(VNF) – Theo chuyên gia, chứng chỉ quỹ không phải “túi thần kỳ” sinh lời bất chấp như nhiều nhà đầu tư lầm tưởng, mà như một chiếc xe buýt, mang theo nhà đầu tư trên hành trình theo đúng mục tiêu và chiến lược của quỹ.
Chứng chỉ quỹ không phải “túi thần kỳ”
Anh L.Đ.T (TP. HCM) sau khi được tư vấn rằng đầu tư vào chứng chỉ quỹ sẽ có lãi sau 2-5 năm, đã quyết định mua nhưng rồi dừng lại ở năm thứ 3. Anh chia sẻ rằng mình đã mua chứng chỉ quỹ đều đặn trong 3 năm liên tiếp nhưng kết quả nhận về không như kỳ vọng. Sau khi rút vốn, anh để lại lời phê bình và xếp hạng 1 sao trên ứng dụng của quỹ đầu tư mà anh đã rót tiền. Trường hợp của anh L.Đ.T không phải là cá biệt, mà còn phản ánh một trong những lầm tưởng phổ biến của nhà đầu tư khi tham gia vào chứng chỉ quỹ. Thậm chí, nhiều lời mời gọi còn đánh bóng sản phẩm này như một “túi thần kỳ”, có thể sinh lời trong mọi điều kiện thị trường.
Trao đổi với Đầu tư Tài chính, bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Quản lý tài sản khối trong nước của Dragon Capital Việt Nam, cho biết rằng nhiều nhà đầu tư vẫn mơ hồ trước những hứa hẹn về lợi nhuận “không rủi ro” của chứng chỉ quỹ. Điều này chủ yếu xuất phát từ tâm lý muốn có lợi nhuận nhanh mà không phải đối mặt với rủi ro. Nhiều người lầm tưởng rằng chứng chỉ quỹ luôn mang lại lợi nhuận cao và an toàn tuyệt đối, giống như gửi tiết kiệm. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Chứng chỉ quỹ cũng chịu tác động từ các yếu tố như biến động thị trường, lãi suất và năng lực quản lý của đội ngũ quản lý quỹ.
“Đầu tư vào chứng chỉ quỹ cũng như đầu tư vào mọi loại chứng khoán khác, đều phụ thuộc vào sự biến động của thị trường và các yếu tố kinh tế. Chứng chỉ quỹ vẫn có rủi ro và có khả năng thua lỗ, đặc biệt trong giai đoạn thị trường biến động mạnh”, bà Hạnh cho biết. Vị này cũng nhấn mạnh rằng chứng chỉ quỹ không phải “túi thần kỳ”, có thể mang lại lợi nhuận trong mọi tình huống, cũng không có kênh đầu tư nào có thể sinh lời bất chấp mọi điều kiện. Mỗi loại tài sản đầu tư đều đi kèm với rủi ro và yêu cầu một chiến lược đầu tư thông minh, kiên trì và kỷ luật.
Thay vì coi chứng chỉ quỹ là “túi thần kỳ”, đại diện của Dragon Capital ví von sản phẩm này như một chiếc xe buýt, mang theo nhà đầu tư trên hành trình theo đúng mục tiêu và chiến lược của quỹ. “Các nhà đầu tư có cùng mục tiêu sẽ cùng ngồi trên một chuyến xe. Khi đi qua nhiều tuyến đường khác nhau, chiếc xe buýt này giúp phân tán rủi ro và tối ưu hóa cơ hội sinh lời. Đối với mỗi hành khách, hành trình này không chỉ là quá trình đầu tư mà còn là sự quản lý chuyên nghiệp và tận tâm của đội ngũ tài xế”, bà Hạnh chia sẻ.
Bên cạnh rủi ro thị trường, đại diện Dragon Capital còn lưu ý nhà đầu tư về rủi ro thanh khoản, được hiểu là khả năng bán ra để thu tiền về. Điều này chỉ có thể xảy ra khi lượng bán quá nhiều, bởi lúc này quỹ sẽ phải sử dụng tiền mặt để mua lại chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư theo quy định bắt buộc của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN). Tuy nhiên, đối với sản phẩm quỹ mở, rủi ro thanh khoản gần như không xảy ra. Tại Dragon Capital nói riêng, quỹ này cho phép nhà đầu tư mua hoặc bán chứng chỉ quỹ với giá trị tài sản ròng (NAV) được tính hàng ngày. Điều này có nghĩa là nhà đầu tư có thể rút vốn bất cứ lúc nào vào ngày giao dịch, giảm thiểu đáng kể rủi ro thanh khoản.
“An toàn” và “sinh lời cân bằng”
Trái với trường hợp của anh L.Đ.T, trên các diễn đàn về đầu tư chứng chỉ quỹ, các nhà đầu tư nhận thức khá rõ ràng về nguyên lý hoạt động của các quỹ đầu tư, cũng như tầm nhìn dài hạn mà chứng chỉ quỹ đòi hỏi. Nhiều nhà đầu tư cho biết họ xác định thời gian nắm giữ của khoản đầu tư có thể lên tới 10 năm hoặc hơn, đồng thời nắm rõ khẩu vị rủi ro của bản thân để tìm được những quỹ đầu tư có mức sinh lời phù hợp.
Như nhiều chuyên gia nhận định, dòng tiền đầu tư thông minh từ các nhà đầu tư đang dần đổ vào chứng chỉ quỹ – một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả hơn so với việc đầu tư vào cổ phiếu đơn lẻ hay các tài sản khác. Điều này cho thấy sự thay đổi tích cực trong nhận thức của nhà đầu tư, từ việc coi chứng chỉ quỹ là “túi thần kỳ” đến việc nhìn nhận nó như một công cụ đầu tư thực tế và dài hạn.
Theo bà Lương Thị Mỹ Hạnh, chứng chỉ quỹ có nhiều điểm hấp dẫn, giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư thông qua việc đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau, từ cổ phiếu, trái phiếu đến các công cụ tài chính khác. Điều này mang lại sự an toàn hơn so với việc đầu tư vào một tài sản duy nhất. Chỉ với 1 triệu đồng, nhà đầu tư có thể sở hữu một danh mục đầu tư đa dạng gồm nhiều cổ phiếu, điều mà khó thực hiện nếu đầu tư riêng lẻ. Hai từ khóa mà đại diện Dragon Capital dùng để miêu tả lợi thế của chứng chỉ quỹ là “an toàn” và “sinh lời cân bằng”.
Chiến lược đầu tư cân bằng này giúp nhà đầu tư duy trì sự ổn định trong khi vẫn có cơ hội tối ưu hóa lợi nhuận trong dài hạn. Bản chất của sự cân bằng nằm ở việc phân bổ tài sản một cách hợp lý, không tập trung toàn bộ vốn vào một loại tài sản, mà phân tán giữa nhiều loại hình khác nhau như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hoặc các công cụ tài chính khác. Mục tiêu là để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo rằng danh mục đầu tư của nhà đầu tư có thể chịu được các biến động thị trường.
So với tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ quỹ có khả năng sinh lời cao hơn trong dài hạn, nhưng đi kèm với mức biến động cao hơn. So sánh với việc nắm giữ cổ phiếu đơn lẻ, chứng chỉ quỹ cổ phiếu có tính đa dạng hóa và rủi ro thấp hơn, nhưng lợi nhuận lại phụ thuộc vào khả năng và may mắn nếu chọn đúng cổ phiếu hoặc đúng chu kỳ. Với bất động sản, bà Lương Thị Mỹ Hạnh cho rằng tài sản này thường ít biến động hơn so với chứng khoán, nhưng tính thanh khoản thấp hơn và yêu cầu vốn cao hơn. Trong khi vàng được đánh giá là kênh trú ẩn hơn là kênh đầu tư, có thể tăng giá nhanh khi nền kinh tế bất ổn hay môi trường lạm phát cao nhưng cũng có thể hạ rất nhanh khi kinh tế phục hồi.
Với những lợi thế nêu trên, cũng như sự gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua về số lượng nhà đầu tư, giới phân tích cho rằng ngành quỹ tại Việt Nam đang có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển.