TTO – Một ngày không xa, người nông dân sẽ yên tâm canh tác trên mảnh đất không có hóa chất, người trẻ đủ niềm tin dấn thân khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và bàn ăn của người Việt luôn là những thực phẩm sạch.
Hai tình nguyện viên trẻ ở Orfarm (Kon Tum) – mô hình farmstay trồng cam canh không thuốc hóa học – Ảnh: NoDa
Đó là giấc mơ của Huỳnh Hạnh Phúc. Trở về Việt Nam sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ tại ngôi trường đại học danh tiếng Harvard (Mỹ) năm 2015, Hạnh Phúc đang xây dựng giấc mơ về nông nghiệp xanh của mình qua dự án NoDa.
Lấy nông dân làm cốt lõi
NoDa là tên viết tắt của “nông dân” hoặc “no đầy”, trong đó lấy người nông dân làm trung tâm của chuỗi giá trị, khuyến khích thay thế canh tác nông nghiệp hóa chất bằng nông nghiệp sạch, bền vững và thuận tự nhiên. Phúc tin rằng khi những người nông dân gieo trồng trong hạnh phúc và an tâm về đầu ra của sản phẩm, bàn ăn của người Việt rồi đây sẽ ngập tràn rau xanh, trái ngọt được kết tinh từ cái tâm của người gieo. Không còn nỗi lo về hóa chất, về thực phẩm thiếu an toàn cho sức khỏe.
Phát triển giáo dục nông thôn Việt Nam là một trong những nỗi niềm trăn trở của Phúc khi về lại Việt Nam vào năm 2015. Trong chương trình “Nông dân tí hon” của Teach For Vietnam (TFV – một dự án giáo dục do Hạnh Phúc thực hiện – PV) để truyền cảm hứng cho các em học sinh cấp II về khởi nghiệp nông nghiệp ứng dụng mô hình STEM và am hiểu địa phương, Phúc nói anh ngây người khi lắng nghe cuộc trò chuyện giữa tụi nhỏ và cô giáo trẻ tên Nhật Anh.
“Tôi phát hiện không có em nhỏ nào muốn trở thành nông dân như cha mẹ mình vì các em nói “làm nông khổ lắm, làm riết mà nghèo luôn”, Phúc kể. Điều này làm anh day dứt mãi. Nông nghiệp Việt Nam rồi sẽ thế nào khi nhân lực trẻ đi hết, chỉ còn lại những người già bám trụ?
Hạnh Phúc nói TFV đang nỗ lực tạo ra những cú hích trong hệ thống giáo dục với mong muốn mang lại cho mọi trẻ em Việt Nam, đặc biệt là trẻ em ở khu vực nông thôn, một trải nghiệm giáo dục hoàn thiện. Nhưng nếu giáo dục chỉ đi một mình thì những bạn nhỏ bước ra từ nền giáo dục ấy sẽ đi đâu khi các em trưởng thành? Sẽ đi du học? Sẽ lên thành phố mưu sinh lập nghiệp?
Còn mảnh đất quê hương và cái nghề nông vốn được nhận thức là vất vả, bấp bênh bỏ lại cho ai? Chân dung người nông dân mãi gắn với hình ảnh “chân lấm tay bùn”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” hay sao? Nghề nông sẽ mãi mãi gắn với câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa” hay sao?
Từ trăn trở ấy, Hạnh Phúc nói anh tự hỏi sẽ ra sao nếu như nông thôn có một sức sống mới, người trẻ có trình độ trở thành nông dân thế hệ mới với trái tim vì phát triển bền vững và cộng đồng, nhưng có khối óc kinh doanh và bàn tay tuổi trẻ?
Đặc tính tự nhiên của địa phương được chuyển hóa thành nông sản tươi ngon, an toàn? Và những người nông dân thôi không còn chạy theo nông nghiệp hóa chất, chuyên tâm gieo nên những vụ mùa bằng cả cái tâm, trên mảnh vườn có đất sạch, nước sạch, không khí sạch?
Ươm mầm khởi nghiệp xanh
Tháng 5-2020, dự án sàn thương mại điện tử NoDa ra đời với vai trò là cầu nối sản phẩm giữa người nông dân và người tiêu dùng, xây dựng một hệ sinh thái nuôi dưỡng lối sống mới về sản xuất xanh và tiêu dùng xanh. Trên trang web của dự án, câu chuyện canh tác của từng người nông dân được chia sẻ để hành trình làm nông nghiệp của họ đến gần hơn với cộng đồng.
Mỗi sản phẩm nông nghiệp giờ đây trở thành một thông điệp truyền cảm hứng nói lên đam mê và cái tâm của người gieo trồng, còn NoDa trở thành “vườn ươm” cho những giấc mơ khởi nghiệp xanh của người trẻ.
“Trong thời gian tới, NoDa kết hợp với những tổ chức phát triển và các hiệp hội trong nước và quốc tế để xây dựng và triển khai những hoạt động ươm mầm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, cung cấp những dịch vụ bổ trợ, bước đầu tập trung vào mảng minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc”, anh Phúc chia sẻ.
Hạnh Phúc nói anh từng gặp những người làm nông trẻ có tư duy nông nghiệp xanh và bền vững. Ở Krông Năng (Đắk Lắk), có một nhà vườn cung cấp hạt Robusta đã tiên phong trong canh tác cà phê sạch ở địa phương từ năm 2013 đến nay. Dũng, bạn trẻ sinh năm 1995, chủ nhà vườn, chia sẻ cây cà phê bạn trồng không phun xịt thuốc hay hóa chất độc hại. Để cây phát triển bình thường và ra hạt chất lượng, họ bổ sung dinh dưỡng bằng cách bón phân chuồng, đạm đậu nành hay chuối.
“Dũng nói bằng việc canh tác “xanh”, bạn ấy mong muốn bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho cả người canh tác và người tiêu dùng. Cứ mãi canh tác dùng thuốc độc hại, mai này đất chết đi thì lấy gì trồng cà phê. Đất chết, người cũng chết theo”, anh Phúc kể.
Đội ngũ làm nên dự án NoDa cũng là các nhân tố trẻ. Chỉ cần “định vị” được bà con cô bác gieo trồng tử tế, họ không ngại sớm khuya lên đường tìm đến. Một lần khi nghe có nhà nông ở Tây Ninh trồng mãng cầu không hóa chất độc hại, cả nhóm xôn xao rủ nhau 10h đêm khởi hành đi Tây Ninh.
Chú trọng giá trị sản phẩm
Những sản phẩm được trồng tự nhiên hay hữu cơ bề ngoài không láng bóng, kích cỡ cũng không đồng đều và to bằng sản phẩm được dùng thuốc. Tuy nhiên, nhờ không có hóa chất và không ngậm nước nhiều, bên trong thân các loại rau củ này thường nhiều vitamin và dinh dưỡng hơn, có vị ngọt tự nhiên nên khi chế biến ít cần nêm nếm, chỉ cần nấu nhanh để tận hưởng trọn vẹn hương vị.
Người tiêu dùng có xu hướng so sánh bởi giá các sản phẩm nông nghiệp xanh thường “nhỉnh” hơn sản phẩm thông thường. Tuy nhiên, anh Phúc nhấn mạnh khi người tiêu dùng có kiến thức và nhận thức tốt hơn về sức khỏe và dinh dưỡng, biết giảm lượng tăng chất, biết chuyển dịch ngân sách từ những nhu cầu không thiết yếu sang nhóm nhu cầu thiết yếu thì sản phẩm nông nghiệp sạch, lành sẽ sớm khẳng định được giá trị. Những nỗ lực của người sản xuất xanh vì vậy sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng.