Đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn cũng như nhảy dù: Thay vì vật lộn với điều không thoải mái, sao không chọn xây một ngôi nhà kiên cố để phát triển bền lâu

Không phải cứ rời khỏi vùng an toàn bạn mới có thể thành công. Nếu tồn tại con đường suôn sẻ, tiến chậm, nhưng chắc chắn thì tại sao bạn cứ phải chọn gian truân.

TIN MỚI

Xác định giới hạn an toàn của bản thân mới chính là chìa khóa để tôi có những sải bước dài trong cuộc sống

Đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn cũng như nhảy dù: Thay vì vật lộn với điều không thoải mái, sao không chọn xây một ngôi nhà kiên cố để phát triển bền lâu - Ảnh 1.

Hãy giơ tay nếu bạn đã chán ngấy với việc phải nghe những lời khuyên bảo rằng cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu khi bạn dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn!

Không khó để bắt gặp những câu trích dẫn trên mạng xã hội của các chuyên gia, diễn giả, những người có ảnh hưởng về việc chọn sự an toàn là tự hủy hoại cuộc đời. Rằng nếu không tự đẩy mình ra khỏi vùng an toàn mỗi ngày, cuộc đời bạn sẽ chẳng đi đến đâu, chẳng có gì ngoài sự hèn nhát. “Nó không đáng sợ như bạn nghĩ đâu” – Yubing Zhang một sinh viên bậc sau đại học Standford đã nói như vậy trong bài TEDx talk được rất nhiều lượt xem – Life Begins at the End of Your Comfort Zone.

Khi bạn sống trong vùng an toàn, “bạn duy trì những niềm tin sai lầm về bản thân hoặc thường xuyên nghi ngờ chính mình và cảm thấy có lỗi”, diễn giả kiêm tác giả viết về lãnh đạo bán chạy nhất, Jack Canfield nói.

“Vùng an toàn là một vùng đất xinh đẹp, nhưng không có gì phát triển được ở đó cả” là một câu nói quen thuộc trên Instagram. Hay như câu nói của Elaenor Roosevelt: “Mỗi ngày, hãy làm một việc khiến bạn sợ hãi” được in lên mọi thứ từ cốc nước đến giấy dán tường.

Tôi đã từng tin rất nhiều vào những câu nói này. Thế nhưng, những kinh nghiệm thực tế lại dạy tôi nhiều điều khác hẳn. Khi tôi tự thúc đẩy bản thân thoát ra khỏi vùng an toàn như những chuyên gia khuyên bảo, tôi trở nên kiệt sức. Sau những trải nghiệm khó khăn, tôi xác định được giới hạn an toàn của bản thân, và hơn cả là trân trọng vùng an toàn đó. Nhận thức được điều này mới chính là chìa khóa để tôi có những sải bước dài trong cuộc sống bây giờ.

Ai cũng có những giới hạn

Đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn cũng như nhảy dù: Thay vì vật lộn với điều không thoải mái, sao không chọn xây một ngôi nhà kiên cố để phát triển bền lâu - Ảnh 2.

Quay lại một vài năm trước, tôi thấy mình chen chúc trên những chiếc xe buýt để rời khỏi thành phố New York, cuộc hành trình nhộn nhạo ấy kéo dài 2 tiếng đồng hồ. Hầu như sáng nào tôi cũng phải uống thuốc giảm stress để ngăn mình không sụp đổ vì kiệt sức. Vào thời điểm đó, tất cả những gì tôi nghĩ chỉ có: đạt điểm A tất cả các môn học ở trường, sau đó là có một công việc nhiều thử thách nhưng cũng đầy hứa hẹn tại Mahattan. Khi nhìn mọi thứ từ bên ngoài, tất cả chỉ có thể miêu tả là hoàn hảo và tôi trở thành một bức tranh, một tấm gương về hình mẫu lý tưởng. Thế nhưng sâu bên trong, tôi chỉ cảm thấy thất bại và bất lực.

Vốn là một người luôn nỗ lực thúc đẩy bản thân, tôi cho rằng những cảm xúc tiêu cực đó là do mình chưa đủ tốt. Khi gặp việc khó khăn, tôi nhanh chóng ra lệnh cho bản thân là phải nỗ lực nhiều hơn nữa. “Mình phải làm việc chăm chỉ hơn”, tôi tự nhủ. “Mình nhất định phải thoát khỏi vùng an toàn. Như thế rồi mọi việc sẽ tốt đẹp hơn. Nhất định là như vậy”.

Dù như thế nhưng vài tháng trôi qua, cảm giác sợ hãi trong tôi cứ ngày một tăng lên chứ không giảm đi. Ngày nào tôi cũng sợ hãi, cũng lo nghĩ không biết rồi cơn khủng hoảng nào sẽ kéo đến? Dự án mới nào sẽ đổ lên đầu mình sáng nay? Sức khỏe tôi xuống dốc thấy rõ. Nhưng đáng lẽ đối mặt với nỗi sợ sẽ phải là động lực để tôi phát triển như những câu khẩu hiệu kia chứ?

Dù chỉ mới giữa độ tuổi hai mươi mà tôi đã mệt mỏi rã rời phải nằm trên giường, không thể nhấc nổi chân. Tôi mắc chứng tim đập nhanh và bị những cơn ác mộng triền miên quấy rối. Bởi vì liên tục thúc đẩy bản thân với mong muốn thoát khỏi vùng an toàn, tôi đã hi sinh mình tới mức kiệt sức. Cuối cùng, tôi bỏ việc và chấp nhận rằng tôi có những giới hạn của mình và dù gì đi nữa, chúng giữ tôi được an toàn.

Theo nghĩa đen, vùng an toàn liên quan đến một vùng nhiệt độ tối ưu. Nhưng dưới góc độ tâm lý học thì đó là trạng thái con người cảm thấy thoải mái và có khả năng kiểm soát mọi thứ xung quanh. Và làm sao để vượt qua trạng thái này trở thành một sự hấp dẫn lạ lùng với những người theo phong trào tự cải thiện bản thân.

Tạo ra một ngôi nhà để chúng ta luôn có thể trở về

Đẩy bản thân ra khỏi vùng an toàn cũng như nhảy dù: Thay vì vật lộn với điều không thoải mái, sao không chọn xây một ngôi nhà kiên cố để phát triển bền lâu - Ảnh 3.

Năm 1907, một nghiên cứu trên loài chuột của nhà tâm lý học người Mỹ Robert Mearns Yerkes cho thấy “Sự lo lắng cải thiện hiệu suất cho đến khi đạt đến mức độ kích thích tối ưu nhất định.” (Yerkes cũng là một người ủng hộ thuyết ưu sinh và công trình nghiên cứu của ông bị cho là có khuynh hướng phân biệt chủng tộc.)

Ý tưởng sử dụng sự lo lắng để tăng cường hiệu suất được chú ý nhiều hơn khi việc bãi bỏ quy định kinh tế trong những năm 1990 dẫn đến áp lực cạnh tranh. Vào năm 2009, nhà lý thuyết quản lý nổi tiếng người Anh Alasdair White một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của sự lo lắng khi cho rằng “Chìa khóa để am tường và quản lý hiệu suất là quản lý mức độ stress”. Theo ông sự lo lắng chính là một công cụ hiệu quả hỗ trợ quản lý hiệu suất.

Tuy nhiên, một bài báo vào năm 2017 tại Đại học Leicester đã phát hiện ra rằng không có bằng chứng thực nghiệm nào hỗ trợ cho ý tưởng này. “Tuy vậy, bất chấp tất cả các bằng chứng chống lại, quan điểm cho rằng sự căng thẳng góp phần làm tăng hiệu suất vẫn đang được truyền tải trong nhiều giáo trình quản lý”, các tác giả viết.

Đầu thế kỷ 20, nhà tâm lý học về sự phát triển, Lev Vygotsky, cho ra đời một định nghĩa hoàn toàn trái ngược – “vùng phát triển gần”. Vùng này gần với vùng an toàn, cho phép sự phát triển dần dần và lành mạnh. Vùng này cho phép trẻ em học các kĩ năng mới một cách tự nhiên. Theo tôi hiểu, hành động theo lý thuyết “vùng phát triển gần” là lựa chọn thử thách bản thân nhưng chỉ sau quá trình cân nhắc kĩ lưỡng và vạch ra từng bước chinh phục thử thách đó. Hay nói cách khác là trò chơi trên những nền tảng sẵn có.

Đã từng tự thúc ép bản thân đến mức đổ bệnh, giờ tôi đã hiểu mình muốn gì và không cần chịu đựng những gì nữa. Bằng cách nhận ra và tôn trọng vùng thoải mái của chính mình, tôi có thể xác định việc gì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân để từ bỏ kịp thời. Và bằng cách tự nhận thức được ranh giới của bản thân, tôi có thể bỏ lại đằng sau những nỗi lo sợ để trở về nơi mà mình cảm thấy bình yên và an toàn.

Trong một thế giới không ngừng đòi hỏi thời gian và sự cống hiến của ta thì vùng an toàn chính là nơi mà chúng ta có thể chủ động kiểm soát và tìm về để yên ổn sau những áp lực. Ở đó, chúng ta lấy lại tự tin, suy nghĩ thông suốt hơn và lấy đà cho những đường đua của riêng mình. Không còn tốn thời gian vào việc vật lộn với những điều không thoải mái nữa, ta mới có thể tập trung nhiều vào những gì thực sự quan trọng.

Nếu những người thường xuyên tự đẩy mình ra khỏi vùng an toàn giống như người nhảy dù thì chúng ta, những người chọn hoạt động trong vùng an toàn của mình, đang ngày đêm xây từng viên gạch để tạo ra một ngôi nhà kiên cố cho sự phát triển bền lâu.

*Theo Melody Wilding, cây bút quen thuộc của New York Times, NBC, CNN…

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin