Đề xuất mở rộng các tỷ lệ hạn chế đầu tư của quỹ đại chúng

Bộ Tài chính đề xuất mở rộng hạn chế đầu tư từ 10% lên 15% đối với đầu tư vào chứng khoán của một tổ chức phát hành; từ 30% lên 35% đối với đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau nhằm hạn chế thực trạng nhiều quỹ đầu tư đang vướng phải việc bị vượt hạn mức đầu tư thụ động.

TIN MỚI
Đề xuất mở rộng các tỷ lệ hạn chế đầu tư của quỹ đại chúng- Ảnh 1.

Bộ Tài chính đang đề xuất mở rộng tỷ lệ hạn chế đầu tư của quỹ đại chúng.

Hiện nay, theo quy định tại Điều 110 Luật Chứng khoán 2019, công ty quản lý quỹ (CTQLQ) đầu tư chứng khoán không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ đại chúng để thực hiện đầu tư vào chứng khoán của một tổ chức phát hành quá 10% tổng giá trị chứng khoán đang lưu hành của tổ chức đó, trừ trái phiếu Chính phủ.

Bên cạnh đó, CTQLQ cũng không được sử dụng vốn và tài sản của quỹ đại chúng để thực hiện đầu tư quá 30% tổng giá trị tài sản của quỹ đại chúng vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau (công ty mẹ, công ty con; các công ty sở hữu trên 35% cổ phần, phần vốn góp của nhau; nhóm công ty con có cùng một công ty mẹ).

Theo Bộ Tài chính, đa số các quỹ đại chúng đều tuân thủ tốt các quy định về hạn mức đầu tư tại Luật Chứng khoán, tuy nhiên, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy hai hạn chế:

Thứ nhất , một số quỹ xuất hiện tình trạng gần chạm ngưỡng và vượt hạn chế mức đầu tư thụ động do nguyên nhân diễn biến thị trường không thuận lợi, giá trị tài sản ròng (NAV) giảm dẫn đến các quỹ vượt thụ động theo hạn chế Điều 110 Luật Chứng khoán.

Các quỹ bắt buộc phải bán ra để đảm bảo tỷ lệ theo quy định pháp luật có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động đầu tư do bán khi thị trường chưa thuận lợi.

Thứ hai , việc vượt hạn mức thụ động cũng diễn ra đối với các quỹ ETF trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, trên thực tế đã xảy ra trường hợp khi quy mô của một số tổ chức phát hành (tổ chức phát hành có chứng khoán thuộc chỉ số tham chiếu) còn nhỏ trong khi quy mô quỹ ETF ngày càng lớn, quỹ sẽ bị vượt thụ động hạn mức 10% nêu trên.

Đặc trưng của quỹ ETF là đầu tư thụ động theo danh mục chứng khoán của chỉ số và theo tỷ trọng của từng chứng khoán trong chỉ số. Khi xảy ra trường hợp nêu trên, quỹ buộc phải giảm quy mô để không vi phạm hạn mức đầu tư, gây thiệt hại cho hoạt động đầu tư của quỹ. Quỹ cũng sẽ phải ngừng phát hành thêm chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư, do đó ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhằm khắc phục các hạn chế nêu trên, tại dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Chứng khoán đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng hạn chế đầu tư của các quỹ từ 10% lên 15% đối với đầu tư vào chứng khoán của một tổ chức phát hành; từ 30% lên 35% đối với đầu tư vào các công ty trong cùng một nhóm công ty có quan hệ sở hữu với nhau.

Tổng kết thi hành Luật Chứng khoán đến ngày 30/06/2024, Bộ Tài chính cho biết, theo dữ liệu được công bố, hiện có 43 CTQLQ đang hoạt động; 116 quỹ đầu tư được thành lập, bao gồm 34 quỹ thành viên, 3 quỹ đóng, 62 quỹ mở, 16 quỹ ETF và 1 quỹ bất động sản.

Tổng giá trị tài sản quản lý (AUM) tại các CTQLQ tính đến 30/06/2024 ước tính khoảng 696.000 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm cuối năm 2023. Tổng lợi nhuận sau thuế tính đến hết năm 2023 của các CTQLQ ước đạt 1.100 tỷ đồng.

Với các quỹ đầu tư chứng khoán, tổng NAV tính đến 30/06/2024 khoảng 76.000 tỷ đồng, tăng khoảng 8.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin