“Điện đòi bù lỗ tỷ giá, ai sẽ bù lỗ cho doanh nghiệp?”

Các DN ngành điện bị lỗ do chênh lệch tỷ giá thì có quyền “đòi” bù lỗ vào giá điện, trong khi hàng triệu DN sản xuất, kinh doanh khác bị thiệt hại từ tỷ giá vẫn đang phải gồng mình chấp nhận để giữ chân khách hàng.

Các DN nhập khẩu, vay ngoại tệ từ nước ngoài để thực hiện các dự án đang phải chịu thiệt lớn từ việc điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, khác với nhiều DN sản xuất kinh doanh, ba ông lớn tham gia đầu tư vào ngành điện gồm: Điện lực, Than và Khoáng sản, Dầu khí đồng loạt kêu lỗ hàng nghìn tỷ.

Không dừng lại ở đó, một đại diện của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), trong cuộc họp gần đây với Bộ Công Thương đã kiến nghị xem xét phân bổ chênh lệch tỷ giá vào giá điện. Hai Tập đoàn Điện lực (EVN) và Tập đoàn Dầu khí (PVN) dù chưa “mạnh dạn” đưa ra kiến nghị, nhưng cũng “kêu” đang lỗ lớn với hàng nghìn tỷ.

Khi ông lớn kêu lỗ, Bộ thuận tình chia sẻ?

Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Công Thương, đại diện Bộ này cũng cho biết đang xem xét đề xuất bù lỗ tỷ giá vào giá điện của các DN sản xuất điện. Bày tỏ chia sẻ với ngành điện, vị này giải thích do các DN có hợp đồng vay vốn ngoại tệ để đầu tư và chi phí mua nguyên vật liệu, nên việc điều chỉnh tỷ giá đều bị ảnh hưởng.

Bởi vậy mà trước đề xuất của các ông lớn, Bộ chủ quản cho biết đã yêu cầu các đơn vị tính toán kỹ lưỡng lại tác động tỷ giá để báo cáo. Vị này còn thông tin thêm rằng, nếu trường hợp có chênh lệch lớn thì sẽ trao đổi với Bộ Tài chính để có hướng giải quyết cho các DN điện.

Với những đề xuất của các ông lớn ngành điện, cùng quan điểm mà vị lãnh đạo của Bộ Công Thương đưa ra, ai cũng hiểu giá điện trong thời gian tới có thể sẽ tăng để các DN điện bù lỗ tỷ giá. Tuy nhiên với thị trường và các hộ sử dụng điện, thì đây là một thông tin “khó nhằn”, khi DN và người tiêu dùng đang khó, sẽ càng khó khăn hơn nếu phải chi thêm tiền để gánh khoản lỗ của ngành điện.

Mỗi tháng phải chi ra từ 1,7 – 2 tỷ đồng tiền điện, đại diện Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà đón nhận thông tin này với tâm lý không mấy tích cực. Ông Đàm Quang Hùng – Phó Tổng giám đốc của Sơn Hà đồng tình với quan điểm khi DN bị lỗ từ chênh lệch tỷ giá, chịu thiệt hại thì phải phân bổ vào giá thành sản xuất.

Hàng triệu DN đang lỗ tỷ giá, ai sẽ bù lỗ?

Tuy nhiên, vấn đề mà đại diện DN này quan tâm nhất là hiệu quả đầu tư của ngành điện, chi phí sản xuất ra giá thành điện gồm các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối đưa đến người tiêu dùng đã hợp lý hay chưa? Đặc biệt là việc kiểm soát chi phí, công khai minh bạch và vấn đề đầu tư ngoài ngành và hiệu quả đầu tư của ngành điện vẫn chưa sáng tỏ.

Còn theo ông Lê Văn Long, chuyên gia cố vấn của Công ty Tân An Bình (chuyên cung cấp hệ thống Gas cho các khu đô thị, chiết nạp gas), chi phí cho điện chiếm tới 10% giá thành sản phẩm. Do đó, nếu điện tăng giá điện trong thời điểm này, DN sẽ không thể chịu nổi, do tình hình khó khăn nên vừa qua DN đã phải đóng cửa một số chi nhánh.

“Trong bối cảnh hiện nay nếu tăng giá điện cho sản xuất, đẩy giá thành tăng cao, tác động đến sản phẩm, thì làm cho giá cả hàng hóa tăng thì rất nguy hiểm. Bất luận DN nào hoạt động kinh doanh thì cũng phải tính các phương án, quản trị rủi ro để giảm lỗ hoặc hạn chế rủi ro” – Ông Phong nói.

Một DN bức xúc thì đặt câu hỏi: “Ngành điện bị lỗ do tỷ giá và đòi bù lỗ thì được xem xét và có hướng giải quyết. Còn với các DN như chúng tôi, cũng bị lỗ từ tỷ giá do phải nhập khẩu trang thiết bị cho sản xuất, thì ai sẽ bù lỗ, khi chúng tôi không thể tăng giá để giữ chân khách hàng?”.

Theo chia sẻ của nhiều DN, tính độc quyền của ngành điện và câu chuyện giá điện chỉ tăng mà không giảm đã làm cho DN bị mất niềm tin vào ngành điện. Do đó, nhiều DN cho rằng đã quen với điệp khúc lỗ đòi tăng giá của ngành điện, nên DN phải chấp nhận “sống chung với lũ” và chủ động ứng phó, để tiết giảm chi phí giá điện bằng việc đổi mới công nghệ.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin