TTO – Diễn đàn “Thu hút nhân tài trẻ cho TP.HCM bằng cách nào?” nhận được nhiều bài viết, ý kiến của bạn đọc gần xa. Đặc biệt, bài “Thạc sĩ… đánh máy” có nhiều ý kiến tranh luận.
Nhiều người trẻ đến từ nhiều địa phương làm việc tại một công ty đa quốc gia ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC HIỂN |
Tác giả bài “Thạc sĩ… đánh máy” gợi ra nhiều vấn đề mà chúng ta cần phải thảo luận thấu đáo trước khi tìm ra giải pháp thu hút người tài.
Học và đỗ đạt bằng đường học vấn, cho dù đến bậc tiến sĩ, cũng chỉ mới là bước khởi đầu, chỉ là một trong nhiều tiêu chuẩn tuyển chọn cho một vị trí công việc cụ thể, chưa thể gọi là người “tài”.
Có thể do ngộ nhận thế nào ấy chứ nếu tác giả nêu trên đã được học, đã hiểu vấn đề, nếu bạn ấy có tiềm năng thì tại sao bạn ấy thụ động làm nghề đánh máy cả mười năm để chờ ai đấy cho bạn ấy một công việc? Bạn ấy phải tự cứu mình trước khi trời cứu chớ!
Người tài không phải cứ tự nhiên mà có. Ông bà ta nói: “Thời thế tạo anh hùng”. Ngày nay nước ta bước vào thị trường hóa ở quy mô toàn cầu là đất cho người tài dụng võ trong tất cả lĩnh vực như khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, sáng tạo…
Nếu bạn có tiềm năng thì trước tiên phải tự thể hiện, sau đấy sẽ có người, tổ chức cần bạn, nhìn thấy bạn. Đó là lẽ đương nhiên, không thể làm ngược lại là tìm người tài trong khi không rõ năng lực thật sự của người đó là như thế nào.
Sau nhiều năm nước ta vận hành theo cơ chế mọi thứ đều là Nhà nước nên đã tạo ra thói quen là xin việc nhà nước, mặc dù người xin vào Nhà nước cũng không hình dung rõ được đó là công việc gì, cần có kỹ năng gì để sống còn, họ chỉ đơn giản là cố kiếm được tấm bằng để xin vào “biên chế”.
Trong khi đó, nước ta đã theo cơ chế thị trường hơn 30 năm nên công việc nhà nước đã chuyển dần vào công tác quản lý hành chính. Người tài của Nhà nước dần thể hiện ở sự nhìn xa trông rộng, tính chuyên nghiệp, sự mẫn cán, tính trung thực và trách nhiệm cao. Tuy vậy, các tiêu chuẩn này hiện nay còn quá tụt hậu so với đòi hỏi của cuộc sống.
Nhìn từ các thực tế nêu trên, theo tôi, “người tài” xét theo cơ chế thị trường phải có các tiêu chuẩn cụ thể của bên cầu, từ đó tạo ra cơ chế tự hành của nguồn cung. Bên cầu đối với một thành phố lớn như TP.HCM thì rất đa dạng.
Nhưng để tạo được nguồn nhân lực có chất lượng trong tương lai, theo tôi, thành phố chỉ nên tập trung vào một số lĩnh vực then chốt gồm: khởi nghiệp, nghiên cứu khoa học, công chức nhà nước.
Đặt hàng khởi nghiệp hầu như đã có đủ các yếu tố cần thiết như Luật doanh nghiệp 2014, chính sách hỗ trợ của thành phố như KHCN, vốn kích cầu… đủ để người tài tự thể hiện mình. Chính sách hỗ trợ KHCN của thành phố cũng tương đối thông thoáng.
Tuy nhiên, việc tiếp cận chính sách này còn một số việc cần hoàn thiện như tạo ra các cuộc thi về xây dựng ý tưởng KHCN để doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu. Để có người tài làm công chức thì thành phố phải có miêu tả chi tiết cho từng vị trí công việc, mức thu nhập tương xứng vị trí đó thì mới có thể tuyển được.
Thành phố không nhất thiết phải tốn tiền cử người đi học, sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài thiếu gì, nếu có chính sách tốt thì tuyển người tài làm công chức đâu phải là việc khó.
Mời bạn đóng góp giải pháp Bạn suy nghĩ như thế nào về vấn đề thu hút nhân tài trẻ? Giải pháp cho việc này ra sao? Các ý kiến đóng góp cho diễn đàn, mời bạn gửi về báo Tuổi Trẻ: 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM (Diễn đàn “Thu hút nhân tài trẻ cho TP.HCM bằng cách nào?”), email: dtduy@tuoitre.com.vn, hoặc: dangtuoi@tuoitre.com.vn. |