Trong vụ kiện chống độc quyền mới đây, chính phủ Mỹ sẽ yêu cầu thẩm phán ra phán quyết buộc Google bán lại trình duyệt Chrome.
Google bị yêu cầu bán lại Chrome. Ảnh: ITC. |
Ngày 20/11, Bộ Tư pháp Mỹ và một nhóm tiểu bang đã chính thức gửi đề xuất lên tòa án, yêu cầu Google phải bán lại trình duyệt web Chrome. Động thái này sẽ thay đổi hoạt động kinh doanh của gã khổng lồ tìm kiếm và tái định hình mức độ cạnh tranh trên Internet.
Trong phiên tòa vào tháng 8, Thẩm phán Amit Mehta đã đưa ra kết luận Google duy trì vị thế độc quyền bất hợp pháp trong mảng tìm kiếm trực tuyến. Ông cũng yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ nhanh chóng đề xuất giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng kể trên.
Đề xuất xử phạt Google
Ngoài việc bán lại Chrome, chính phủ yêu cầu Thẩm phán Mehta ra phán quyết cấm Google tham gia vào thỏa thuận trả phí với Apple cùng nhiều công ty khác. Trước đó, ông lớn công nghệ bị cáo buộc “mua chuộc” đối tác để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên trình duyệt web cũng như nhiều thiết bị thông minh.
Các giải pháp xử phạt nhắm vào Google có thể là biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất trong một vụ kiện chống độc quyền kể từ khi Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu chia tách Microsoft vào năm 2000. Nếu Thẩm phán Mehta thông qua đề xuất, chúng sẽ trở thành “kim chỉ nam” cho hàng loạt vụ kiện tương tự nhắm tới vị thế độc tôn của Apple, Amazon và Meta.
Google có thể phải chia sẻ dữ liệu cho đối thủ cạnh tranh. Ảnh: GHacks. |
Theo New York Times, việc bị buộc phải bán Chrome là một trong những kết quả tệ nhất có thể xảy ra đối với Google. Công ty này sở hữu công cụ tìm kiếm dẫn đầu thị trường và đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái phức tạp của mình.
Song, ông lớn tìm kiếm thuộc sở hữu của Alphabet được quyền kháng cáo và đề xuất biện pháp khắc phục của riêng mình. Cả 2 bên có thể sửa đổi yêu cầu trước khi Thẩm phán Mehta ra phán quyết chính thức vào cuối tháng 5/2025.
“Bộ Tư pháp Mỹ đã thúc đẩy một chương trình nghị sự cấp tiến, vượt ra ngoài vấn đề pháp lý đơn thuần trong trường hợp này. Việc chính phủ can thiệp quá sâu vào thị trường sẽ gây tổn tại cho người tiêu dùng, nhà phát triển và công ty công nghệ”, Lee-Anne Mulholland, Phó chủ tịch phụ trách vấn đề pháp lý tại Google cho biết.
Tái định hình thị trường
Trong những năm gần đây, cơ quan quản lý đã tăng cường xử phạt nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple, Amazon và Meta. Đa số vụ kiện đều liên quan đến hành vi độc quyền và cạnh tranh không công bằng.
Thị trường tìm kiếm trực tuyến sắp có thay đổi lớn. Ảnh: Tech News World. |
Xét riêng vụ kiện liên quan đến gã khổng lồ tìm kiếm, Bộ Tư pháp Mỹ đã thắng sau phiên tòa kéo dài 10 tuần. Trong đó, cơ quan quản lý cáo buộc Google ký thỏa thuận độc quyền với Apple, Mozilla, Samsung cùng nhiều hãng điện thoại khác để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định, với việc chi trả 26,3 tỷ USD trong năm 2021 cho các thỏa thuận.
Họ lập luận rằng những thương vụ trên đã giúp Google duy trì lưu lượng truy cập khổng lồ, từ đó tận dụng dữ liệu người dùng để cải thiện dịch vụ. Ngược lại, công ty có trụ sở tại California khẳng định khách hàng có quyền lựa chọn dịch vụ tốt nhất khi so sánh với đối thủ như Bing hay DuckDuckGo.
Sau khi hoàn tất thảo luận, Bộ Tư pháp Mỹ và một số tiểu bang đã đề xuất biện pháp xử phạt Google vào ngày 20/11. Đây là một phần trong nỗ lực định hình lại thị trường công nghệ và giúp tăng tính cạnh tranh công bằng.
Hai nhà sáng lập Google tự tay làm nên tất cả
Kể về câu chuyện của 25 doanh nhân của thế giới, sách “Họ đã làm gì để thay đổi thế giới?” vừa là một “kho” tư liệu về tinh thần doanh nhân vừa là nguồn cảm hứng cho những ai muốn tự mình sáng tạo nên những điều ý nghĩa.