Lãi suất huy động về 0% có làm giảm sức hấp dẫn của USD, liệu có xảy ra tình trạng các tổ chức, DN sẽ ồ ạt bán USD để đổi lấy tiền đồng? DĐDN đã trao đổi với ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính ngân hàng xung quanh vấn đề này…
Ông Lực nhấn mạnh: “Việc giảm lãi suất huy động USD của NHNN không phải nhằm mục đích nới lỏng tiền tệ. Bởi mức giảm lãi suất huy động là không nhiều (giảm từ 0,25% xuống còn 0%). Bên cạnh đó, cho vay ngoại tệ chỉ chiếm chiếm 10-11% trong tổng tín dụng cũng như tổng tiền gửi, cho nên hạ lãi suất USD cũng không tác động nhiều đến tín dụng chung của cả hệ thống”.
Việc giảm lãi suất huy động USD xuống mức 0% cũng không tác động nhiều đến lượng cung trên thị trường. Bởi, dù lãi suất USD giảm còn 0% nhưng các tổ chức kinh tế, DN vẫn có xu hướng “găm” đồng tiền này trong tài khoản, để chuẩn bị nguồn thanh toán khi đến kỳ hạn, đồng thời để đề phòng rủi ro tỷ giá. Trên thực tế, lãi suất tiền gửi bằng USD với tổ chức cũng đã ở mức rất thấp, nhưng các tổ chức, DN này vẫn gửi tiền.
– Có ý kiến cho rằng, việc NHNN giảm lãi suất USD chủ yếu đối phó với bài toán lãi suất?
Không hẳn! Việc giảm lãi suất huy động USD lần này hướng tới hai mục đích: Thực hiện lộ trình chống USD hóa, giảm sức hấp dẫn của USD. Thứ hai, giảm một phần áp lực tỷ giá nếu có.
Đối với tiền gửi ngoại tệ của người dân, lãi suất huy động USD đã giảm 0,5% (từ 0,75% xuống 0,25%), song, huy động vốn ngoại tệ sẽ giảm không đáng kể và tỷ trọng tiền gửi ngoại tệ cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng huy động vốn của ngân hàng.
Việc hạ lãi suất đồng USD của NHNN ngoài mục tiêu chống USD hóa, giảm áp lực lên tỷ giá còn nhằm đối phó với bài toán lãi suất. Vài tháng gần đây, lãi suất huy động tiền đồng có xu hướng tăng lên và biện pháp này là hạ nhiệt áp lực lãi suất kịp thời…
– Vậy ông có lời khuyên gì đối với DN người dân nên găm giữ USD hay chuyển VNĐ?
Thực ra, việc giảm lãi suất huy động USD đã được giới chuyên gia dự báo từ lâu, song điều bất ngờ là, giải pháp này được NHNN đưa ra trong bối cảnh cung – cầu thị trường không có dấu hiệu căng thẳng. Tuy vậy, giải pháp “lợi dụng thị trường” này của NHNN được coi là động thái khôn ngoan, nhằm hạn chế tác động tiêu cực về mặt tâm lý.
NHNN kỳ vọng mức độ hấp dẫn của việc nắm giữ USD sẽ giảm đi tương ứng so với nắm giữ VND, khuyến khích người có tài sản chuyển sang nắm giữ tài sản bằng VND hơn USD.
Trên thực tế, việc giảm lãi suất, tiến tới ngừng huy động vốn bằng ngoại tệ đã được đặt ra từ lâu trong Đề án chống USD hóa của Chính phủ, song do tỷ giá là vấn đề nhạy cảm, nên lâu nay, NHNN vẫn chưa thể thực hiện các giải pháp mạnh tay. Được biết, chủ trương chống USD hóa của Chính phủ được thực hiện từ năm 2005. Theo mục tiêu ban đầu, Đề án dự kiến hoàn thành vào năm 2018. Với tình hình hiện nay, có lẽ, mục tiêu trên chưa thể đạt được, song việc giảm lãi suất huy động của tổ chức xuống 0% là một bước tiến mới trong lộ trình chống USD hóa của NHNN.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất USD cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ, như chảy máu ngoại tệ, giảm huy động vốn bằng ngoại tệ. Liên quan vấn đề này, nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, hiện nay, việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài được kiểm soát chặt chẽ. Bên cạnh đó, các ngân hàng có nhiều kênh huy động vốn ngoại tệ từ nước ngoài, chứ không chỉ phụ thuộc nguồn huy động ngoại tệ trong nước, nên thời gian tới, nguồn cung USD vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của DN và người dân…
Quyết định của NHNN giảm lãi suất tiền gửi USD không những giảm thiểu hiện tượng USD hóa mà còn làm giảm áp lực lên tỷ giá. Đây là một quyết định quan trọng và cần thiết để ổn định tiền đồng trong lúc này.
Với mức lãi suất huy động USD hiện nay, cùng với các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, NHNN người dân và DN nên cân nhắc việc nắm giữ USD…
– Xin cám ơn ông!
Lo ngại sự dịch chuyển của dòng ngoại tệ
Tuy còn khá sớm để thấy hiệu quả và phản ứng của thị trường với đợt hạ lãi suất tiền gửi USD, nhưng có thể thấy, NHNN thêm một lần nữa điều hành chủ động trước các diễn biến sắp tới của FED cũng như nhu cầu USD vào những tháng cuối năm. Theo tuyên bố của NHNN, với quyết định này nhằm ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ để góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.
Nếu so sánh với lãi suất USD ở Mỹ, thì tại Việt Nam lãi suất của USD đã thấp hơn so với thị trường quốc tế. Thị trường vốn là thị trường liên thông đặc biệt là với các tổ chức nước ngoài không chịu sự ràng buộc và kiểm soát về vốn giống như người dân trong nước thì họ sẵn sàng rút để chuyển phần tiền lợi nhuận, phần cổ tức, phần nhàn rỗi tại thị trường Việt Nam về các thị trường Mỹ hay là Châu Âu để hưởng lãi suất cao hơn. Đây rõ ràng là một rủi ro hiện hữu. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại vì quy định quản lý ngoại hối của Việt Nam hiện khá chặt chẽ.
Với việc hạ lãi suất huy động USD cũng sẽ có tác động đối với lượng kiều hối. Động thái này có thể làm tổn thương cho kiều hối khi lãi suất tiền gửi USD ở Việt Nam không khác mấy so với các nước khác (hiện nay thậm chí còn thấp hơn so với lãi suất LIBOR 2 tháng). Thực tế ghi nhận, trong những năm gần đây, thu hút lượng kiều hối của Việt Nam tăng dần qua các năm. Một trong những nguyên nhân khiến lượng kiều hối liên tục tăng là trong những năm gần đây là do chính sách ổn định tỷ giá được NHNN quan tâm chỉ đạo rất chặt chẽ và theo sát thị trường.