Nắm được thời kỳ ‘vàng’ sẽ giúp cha mẹ có phương pháp giúp con sớm đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1.
Khi con chuẩn bị bước vào bậc Tiểu học, không ít cha mẹ lo sốt vó khi thấy các bạn xung quanh con bắt đầu nhận diện mặt chữ, trong khi con mình vẫn chưa biết gì. Đây là tâm lý chung của phụ huynh. Họ cùng có thắc mắc: “Trẻ mấy tuổi bắt đầu học chữ là tốt nhất?” Phương pháp hướng dẫn trẻ ra sao?”. Một số phụ huynh khác lại băn khoăn: “3-4 tuổi có phải độ tuổi thích hợp để học chữ không? Nếu trẻ bắt đầu học sớm, liệu sau này có khiến trẻ chán học, tụt lùi so với các bạn?”.
Nếu cha mẹ nắm bắt được thời kỳ “vàng” trong việc học chữ và đưa ra phương giảng dạy khoa học sẽ giúp trẻ yêu thích việc học. Hãy để trẻ học theo cách tự nhiên, không bị ép buộc. Khi trẻ hỏi: “Cái này đọc là gì? Chữ kia viết ra sao?”,… thì đây chính là dấu hiệu trẻ bắt đầu muốn khám phá mặt chữ. Lúc này, cha mẹ cần có phương pháp thú vị hướng dẫn trẻ đọc viết như: Tô màu, tô chữ, chơi thẻ flashcard,…
Dưới đây là một số lưu ý về thời gian cũng như phương pháp dạy cho trẻ mặt chữ, các bậc phụ huynh có thể tham khảo!
1. Trẻ 4 tuổi bắt đầu học chữ là tốt nhất
Trên thực tế, nhiều đứa trẻ bắt đầu đọc sách có tranh vẽ khi mới 2 tuổi. Lúc này, trẻ chưa có sự tập trung nên không ngồi yên, thường vứt sách sau khi mới xem vài trang. Khi trẻ lên 3 tuổi, trí nhớ và tính tự giác phát triển đáng kể. Trẻ đã có thể nhớ được tổng thể, vị trí nội dung muốn tìm kiếm ở cuốn sách và bắt đầu hứng thú với các con chữ.
Một số nghiên cứu khoa học chỉ ra: Trẻ 4 tuổi là thời điểm thích hợp nhất để học chữ. Lúc này trẻ có sự khao khát tri thức mãnh liệt, luôn tò mò với điều mới lạ, bị thu hút bởi những thứ sinh động. Vì thế, cha mẹ nên lợi dụng sự hứng thú ấy để hướng dẫn trẻ học. Nếu được dạy đúng cách thì sang 5 tuổi, trẻ có thể cầm bút và tập viết được. Và trước khi vào lớp 1, trẻ đã thuộc mặt chữ, biết ghép vần và đọc những câu đơn giản.
Ảnh minh họa.
2. Điều quan trọng nhất là giúp trẻ nuôi dưỡng hứng thú học tập
Nhiều cha mẹ thường coi trọng việc con học thuộc bao nhiêu chữ, biết bao nhiêu số đếm, thuộc mấy bài hát, bài thơ để lấy đó làm cơ sở đánh giá chỉ số IQ. Trên thực tế, sự quan tâm ấy là tốt nhưng chưa đúng cách. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ không nên quá vội vàng, ép trẻ đảm bảo số lượng bài tập đặt ra. Thay vào đó, cha mẹ nên chú ý đến việc nuôi dưỡng sở thích, điều này có lợi ích hơn cho sự phát triển sau này.
Việc cha mẹ ép trẻ học chữ để đạt đúng kế hoạch sẽ khiến trẻ chóng quên vì không hiểu bản thân. Thậm chí còn khiến trẻ mất hứng thú học tập, sợ học, chán ghét việc học. Vì thế, hãy để trẻ tiếp xúc với chữ thường xuyên để khơi dậy sự tò mò, khiến trẻ cảm thấy thích thú và muốn được khám phá.
3. Hãy áp dụng những trò chơi thú vị khi hướng dẫn trẻ học
Đối với trẻ 4 tuổi, những thứ có màu sắc sặc sỡ, hình ảnh sinh động thường kích thích sự hứng thú học tập. Điều này còn có lợi trong việc giúp trẻ tăng cường ghi nhớ, khắc sâu bài học.
Để giúp trẻ nâng cao hứng thú học tập, cha mẹ có thể sử dụng một số tranh ảnh phù hợp với độ tuổi, thẻ flashcard giúp trẻ tập đọc, tập đếm. Trong quá trình dạy học, cha mẹ cần kiên nhẫn giải thích từng phần theo cách hài hước, đơn giản để trẻ nắm vững kiến thức. Ngoài ra, cha mẹ có thể cùng trẻ chơi một số trò chơi vừa giải trí vừa nâng cao tư duy như: Giải câu đố, ghép tranh, ghép lego,…
4. Tận dụng môi trường xung quanh để nâng cao cảm hứng học tập
Những dòng chữ xuất hiện ở khắp mọi nơi trong cuộc sống chúng ta. Chẳng hạn như biển báo hướng dẫn tham gia giao thông, biển nội quy đi xe buýt, biển quảng cáo sặc sỡ màu sắc tại các cửa hàng,… Cha mẹ có thể tận dụng chúng để hướng dẫn trẻ nhận biết mặt chữ, ghép vần.
Khi trẻ thấy khen chiếc ô tô đẹp, hãy dạy trẻ cách đánh vần chữ “ô tô”. Hay khi trẻ yêu thích món đồ chơi nào đó, hãy cùng trẻ ôn lại các chữ cái trên bao bì. Những thứ gần gũi mà trẻ thấy hàng ngày sẽ khơi dậy tinh thần học hỏi, khám phá cho trẻ.