Giá bán USD của các ngân hàng thương mại lại liên tiếp giảm, hướng về vùng thấp nhất từ đầu năm…
Chiều 3/4, giá USD mua vào – bán ra trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại cùng giảm khá mạnh, nối tiếp hướng điều chỉnh có từ cuối tuần trước.
Cụ thể, gần cuối giờ chiều nay (3/4), giá USD bán ra niêm yết trực tuyến tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) chỉ còn 22.750 VND, giảm khoảng 80 VND so với mức phổ biến trong tuần trước.
So với một số thời điểm biến động từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã điều chỉnh khoảng 150 VND.
Có thể xem xu hướng giảm trên “tréo ngoe” với những tác động liên quan diễn ra gần đây, như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp tăng lãi suất cơ bản đồng USD, nhập siêu của Việt Nam trở lại ở mức khá cao với 1,9 tỷ USD trong quý 1 vừa qua, cũng như trước mắt đang ngược với dự báo của nhiều chuyên gia đưa ra đầu năm (tỷ giá chịu áp lực tăng trong năm nay).
Mặt khác, diễn biến trên cũng ngược với đà tăng của tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố. Như trong tuần qua, tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng thêm 20 VND, đưa mức tăng chung kể từ đầu năm lên 0,53%.
Dù phản ánh thời điểm và mang tính ngắn hạn, nhưng diễn biến ngược của tỷ giá USD/VND như trên trở nên đáng chú ý.
Theo lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước, mặc dù nền kinh tế nhập siêu trở lại khá cao, nhưng cung – cầu trên thị trường vẫn ổn định. Đây cũng là yếu tố quyết định đến diễn biến tỷ giá USD/VND hiện nay.
Bên cạnh đó, theo góc nhìn của vị lãnh đạo chuyên trách này, đầu năm nay thị trường quốc tế và thị trường trong nước đã phản ứng có phần hơi quá mức trước các tác động, nhất là với triển vọng đường đi lãi suất của FED và chính sách của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Đến nay, có thể thấy thị trường quốc tế cũng đã có điều chỉnh. Tỷ giá USD/VND cũng có phần điều chỉnh sau khi phản ứng hơi quá mức đầu năm nay”, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước lý giải.
Diễn biến của chỉ số USD-Index thời gian gần đây cũng phản ánh sự điều chỉnh trên. Đến cuối tuần qua, chỉ số này đã giảm khá mạnh với 1,82% so với đầu năm; thay vì xu hướng tăng khá mạnh 3,63% trong năm trước.
Trong nước, tỷ giá USD/VND tại thời điểm này vẫn tăng nhẹ so với đầu năm (như mức tăng khoảng 0,27% trên thị trường liên ngân hàng), nhưng là sự điều chỉnh đáng kể so với các lần biến động khá mạnh trung tuần tháng 2 và trung tuần tháng 3/2017 (từng áp sát mốc 22.900 VND).
Ở khía cạnh khác, đặt tỷ giá trong quan hệ với giá trị VND, trong quý đầu năm nay, một thay đổi lớn đã khẳng định: vốn đầu ra của các ngân hàng thuận lợi, tăng trưởng tín dụng mạnh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây, hiện tượng ứ vốn VND đã không còn để gây sức ép tới tỷ giá, thậm chí đến cuối tuần qua lượng vốn VND mà Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ cho hệ thống trên kênh cầm cố đã lên trên 30.000 tỷ đồng.
Cùng đó, lãi suất – một phản ánh giá trị của đồng tiền – cũng có xu hướng tăng lên có lợi cho VND. Điều này thể hiện cả ở trên thị trường huy động doanh nghiệp và dân cư, cũng như lãi suất VND trên liên ngân hàng.