate cao, chẳng hạn như đậu bắp và rau bina, làm tăng nguy cơ sỏi thận ở những người từng mắc bệnh này.
Người bị đau nhức xương khớp
Đậu bắp chứa solanine. Đây là hợp chất độc hại có thể gây đau khớp, viêm khớp và viêm kéo dài ở một số người. Khoai tây, cà chua, cà tím, quả việt quất và atisô cũng chứa solanine. Do đó cần ăn hạn chế những thực phẩm này.
Không tốt cho người đang sử dụng thuốc làm loãng máu
Vitamin K giúp đông máu và hàm lượng chất này dồi dào trong đậu bắp có thể ảnh hưởng đến những người sử dụng thuốc làm loãng máu.
Thuốc làm loãng máu giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông – nguyên nhân dẫn đến đột quỵ hoặc đau tim. Ăn nhiều đậu bắp có thể khiến tình trạng bệnh thêm tồi tệ.