Tác động kép của đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 và diễn biến bất lợi của tình hình địa chính trị thế giới đã chặn đà tăng trưởng và để lại di chứng nặng nề cho hàng không thế giới nói chung và hàng không Việt Nam nói riêng. Với Vietnam Airlines, nếu không nhanh chóng có giải pháp cải thiện năng lực tài chính thì hãng này nguy cơ bị mất khả năng thanh toán, thiếu hụt nguồn vốn.
Tác động kép xóa sạch thành quả
Theo Hiệp hội vận tải Hàng không quốc tế (IATA), sau đại dịch COVID-19, Việt Nam đứng số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Cục Hàng không Việt Nam dự báo, thị trường hàng không Việt Nam nằm trong xu thế phục hồi chung của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đạt mức phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý ngành hàng không Việt Nam cho rằng tiến trình phục hồi của ngành hàng không cũng đang gặp nhiều trắc trở. Tác động kép của đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 và diễn biến bất lợi của tình hình địa chính trị thế giới đã chặn đà tăng trưởng và để lại nhiều di chứng nặng nề cho hàng không thế giới nói chung cũng như hàng không Việt Nam nói riêng.
Ông Lê Hồng Hà – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines – cho biết, trong 9 tháng năm nay, tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines đạt gần 85.500 tỷ đồng, tăng hơn 24,64% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt hơn 6.263 tỷ đồng với sự đóng góp lớn từ việc Pacific Airlines được xóa nợ và hiệu quả kinh doanh của Vietnam Airlines cải thiện.
Tuy nhiên, theo ông Hà, do hậu quả nghiêm trọng do đại dịch COVID-19, cùng với các biến động kinh tế, chính trị trên toàn cầu nên hãng phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Tính đến 31/12/2023, lỗ lũy kế công ty mẹ và hợp nhất lần lượt là 32.522 tỷ đồng và 41.057 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu công ty mẹ âm 8.378 tỷ đồng, hợp nhất âm 17.026 tỷ đồng.
“Nếu không nhanh chóng cải thiện năng lực tài chính, có thêm giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt để chớp thời trong giai đoạn kỷ nguyên vươn mình sắp tới của Đảng, Nhà nước thì hãng hàng không quốc gia sẽ có nguy cơ bị mất khả năng thanh toán, thiếu hụt nguồn vốn. Về lâu dài, điều này sẽ làm suy giảm khả năng ứng phó, chống chịu với các rủi ro từ môi trường sản xuất kinh doanh, hao hụt sức cạnh tranh và vị thế trên thị trường hàng không Việt Nam và khu vực” – ông Hà nói.
Tự cứu mình và ‘phao cứu sinh’ Nhà nước
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết hãng đã triển khai nhiều giải pháp tự thân trong Đề án tái cơ cấu tổng thể giai đoạn 2021-2025. “Giai đoạn 2020-2023, tổng chi phí Vietnam Airlines cắt giảm, tiết kiệm được là 18.118 tỷ đồng, đàm phán giảm giá tiền thuê từ năm 2021 đến hết thời hạn thuê là hơn 16.000 tỷ đồng và giãn hoãn thanh toán tiền thuê từ năm 2020 đến 2026 hơn 8.300 tỷ đồng. Chúng tôi hủy hoặc lùi nhận tàu bay mới phù hợp với hoạt động của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chúng tôi đã tái cấu trúc các khoản nợ với tổng giá trị tương đương 6.140 tỷ đồng để giảm áp lực tài chính” – ông Hà nói.
Theo vị tổng giám đốc, việc tổ chức lại bộ máy và lực lượng lao động cũng được thực hiện chặt chẽ giúp tiết kiệm chi phí nhân công 2.444 tỷ đồng. Hãng đã thanh lý hoặc bán và thuê lại máy bay, động cơ và chuyển nhượng vốn tại Công ty CP Hàng không Cambodia Angkor Air, giúp bổ sung dòng tiền khoảng 2.346 tỷ đồng và thu nhập khoảng 634 tỷ đồng.
Để vượt qua những thách thức trong giai đoạn hiện nay, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhấn mạnh hãng bay cần sự hỗ trợ từ Nhà nước với tư cách là cổ đông lớn nhất. Việc đầu tư vào Vietnam Airlines giúp hãng có đủ sức cạnh tranh với các đối thủ quốc tế, từ đó mở rộng sự hiện diện của Việt Nam trên bản đồ hàng không toàn cầu.
“Đặc biệt quan trọng, để phát huy vai trò hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines cần được cho phép áp dụng cơ chế đặc thù giao hãng làm nhà đầu tư các dự án thuộc tổ hợp công trình dịch vụ đồng bộ chuyên ngành hàng không tại Cảng HKQT Long Thành. Việc này sẽ đảm bảo Vietnam Airlines có căn cứ chính tại sân bay lớn nhất Việt Nam, đáp ứng các nhiệm vụ quốc gia quan trọng như vận chuyển quân sự, an ninh và các chuyến bay đặc biệt. Điều này cũng phù hợp với sứ mệnh của Cảng HKQT Long Thành…” – ông Hà cho hay.
Đề cập tới kiến nghị gia hạn khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết 135/2020/QH14, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines lý giải, mặc dù đã triển khai các biện pháp tự thân và huy động nguồn lực từ thoái vốn và phát hành cổ phiếu nhưng tình hình tài chính của hãng chưa phục hồi hoàn toàn, dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ đúng hạn vào năm 2024. Do đó, sự thông qua từ Quốc hội để gia hạn khoản vay là cần thiết nhằm giúp Vietnam Airlines duy trì hoạt động và thanh khoản ổn định.
Hãng bay quốc gia cần Chính phủ thông qua trình Quốc hội cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phần cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Theo tính toán căn cơ, kỹ lưỡng, Vietnam Airlines xác định cần bổ sung khoảng 22.000 tỷ đồng thông qua hình thức chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Vai trò trụ cột của doanh nghiệp Nhà nước
Mới đây, phát biểu tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của thành phần kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam – thực tiễn Tổng Công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines” do Tạp chí Đảng Cộng Sản tổ chức, ông Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng – dẫn thông tin từ IATA về việc ngay từ đầu năm 2020 để khôi phục lại hoạt động của các hãng hàng không quốc gia, nhiều nước đã có những động tác cứu trợ về kinh tế. Chính phủ lúc này vừa giữ vai trò là cổ đông lớn, vừa có vai trò điều chỉnh thị trường.
Tính tới tháng 8/2021, có khoảng 229,7 tỷ USD được chính phủ các nước hỗ trợ cho ngành hàng không dưới các hình thức khác nhau. Nhờ các khoản hỗ trợ này, nhiều hãng hàng không đã tránh được tình trạng phá sản nhưng khả năng tài chính vẫn bị ảnh hưởng rất nặng nề sau hơn 2 năm COVID-19. Các khoản nợ đã tăng từ 430 tỷ USD vào cuối năm 2019 lên 550 tỷ USD vào năm cuối năm 2020 và tiếp tục tăng lên 650 tỷ USD trong năm 2021, tạo ra áp lực tài chính rất lớn tới các hãng hàng không trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch.
Tại Việt Nam, theo ông Kiên, Vietnam Airlines hiện chính là công cụ đặc biệt của Nhà nước để quản lý và điều tiết ngành hàng không, theo đúng định hướng kinh tế Nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết thúc đẩy phát triển kinh tế; doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là công cụ của kinh tế Nhà nước.
“Trong giai đoạn tới, một trong các dự án trọng điểm quốc gia để nâng cao năng lực cạnh tranh cho Việt Nam chính là sân bay Long Thành. Nhà nước thông qua hoạt động đầu tư vào công trình trọng điểm quốc gia, sử dụng công cụ DNNN sẽ tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế, tạo ra môi trường kinh doanh ngành hàng không có tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, các hình thức sở hữu khác nhau” – ông Kiên nêu quan điểm.
Tuy nhiên, ông Kiên cho rằng yêu cầu đặt ra cho Vietnam Airlines là phải có đề án tái cơ cấu tổng thể và từng bước phát triển theo mô hình holding company, một bước nâng cấp lên từ mô hình tập đoàn, tổng công ty như hiện nay. Với mô hình mới này, các DNNN sẽ buộc phải nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong một môi trường có tính cạnh tranh cao và nhà nước sẽ thực hiện quyền của chủ sở hữu như các chủ sở hữu là tư nhân khác, thay vì áp dụng các chính sách tạo ra lợi thế dành riêng cho DNNN.
Nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cùng với hoạt động tái cơ cấu tổng thể, Vietnam Airlines cần chú trọng phát triển thêm ở 2 phân khúc để phục vụ các nhu cầu đa dạng của thị trường: Hàng không giá rẻ phục vụ cho các tuyến bay ngắn. Hàng không cao cấp tiếp cận đối tượng khách doanh thu cao, khách doanh nghiệp tại các điểm bán nước ngoài.