Hàng loạt streamer Hàn Quốc mất “cần câu cơm” khi nền tảng livestream đình đám Twitch chính thức ngừng hoạt động, do thua lỗ và chi phí vận hành đắt đỏ.
Vài tuần trước khi Twitch rút khỏi Hàn Quốc, các streamer của quốc gia này đã tổ chức những buổi phát sóng cuối cùng để tưởng nhớ nền tảng trên Animal Crossing, VRChat và Minecraft.
Một số người còn “tưởng niệm” nền tảng bằng cách mặc trang phục truyền thống màu đen, cúi đầu trước khung ảnh in logo Twitch. Ngay cả hashtag “đám tang của Twitch” cũng trở thành xu hướng hàng đầu trên X. Cùng lúc đó, các streamer lục tục phân tán sang các phần mềm khác như AfreecaTV, Chzzk – cạnh tranh nhau từng người dùng một để chiếm lấy vị trí của Twitch.
Ngừng cuộc chơi vì phí mạng Hàn Quốc quá đắt đỏ
Theo báo chí Hàn Quốc đưa tin, nền tảng thuộc sở hữu của Amazon đã chính thức ngừng hoạt động kinh doanh tại quốc gia này từ ngày 27/2, khiến các streamer phải vật lộn để chuyển người xem trung thành sang các nền tảng phát trực tiếp thay thế.
Trong một bài đăng trên blog vào tháng 12, thông báo về việc ngừng hoạt động, CEO Twitch Dan Clancy đã đổ lỗi cho phí mạng quá cao của Hàn Quốc. Ông nói rằng việc vận hành hoạt động ở xứ sở kim chi “đắt đỏ quá mức”.
Ở Hàn Quốc, Twitch sở hữu hơn 300.000 người xem mỗi ngày. Trong đó, các streamer hàng đầu của đất nước này thu hút hàng triệu người theo dõi. Đối với những streamer Hàn Quốc kiếm tiền bằng Twitch, sự ra đi của nền tảng này đã trở thành bài học đau đớn cho họ khi người sáng tạo nội dung phải bất lực khi những quy tắc nền tảng thay đổi.
Streamer nổi tiếng Twitch HAchubby đã rơi nước mắt sau khi biết rằng nền tảng này sẽ đóng cửa hoạt động ở Hàn Quốc và cô buộc phải chuyển sang YouTube. Ảnh: HAchubby. |
Mặc dù Twitch hứa hẹn sẽ hỗ trợ họ chuyển cộng đồng người xem sang nơi khác, trên thực tế công ty góp sức rất ít cho quá trình chuyển đổi. Tuy có rất nhiều lựa chọn khác thay thế Twitch, việc chuyển sang nền tảng khác là một quá trình phức tạp, tốn nhiều công sức. Đơn cử như phải tìm hiểu các quy tắc của một nền tảng mới mà không làm mất đi những người theo dõi hiện có, các streamer nói với Rest of World.
Nói với Rest of World, streamer chuyên biểu diễn chơi cello Elise Jang cho biết các website nội địa Hàn Quốc đã giúp nhà sáng tạo tham gia các nền tảng mới, trong khi Twitch lại “im thin thít”.
“Mặc dù họ không ngừng hoạt động ngay sau thông báo, toàn bộ quá trình vẫn có cảm giác rất gấp rút. Họ vô trách nhiệm và thiếu chuyên nghiệp khi không đưa ra giải pháp về mặt kỹ thuật, hoặc bất kỳ hỗ trợ nào khác cho quá trình chuyển đổi”, Jang nói.
“Tôi đã bị sa thải! Sự nghiệp của tôi, mọi thứ tôi kiếm được với vai trò là streamer – mọi thứ sẽ biến mất! Thậm chí, tất cả người xem của tôi đều là người nói tiếng Anh. Tôi chỉ có hai lựa chọn. Một là chuyển nền tảng hoặc hai là chuyển sang nước khác. Nhưng dù có chuyển sang nước khác thì tôi cũng cần phải tạo kênh mới và kiếm người xem mới”, cô gái bày tỏ bức xúc.
Streamer tyongeee gọi sự rời đi của Twitch là “sa thải” các streamer Hàn Quốc theo “cách của Mỹ” và cho rằng giải pháp chuyển sang nền tảng khác là không thể chấp nhận được.
Theo Rest of World, vấn đề của Twitch Hàn Quốc bắt nguồn từ quy tắc “nhà phát hành trả phí” do Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc ban hành vào năm 2016. Quy tắc này vốn nhằm giải quyết nhu cầu kết nối ngày càng tăng của dịch vụ truyền phát video và các dịch vụ sử dụng nhiều băng thông khác.
Việc rời bỏ Twitch là “tin tàn khốc” đối với tất cả streamer Hàn Quốc. Ảnh: Shutterstock. |
Quy tắc yêu cầu công ty phải trả phí cho các nhà mạng nhận lưu lượng truy cập mà họ gửi đi. Nó đánh thuế những người chiếm nhiều băng thông như Netflix và YouTube. Các trang web phát trực tiếp như Twitch cũng phải chịu với mức phí cao ngất ngưởng để đảm bảo độ trễ thấp – yếu tố rất quan trọng đối với nội dung phát trực tiếp.
Quy tắc “nhà phát hành trả phí” đã bị chỉ trích mạnh mẽ bởi những người ủng hộ tính trung lập trên Internet. Khi kêu gọi bãi bỏ quy tắc này sau sự ra đi của Twitch, Open Net Korea đã tuyên bố nó “phá vỡ hệ sinh thái nội dung trong nước” và “tàn phá Internet”.
Game thủ Hàn Quốc chật vật tìm nền tảng mới
“Vẻ đẹp của Internet nằm ở việc kết nối nhiều mạng lưới khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng khung pháp lý Hàn Quốc lại tạo ra một rào cản ngăn cản một số dịch vụ nhất định – trong trường hợp này là Twitch – không cho người dùng Hàn Quốc truy cập đầy đủ thế giới Internet”, Carl Gahnberg, giám đốc nghiên cứu và phát triển chính sách tại Hiệp hội Internet, nói với Rest of World.
Trong lúc đó, cộng đồng Twitch Hàn Quốc lại rẽ thành nhiều hướng khác nhau để chuyển sang các nền tảng phát trực tiếp khác. Nhiều nhà sáng tạo bắt đầu hoạt động trên AfreecaTV vốn đã phổ biến của Hàn Quốc.
Lợi thế của nền tảng là cho phép người dùng tích hợp tài khoản của họ với Twitch, chuyển người dùng trả phí hiện có của họ sang website mới. Ngoài ra, một số nhà sáng tạo khác đang chuyển sang Chzzk, một nền tảng mới ra mắt được “chống lưng” bởi gã khổng lồ công cụ tìm kiếm Hàn Quốc Naver.
Streamer ồ ạt chuyển sang các nền tảng khác. Ảnh: New York Times. |
Song, cả 2 trang web này chỉ hỗ trợ tiếng Hàn, gây bất lợi cho các streamer có nhiều người xem đến từ nước ngoài. Kay, một cosplayer và streamer có biệt danh atomicmunchkin, nói với Rest of World rằng Twitch chỉ giúp các streamer chuyển sang các nền tảng nội địa của Hàn Quốc. Đây vốn là những website người ngoại quốc không thể truy cập.
“Điều này đã khiến nhiều streamer rơi vào trạng thái bối rối và không thể thông báo cụ thể cho cộng đồng người theo dõi. Ngay cả với các streamer lớn, việc chuyển đổi nền tảng cũng khó khăn và không thể tránh khỏi mất mát. Đối với những streamer nhỏ hơn, nó có thể là dấu chấm hết”, Kay nói. Vì thế, Kay ưu tiên chuyển sang YouTube vì người xem của cô đã quen thuộc với trang này.
Song, đổi lại, nền tảng nước ngoài cũng có điểm đáng quan ngại. Nhưng đúng là họ có lý khi cảm thấy lo lắng với việc chuyển sang một nền tảng nước ngoài khác, nền tảng cuối cùng có thể rút khỏi Hàn Quốc vì chi phí vận hành cắt cổ.
“Twitch là một trong những nền tảng phát trực tiếp lớn nhất – nếu không muốn nói là lớn nhất – và là công ty con của một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới. Nếu họ phải vật lộn để tìm kiếm lợi nhuận ở thị trường Hàn Quốc do chi phí cao, thì làm sao các nền tảng nhỏ hơn không gặp vấn đề tương tự được”, chuyên gia Carl Gahnberg đặt câu hỏi.
Không chỉ Twitch, một số tên tuổi nước ngoài như Meta đã rút máy chủ của họ khỏi Hàn Quốc và hiện hoạt động ở các nước láng giềng vì chi phí vận hành Internet đắt đỏ. Điều này làm giảm chất lượng dịch vụ đối với người dùng Hàn Quốc.
“Điều này sẽ gây ra tình trạng cô lập văn hóa đối với các game thủ Hàn Quốc, vì phát trực tuyến đã trở thành một phần quan trọng trong thói quen chơi game. Tôi nghĩ việc không thể chia sẻ điều đó với những nơi khác trên thế giới nữa sẽ có ảnh hưởng rất lớn”, NashVGC, một streamer game Pokémon, nói với Rest of World.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.