Dù là một tên tuổi tiêu biểu trong số những thương hiệu theo đuổi phong cách cà phê vỉa hè nhưng khi đứng cạnh các ông lớn như Highlands, The Coffee House, Trung Nguyên… thì doanh thu của Aha Cafe còn rất khiêm tốn.
Aha Cafe là thương hiệu cà phê quen thuộc tại Hà Nội, bên cạnh những ông lớn như The Coffee House, Highlands Coffee, Trung Nguyên, Starbucks… Tuy nhiên, không giống như The Coffee House, Cộng Cà phê, Phúc Long, Trung Nguyên… thông tin về doanh nghiệp và ông chủ đứng sau Aha Cafe khá ít ỏi.
Được biết, người sáng lập kiêm CEO của Aha Cafe là ông Nguyễn Mạnh Hà, nắm giữ 89% vốn điều lệ công ty. Ngay hồi năm nhất, năm hai đại học, ông Hà đã mua hạt cà phê về tự rang, xay rồi bỏ mối cho các cửa hàng để kiếm tiền đi học. Sản xuất dần đi vào bài bản và đến năm 1997 thương hiệu Aha Cafe xuất hiện trên sản phẩm.
Tuy nhiên, phải đến 2008, ông Hà mới chuyển từ sản xuất sang kinh doanh, bằng việc mở cửa hàng Aha Cafe đầu tiên tại Hà Nội. Thay vì thiết kế không gian cầu kỳ, Aha theo đuổi phong cách uống cà phê vỉa hè, khách chủ yếu ngồi ngoài hiên chứ không trong phòng kính có máy lạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hà bên hệ thống rang xay cà phê 10 năm trước và hiện tại
Ban đầu, founder Aha Cafe cho biết không có định hướng mở chuỗi hay nhượng quyền hàng loạt, mỗi năm chỉ mở thêm 1-2 cửa hàng với tiêu chí “chậm mà chắc”.
“Các chuỗi vẫn do tôi điều hành là chính, bên dưới là ekip của tôi, những người anh em đang làm việc cùng tôi. Tôi không franchise, không cổ phần rộng mặc dù có nhiều người cũng muốn franchise, muốn góp vốn. Tôi chỉ muốn làm việc nội bộ, ưu tiên ekip nhân sự của mình thôi. Tổng quản lý, quản lý từng cửa hàng, nhân viên sản xuất, nhân viên kho đều là người trong bộ máy của tôi.
Tôi cũng không ham mở quá rộng, quá nhiều mà muốn đi theo con đường chậm mà chắc. Một năm mở thêm 1 cái thì không sao, quan trọng là phải giữ được uy tín với khách hàng, và mình phải kiểm soát được mọi vấn đề của mình“, ông Hà từng chia sẻ.
Vậy là giai đoạn từ 2008 đến 2017, Aha Cafe chỉ mở thêm 10 địa điểm, nâng tổng số cửa hàng lên 11. Trong đó, đã có một vài cửa hàng hoạt động theo mô hình nhượng quyền nhưng chưa nhiều.
Cũng vào năm 2017, việc một nhà đầu tư chiến lược trả lại cùng lúc 6 cửa hàng Aha Cafe tại các vị trí “vàng” khiến thương hiệu này chịu cú sốc không hề nhẹ. Khi ấy, Aha đã thắt chặt chính sách nhượng quyền hơn và tuyên bố không nhượng quyền. Đáng nói, cổ đông rút vốn sau đó đã mở thương hiệu cà phê riêng là Kafa, với phong cách tương tự, nếu không muốn nói là giống hệt.
Dẫu vậy, đến 2018, số lượng cửa hàng Aha vẫn tiếp tục tăng lên 21, trong đó 19 chi nhánh tại Hà Nội, 2 tại Tp.HCM. Con số này tiếp tục tăng lên 60 vào một năm sau đó. Tính đến đầu năm 2020, hệ thống cửa hàng của Aha đã có hơn 76 cửa hàng ở Hà Nội, Tp. HCM và một số tỉnh thành khác.
Theo con số tổng hợp vào hồi 2019, chi phí nhượng quyền Aha Cafe khoảng 225-320 triệu đồng/5 năm, chưa kể chi phí đầu tư ban đầu dao động từ 1,6-2,2 tỷ đồng.
Tuy là tên tuổi nổi bật của phong cách cà phê vỉa hè nhưng khi đặt cạnh các ông lớn như Highlands Coffee, The Coffee House… doanh thu và lợi nhuận của Aha Cafe còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, công ty vận hành thương hiệu nhượng quyền của CEO Nguyễn Mạnh Hà cũng lỗ triền miên từ 2016 đến 2018.
Nguồn: VIRAC, Vietnambiz