Trong cơ cấu nợ, các khoản vay trung dài hạn với lãi suất ưu đãi vẫn chiếm phần lớn nên rủi ro lãi suất vẫn chỉ là thứ yếu sau rủi ro tỷ giá.
Động thái tăng tỷ giá VND/USD lên 1% của NHNN ngày 6/1 đã làm dư luận đổ dồn tìm hiểu mổ xẻ và bàn luận trên khắp thị trường tài chính. Đây là lần thứ hai điều chỉnh kể từ tháng 6 năm ngoái và có phần hơi bất ngờ với sự tuyên bố trước đó 2 tuần của NHNN, là tỷ giá sẽ được điều chỉnh tối đa 2% trong năm 2015.
Theo đó, lập tức tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng từ 21.246 đồng lên 21.458 đồng/USD và các ngân hàng thương mại điều chỉnh tỷ giá 21.450 đồng/USD mua vào – 21.510 đồng/USD bán ra (đến ngày 7/1).
Nhiều chuyên gia tài chính – ngân hàng lẫn NHNN điều khẳng định đây là quyết định đúng đắn mang tính định hướng và điều chỉnh theo xu thế. Cụ thể, đồng USD đang tăng giá trên toàn cầu với kỳ vọng Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ bắt đầu nâng lãi suất trong năm 2015. Đồng thời, Tết âm lịch sắp tới cũng là thời điểm nhu cầu USD tăng lên bởi các công ty cần thanh toán các hợp đồng xuất khẩu, nên động thái trên là cần thiết và hỗ trợ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Vậy, việc điều chỉnh tỷ giá trong thời điểm này chỉ có mặt lợi? Hay còn có ẩn chứa những rủi ro khác? Vàmột trong những rủi ro có phần gây tranh cãi:“Liệu tỷ giá tăng có ảnh hưởng nhiều đến áp lực trả nợ vay nước ngoài của Chỉnh phủ?
Rủi ro tỷ giá với nợ nước ngoài của Việt Nam
Trong nợ công của Việt Nam, nợ nước ngoài bằng ngoại tệ có tỷ lệ giảm từ 59,7% (2010) xuống còn 45,5% (2014), nhưng vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Việc theo dõi, giám sát chặt chẽ khoản nợ vay này sẽ giúp Việt Nam ứng phó kịp thời các rủi ro có thể xảy ra. Và việc vay bằng ngoại tệ phải được trả bằng ngoại tệ nên ảnh hưởng trực tiếp đến cung cầu ngoại tệ trên thị trường, làm giảm dự trữ ngoại hối quốc gia lẫn giảm sự can thiệp của NHNN đến thị trường ngoại hối.
Tuy nhiên, trong cơ cấu nợ, các khoản vay trung dài hạn với lãi suất ưu đãi vẫn chiếm phần lớn nên rủi ro lãi suất vẫn chỉ là thứ yếu sau rủi ro tỷ giá. Vì vậy, sự điều chỉnh của tỷ giá VND/USD sẽ tác động trực tiếp đến nợ công và quản lý nợ công, mà cụ thể ở phần nợ vay nước ngoài. Mặc dù vậy, đến thời điểm hiện tại, quyết định tăng tỷ giá và rủi ro tỷ giá đến nợ nước ngoài sẽ không đáng ngại, ở các lý do sau:
– Sự tăng giá của đồng USD trên toàn cầu và những kỳ vọng nâng lãi suất của FED đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự neo tỷ giá của NHNN Việt Nam. Nên quyết định nâng tỷ giá trước sau gì cũng phải thực hiện để phù hợp xu hướng thay đổi giá của đồng USD. Hơn nữa, lần điều chỉnh này cũng chỉ thay đổi 1% không thể gọi là sốc nếu so với lần thay đổi 9,3% tháng 2/2011 và lại trong biên độ tuyên bố từ NHNN. Nhưng một điều không thể phủ nhận, áp lực giảm giá do đồng USD lên giá và nhu cầu ngoại tệ trong nước đã vô tình gây áp lực lẫn tăng gánh nợ nước ngoài bằng USD trong thời điểm hiện tại.
– Cơ cấu dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay cơ bản là gắn liền với USD và đang phình to lên 36 tỷ USD. Khoản dự trữ này sẽ đảm bảo sự can thiệp và điều chỉnh thị trường ngoại hối ở ngắn hạn, trong đó có việc trả nợ vay nước ngoài. Đây là chỗ dựa và là niềm tin để bình ổn thị trường ngoại hối Việt Nam ở thời gian tới.
– Nợ nước ngoài bằng ngoại tệ phải được trả bằng ngoại tệ. Số dư nợ nước ngoài bao nhiêu không quan trọng, mà quan trọng là khả năng trả nợ của Việt Nam khi đến hạn. Và khả năng trả nợ lại phụ thuộc vào số ngoại tệ tích lũy kiếm đủ (hoặc dư) tính theo năm, chứ không phụ thuộc nhiều vào thời điểm tỷ giá tăng giảm trong năm đó.
Có thể tạm kết luận, trong hiện tại, quyết định tăng tỷ giá và rủi ro tỷ giá không gây ảnh hưởng nhiều đến áp lực trả nợ nước ngoài của Việt Nam. Mà khả năng trả nợ phụ thuộc vào Việt Nam có kiếm đủ ngoại tệ để trả các khoản nợ đến hạn trong thời gian tới. Số ngoại tệ kiếm được hay số ngoại tệ tích lũy = dòng ngoại tệ chảy vào nước Việt Nam – dòng ngoại tệ chảy ra.
Trong đó, dòng ngoại tệ chảy vào nước có xu hướng gia tăng và bền vững, chẳng hạn: (i) thu từ xuất khẩu hàng hóa – dịch vụ. Kinh tế Việt nam có dấu hiệu tốt khi vài năm liên tiếp xuất siêu, và tính đến hết năm 2014 cả nước xuất siêu 2 tỷ USD; (ii) thu nhập do người lao động đi làm việc ở nước ngoài chuyển về và thu từ các khoản cho nước ngoài vay hay đầu tư ra nước. Đây là một khoản ngoại tệ không hề nhỏ và giải quyết được nhiều vấn đề an sinh xã hội; (iii) thu từ kiều hối. Lượng kiều hối năm 2014 là hơn 12 tỷ USD, và là một nguồn lực tài chính quan trọng của Việt Nam mà không phải quốc gia nào cũng có được; (iv) vốn vay từ nước ngoài. Các khoản vay nước ngoài tăng ròng 16,9% lên 1,8 tỷ USD, nhờ tận dụng chi phí vay tại các thị trường quốc tế thấp hơn so với Việt Nam; (v) vốn đầu tư trực tiếp hay gián tiếp từ nước ngoài. Vốn đầu tư ròng trực tiếp từ nước ngoài cũng tăng 11,3% so với cùng kỳ, lên 3,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, dòng ngoại tệ chảy ra gồm: (i) chi cho nhập khẩu hàng hóa. Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong năm 2014 đạt 148 tỷ USD và cả năm Việt Nam xuất siêu được 2 tỷ USD, đây là tính hiệu khả quan của nền kinh tế Việt Nam; (ii) chuyển thu nhập của người nước ngoài về nước; (iii) các khoản cho nước ngoài vay hay đầu tư ra nước ngoài. Theo thống kê của Tổng cục thống kê, vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài giảm 12,2% so với cùng kỳ.
Nhìn phác thảo dòng ngoại tệ vào và dòng ngoại tệ ra có thể phần nào cho thấy Việt Nam đang theo đuổi chính sách gia tăng dòng tiền ngoại tệ vào và quản lý thận trọng dòng vốn này.
Vì vậy, khi đồng VND giảm giá sẽ có lợi cho xuất khẩu và sản xuất trong nước, đồng thời hạn chế một phần những khoản chi nhập khẩu không đáng có. Bên cạnh đó, sự giảm giá cũng phù hợp với bối cảnh USD tăng giá nhằm duy trì dòng ngoại tệ đổ vào Việt Nam. Chính điều này sẽ hạn chế được những rủi ro gặp phải khi quyết định điều chỉnh tỷ giá, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia, làm kinh tế tăng trưởng tốt hơn.
NCS. Châu Đình Linh