Tuy rau ngót thơm ngon và bổ dưỡng là vậy, nhưng không phải ai cũng biết, ăn nhiều rau ngót cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Rau ngót được biết đến là loại thực phẩm lành tính, ăn nhiều giúp thanh nhiệt và là món ăn phổ biến của nhiều gia đình người Việt. Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong Đông y, rau ngót có tính mát lạnh, vị ngọt. Có công dụng giải nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ.
Trong y học hiện đại, rau ngót có hàm lượng dinh dưỡng cao bởi chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như chất béo, protein, sắt, canxi, phốt pho và các loại vitamin A, B, C… Hàm lượng vitamin A và vitamin C trong rau ngót được đánh giá là cao hơn hẳn so với các loại quả như bưởi, chanh, cam… Nếu vitamin A là chất dinh dưỡng quan trọng để tăng cường sức đề kháng, làm sáng mắt, chống nhiễm khuẩn, duy trì sức khỏe làn da thì vitamin C là yếu tố cần thiết để làm lành vết thương, phòng ngừa lão hóa và cải thiện chức năng não.
Tuy rau ngót thơm ngon và bổ dưỡng là vậy, nhưng không phải ai cũng biết, ăn nhiều rau ngót cũng có thể gây hại cho sức khỏe. Dưới đây là những tác dụng phụ khi lạm dụng rau ngót.
Ăn rau ngót quá nhiều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nào?
1. Gây khó ngủ
Theo lương y Hồng Minh, việc tiêu thụ quá nhiều rau ngót sẽ gây ra chứng mất ngủ hoặc khó ngủ. Thậm chí, nhiều trường hợp uống nước rau ngót sống trong thời gian dài còn bị khó thở và ăn uống kém đi.
Tuy triệu chứng mất ngủ có thể biến mất sau 1 ngày ngừng ăn, tuy nhiên với những đối tượng như người cao tuổi, người có tiền sử bị mất ngủ hoặc khó ngủ thì tốt nhất nên hạn chế ăn rau ngót để đảm bảo sức khỏe.
Với người bình thường, chuyên gia khuyến cáo chỉ nên dùng tối đa 50g rau ngót trong một ngày, tránh ăn liên tục trong 3 tháng. Khi chế biến, rau ngót cần được rửa sạch, nấu chín kỹ và không vò nát rau trước khi nấu, tránh làm mất đi các chất dinh dưỡng có lợi trong rau.
2. Gây cản trở hấp thụ canxi và phốt pho
Trong quá trình tiêu hóa, rau ngót sẽ sản sinh lượng lớn chất Glucocorticoid – chất này làm cản trở quá trình hấp thụ canxi và phốt pho của cơ thể. Chính vì vậy, bạn chỉ nên dùng rau ngót với lượng vừa phải, chia làm nhiều lần trong tuần, tránh ăn quá nhiều rau ngót cùng một lúc để không ảnh hưởng khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
3. Gây sảy thai
Theo lương y, phụ nữ đang mang thai không nên ăn nhiều rau ngót vì có thể gây ra các tác dụng phụ có hại cho sức khỏe mẹ và bé. Bởi trong rau ngót chứa chất Papaverin, có khả năng làm giãn cơ trơn của mạch máu để giảm đau, hạ huyết áp. Nếu dùng lượng rau ngót tươi hơn 30mg sẽ làm tăng tỷ lệ co thắt cơ trơn tử cung dẫn đến sảy thai.
Vậy nên, với phụ nữ trong thời kỳ mang thai, đặc biệt là thai phụ có tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm cần đặc biệt lưu ý khi ăn rau ngót , không uống nước rau ngót sống với liều cao để đảm bảo an toàn cho cơ thể.
Lưu ý khi ăn rau ngót
– Sau khi mua rau ngót, bạn nên rửa sạch rau nhiều lần trong nước, ngâm nước muối khoảng 15 – 20 phút để loại bỏ các chất độc gây hại có trong rau.
– Khi chế biến, nên để nguyên lá, không vò nát để tránh làm mất đi chất dinh dưỡng có trong rau. Nếu muốn rau ngót chín nhanh, ăn có vị thơm, mềm thì trước khi nước sôi, bạn chỉ nên vò sơ rau ngót, cho vào nồi nấu vừa chín.
– Khi chọn rau ngót, tốt hơn hết là chọn cây có lá mỏng nhưng cứng. Không nên mua rau ngót dày mềm, hoặc lá bị xoăn lại, bất thường, bởi đó là dấu hiệu của rau ngót đã bị phun thuốc bảo vệ thực vật.
– Dù có yêu thích loại rau này đến đâu, tránh ăn nhiều rau ngót để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe.