Nó sẽ giải quyết được vấn nạn thiếu nước nhân loại đã đang đối mặt.
Suốt từ thuở hồng hoang, con người đã có mơ ước hoang dại là uống được nước biển. Chúng ta có sẵn một biển nước như vậy, thật lãng phí nếu không tận dụng được chúng. Có điều, công nghệ chưa đủ hiện đại để ta có được chu trình biến nước biển thành nước ngọt hiệu quả và chi phí thấp.
Tuy nhiên, tin vui vẫn tới với nhân loại mỗi ngày. Tại một cơ sở xử lý nước mới được thành lập tại Kenya, cơ quan phi lợi nhuận GivePower đang sử dụng năng lượng Mặt Trời để biến nước biển thành nước sinh hoạt.
Bên bờ biển Kiunga, hệ thống khử muối đã bắt đầu đi vào vận hành từ tháng Bảy năm ngoái. Nó có khả năng lọc ra tới 75.000 lít nước ngọt mỗi ngày, đủ cho 25.000 người sử dụng.
“Chúng ta cần cách lấy nước ngọt từ nước biển, bằng một hệ thống quy mô lớn và duy trì được mãi về sau”, chủ tịch của GivePower, ông Hayes Barnard nói với trang tin Business Insider.
Ông Barnard mong hệ thống mới có thể lớn hơn nữa, mở thêm những cơ sở xử lý nước quanh thế giới, cung cấp nước ngọt cho những cộng đồng thiếu thốn. Tính trên toàn cầu, tới ⅓ dân số không có điều kiện tiếp cận với nước sạch. Tới năm 2025, các chuyên gia UNICEF và WHO cảnh báo phải tới một nửa dân số thế giới sống trong khu vực thiếu nước sạch. Ta đã bắt đầu thấy sự thật đáng buồn này xuất hiện ở những khu vực đông dân như Ấn Độ, Trung Quốc hay Nam Phi.
Nhưng nước không chỉ để uống, mọi hoạt động cần nước sẽ đều gặp ảnh hưởng
Năm 2013, Barnard khởi động dự án GivePower, là một phần thuộc công ty năng lượng Mặt Trời SolarCity, doanh nghiệp mà Elon Musk góp công thành lập hồi năm 2006. SolarCity đã sáp nhập với Tesla năm 2016, và Hayes Barnard đã tách GivePower thành một tổ chức riêng trước thời điểm tổ chức về chung một nhà với Tesla.
Mục tiêu lớn nhất của GivePower là phát triển hệ thống năng lượng Mặt Trời, cung cấp điện năng cho những nước đang phát triển. Theo những gì họ tuyên bố, GivePower đã lắp đặt hệ thống năng lượng Mặt Trời tại 2.650 địa điểm, bao gồm trường học, trạm xá và làng mạc, … trên khắp 17 quốc gia.
Thế nhưng điện không phải yếu tố duy nhất cho phép giới trẻ tiếp cận với giáo dục, nước sạch cũng là một thành tố tối quan trọng. Phụ nữ và trẻ em Lục địa Đen phải đi trung bình 6km mỗi ngày để lấy được nước ngọt, họ mất đi những khoảng thời gian quý giá đáng lẽ có thể dành được cho việc học hành.
“Vậy nên, chúng tôi nghĩ bước đi hợp lý tiếp theo sẽ là mang nước sạch đến cho họ”, Barnard nói. “Ý tưởng hình thành như vậy đó. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi có thể cung cấp cho người dân mộ nguồn nước sạch, giá rẻ? Thậm chí với quy mô lớn?”
Công nghệ khử muối đã tồn tại từ lâu, nhưng vẫn tốn kém do lượng năng lượng cần để biến nước biển thành nước ngọt quá lớn. Đó là lúc GivePower tỏa sáng, hệ thống năng lượng Mặt Trời mới của họ có thể tạo ra tới 75.000 lít nước sạch mỗi ngày. Họ tận dụng tối đa công nghệ lưu trữ năng lượng Mặt Trời mà Tesla đã phát triển, bên cạnh một hệ thống máy bơm song song cho phép hệ thống chạy 24/7, ngay cả khi một máy bơm gặp trục trặc.
Người dân địa phương nơi GivePower đặt hệ thống lọc nước chỉ phải trả khoảng 58 VNĐ cho một lít nước sạch. Một cái giá rẻ không tưởng cho một công nghệ tuyệt vời đến vậy.
Hệ thống xuất hiện vào lúc nhân loại cần nó nhất
Trái Đất nóng lên, nước biển ngày một dâng cao, tỷ lệ nhiễm mặn toàn cầu sẽ chạm ngưỡng khó tưởng. Đây không còn là tương lai đen tối nữa, mà đã là thực tại nơi bờ biển Kiunga: theo GivePower khảo sát, người dân khu vực này đã phải uống nước giếng nhiễm mặn từ đợt hạn hán năm 2014. Họ chỉ có hai lựa chọn: đối mặt với nguy cơ hại thận từ nước mặn và tiếp tục sống, hoặc phải từ bỏ nhà cửa tìm nơi ở mới.
“Cộng đồng nơi đây đối mặt với những vấn nạn nghiêm trọng”, Barnard nói. “Trẻ em mang trên mình những vết thương gây ra bởi quần áo giặt trong nước muối”.
Dự án đầu tiên của GivePower là một nhà máy xử lý nước biển tại Kiunga, với chi phí xây dựng 500.000 USD và hoàn thành chỉ sau một tháng. GivePower mong muốn thu về 100.000 USD trong năm đầu tiên để có thêm nguồn lực tài chính và xây các cơ sở lọc nước tại những nơi khác nữa. Mục tiêu của họ là giảm chi phí xây dựng một cơ sở xuống chỉ còn 100.000 USD.
Trong thời điểm hiện tại, GivePower đã may mắn nhận được hỗ trợ từ những tổ chức lớn và những khoản từ thiện từ các nhà hảo tâm. Rrong tương lai, chủ tịch Barnard tưởng tượng ra một hệ thống lọc nước dễ lắp đặt hơn nữa: một cái bơm duy nhất và 15 kilowatt điện lấy từ 3 hệ thống lưu trữ điện của Tesla, việc tăng quy mô dự án sẽ rất dễ nhờ việc lắp ráp đơn giản.
Đội ngũ tại GivePower đã đang hướng tới những dự án mới, lắp đặt nhà máy xử lý nước tại những khu vực thiếu nước sạch khác. Ông Barnard mong muốn hoàn thành dự án vào cuối năm nay.
Một trong những trở ngại họ đang gặp phải: GivePower cần một hệ thống phân phối nước hiệu quả. Thời điểm hiện tại, họ đang trông chờ vào những nhà bán lẻ, những tổ chức địa phương sẽ đứng ra mua nước và bán lại cho người dân. Ông Barnard còn nghĩ xa hơn thế chút nữa.
“Tôi muốn tạo ra một quy trình tạo việc làm cho phụ nữ, như cách người ta giao sữa tới tận cửa nhà hồi thập kỷ 60 vậy”, ông Barnard nói. “Nghe có vẻ buồn cười, nhưng việc sử dụng nước sinh hoạt vốn vẫn thuộc về người phụ nữ”.
Lấy ví dụ ngay tại Kiunga, rằng những nhà máy biến nước biển thành nước ngọt đã tạo ra cả một nền kinh tế khép kín. Một nhóm phụ nữ địa phương mở ra dịch vụ giặt quần áo bằng nước sạch, có những người đàn ông đứng ra mua nước và chở về những khu vực xa nha máy.
“Sẽ tuyệt vời ra sao nếu phụ nữ địa phương có thể kiếm tiền từ nước sạch, để có thể cho con em họ đi học?”, ông Barnard nói.
Tham khảo Business Insider