Với lối kể chuyện dí dỏm, hình ảnh minh họa đẹp, bộ sách giúp các bé trong độ tuổi từ 3-9 làm quen về tài chính và tạo lập thói quen chi tiêu, quản lý tài chính khoa học.
Để trẻ phát triển toàn diện hơn thì việc phát triển FQ cũng vô cùng quan trọng. Nguồn: Linkedin. |
Hầu hết trẻ em ngày nay được cha mẹ chú trọng vào việc rèn luyện nâng cao IQ (chỉ số thông minh) và EQ (chỉ số cảm xúc). Tuy nhiên, để trẻ phát triển toàn diện hơn thì việc phát triển FQ cũng rất quan trọng. FQ (Financial Intelligence Quotient) – chính là trí tuệ tài chính, hiểu đơn giản là khả năng nhận thức về tầm quan trọng của tài chính, biết cách quản lý và sử dụng tài chính hợp lý.
Theo các chuyên gia, trẻ em nên được trang bị những kiến thức về quản lý tài chính ngay từ khi còn nhỏ. Khi con 4-5 tuổi ba mẹ có thể dạy bé khái niệm đơn giản về tiền, hỏi trẻ về các mệnh giá tiền. Hoặc lớn hơn một chút phụ huynh có thể đưa số tiền nhỏ nhờ con đi mua những món đồ đơn giản, hay cùng con lập kế hoạch cho các khoản chi tiêu. Tuy nhiên, việc dạy trẻ về quản lý tài chính (kiến thức lý thuyết có phần khô khan, nặng nề) thực sự hiệu quả là điều không hề đơn giản, đòi hỏi phụ huynh cũng cần có kiến thức và phương pháp phù hợp.
Để giúp trẻ tiếp nhận những kiến thức liên quan đến tài chính, những cuốn sách hay, có cách kể chuyện dí dỏm, gần gũi, với những hình ảnh minh họa ngộ nghĩnh sẽ là phương tiện truyền tải khá hữu hiệu, giúp trẻ học được rất nhiều điều bổ ích và không cảm thấy nhàm chán.
Bộ sách tranh Dạy trẻ quản lý và tiêu tiền đúng cách (Lời: Sách Kangaroo Mother, Thu Ngân dịch, tranh Hoàng Nhữ Khiết) có thể đáp ứng được các tiêu chí kể trên.
Bộ sách gồm 8 tập tương ứng với chủ đề thú vị và hữu ích như: Lợi ích của ngân hàng; Tiết kiệm là thói quen tốt; Chi tiêu hợp lý rất quan trọng; Tiền không phải là tất cả; Con biết tự đi mua đồ; Tránh rủi ro kiếm tiền to; Con cũng biết kiếm tiền; Mua đồ cũng cần phải học.
Bộ sách Dạy trẻ quản lý và tiêu tiền đúng cách. Ảnh: ĐTB. |
Mỗi tập truyện trong bộ sách là một câu chuyện đời thường thú vị, xoay quanh về quản lý và tiêu tiền của các bạn động vật (thỏ con, sư tử, sóc con, gấu, voi…) được nhân cách hóa, giúp các bé dễ dàng ghi nhớ, học hỏi và rút ra được nhiều bài học bổ ích.
Chẳng hạn như tập truyện Con cũng biết kiếm tiền các bạn nhỏ sẽ hiểu được chỉ có lao động mới giúp chúng ta có được thứ mình muốn và tiền chỉ là công cụ để đổi những thứ mình muốn mà thôi. Hay tập truyện Tránh rủi ro kiếm tiền to các bạn nhỏ sẽ hiểu được trong kinh doanh “cơ hội và nguy cơ cùng tồn tại”, trong kinh doanh không phải lúc nào cũng có lãi ngay.
Ở tập truyện Tiết kiệm là thói quen tốt, các bạn nhỏ sẽ biết được một phương pháp tiết kiệm tiền hữu hiệu đó là đặt ra kế hoạch chi tiêu mỗi tháng. Tập Chi tiêu hợp lý rất quan trọng sẽ giúo các bạn nhỏ sẽ ý thức hơn việc mua những món gì là cần thiết, những món gì chỉ là thích và những thư gì không bao giờ dùng đến.
Tập truyện Mua đồ cũng cần phải học giúp các bạn nhỏ học cách ghi chép lại những gì mình chi tiêu. Còn tập truyện Tiền không phải là tất cả giúp các bạn nhỏ hiểu không phải cái gì cũng dùng tiền được, chẳng hạn như tình bạn, chỉ cần dùng một trái tim chân thành là đủ.
Tập truyện Con tự biết mua đồ giúp các bạn nhỏ ý thức được việc mua đồ và biết cách mua đồ cho phù hợp. Tập truyện Lợi ích của ngân hàng giúp các bạn nhỏ quản lý tiền của mình thật tốt thông qua hình thức tạo lập tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng.
Với lối kể chuyện dí dóm, hình ảnh minh họa đẹp, gần gũi, bộ sách không chỉ giúp các bé trong độ tuổi 3-9 làm quen về tài chính, mà còn tạo lập thói quen chi tiêu và quản lý tài chính khoa học, đồng thời giúp các con xây dựng lối sống, thói quen tốt về tài chính khi trưởng thành.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.