Định hướng đặt ra trong chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021…
Ngày 22/8, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố dự thảo nghị quyết chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021. Định hướng điều hành chính sách tiền tệ được xác định các nội dung khá cụ thể.
Như định hướng và quan điểm đề ra những năm qua, dự thảo về chương trình hành động của Chính phủ 5 năm tới xác định tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
là quan điểm được nhấn mạnh, để phục vụ các mục tiêu phát triển.
Trong nhiệm kỳ trước, từ 2011-2016, Ngân hàng Nhà nước đã tạo được những thay đổi quan trọng trong điều hành lãi suất, cũng như thực tế trên thị trường. Đó là, cơ chế trần lãi suất huy động VND từng bước được gỡ bỏ, đặc biệt, đường cong lãi suất đã định hình hợp lý hơn.
Tuy nhiên, điểm cho đến nay chưa thực hiện được là gỡ bỏ hoàn toàn cơ chế trần lãi suất huy động VND, do vẫn đang áp đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng. Cùng đó, cơ chế trần lãi suất huy động 0%/năm đang áp đối với tiền gửi USD.
Với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã có thay đổi khác biệt từ đầu năm 2016. Tỷ giá trên thị trường vẫn xác định theo mốc tham chiếu, cùng cơ chế trần – sàn theo biên độ cho phép. Tuy nhiên, mốc tham chiếu đã được xác định theo tỷ giá trung tâm với cơ chế mới, thay đổi hàng ngày và được cho là phản ánh linh hoạt, sát thực hơn với diễn của kinh tế vĩ mô, với thị trường trong và ngoài nước…
Cùng với định hướng điều hành theo nguyên tắc thị trường, dự thảo chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 cũng nêu định hướng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay, đảm bảo vốn tín dụng cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.
Liên quan, trong dự thảo đề án kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 cũng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, mục tiêu đề ra là kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%/năm.
Ngoài những nội dung trên, dự thảo chương trình hành động của Chính phủ cũng nêu định hướng quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, vàng; tăng dự trữ ngoại hối; tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng.
Cùng đó, dự thảo xác định hướng hành động: tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém; thực hiện mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu; hoàn thiện đề án tái cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.