Quả là một trải nghiệm thú vị tự mình tìm ra những dụng ý, còn không cũng chẳng sao, thưởng thức một kiệt tác văn chương như tập truyện của Isak Dinesen vẫn là một điều tuyệt diệu.
Nói đến văn chương, hẳn ai cũng đồng ý rằng câu chuyện và câu chữ nhìn chung là hai thứ cơ bản làm nên mỗi tác phẩm, dẫu rằng yếu tố thứ nhất không phải lúc nào cũng hiện hữu rõ nét.
Câu chuyện và câu chữ trong “Bảy chuyện kể Gothic”
Và khi đã đọc đủ nhiều, mỗi độc giả đều cảm nhận rằng với văn chương, dường như câu chữ mới là thứ làm nên hồn cốt, sức hấp dẫn, sức sống và độ lâu dài cho sự tồn tại của một tác phẩm, vì cùng một cốt truyện có thể được rất nhiều tác giả sử dụng đi sử dụng lại, song chất văn chương của những tác phẩm ấy lại rất khác nhau, tùy thuộc vào tài làm ảo thuật với câu từ của từng tác giả.
Suy nghĩ này rất dễ nảy ra trong tâm trí độc giả khi đưa mắt theo từng dòng chữ của Bảy chuyện kể Gothic, một tập truyện vừa đóng vai trò quan trọng để tạo dựng chỗ đứng trên văn đàn thế giới cho tác giả của nó, nữ văn sĩ Karen Dinesen, người sử dụng bút danh Isak Dinesen khi xuất bản tác phẩm này.
Gothic là một tính từ rất gợi hình ảnh và tạo cảm xúc trong tâm trí người ta nếu xét về nội hàm của nó được sử dụng để chỉ phong cách văn chương. Từ Ann Radcliffe, E.A. Pole cho tới Lovecraft, Dumas hay Doyle, rất nhiều tác giả nổi tiếng của văn chương phương Tây đã viết các tác phẩm mang phong cách gothic, với đặc điểm chung là tạo cho người đọc một tâm lý hồi hộp, ám ảnh một khi đã bị cuốn vào mạch chuyện.
Bảy câu chuyện được Isak Dinesen thuật lại đều vắng bóng yếu tố siêu nhiên, đều có bối cảnh rất đời thường, tình cờ, như thể độc giả nếu tản bộ trên một con phố hoàn toàn có khả năng nhìn thấy một trong các nhân vật của các câu chuyện này đang ngồi ở một góc nào đó khi đưa mắt lơ đãng nhìn quanh mình một vòng.
Rất có thể đây là điều khiến độc giả vô thức lập tức bị nhập tâm vào mạch truyện và cuốn theo từng dòng chữ lúc nào không biết.
Dẫn lối vào không gian nhiều tầng lớp
Điểm tạo ấn tượng rõ rệt nhất trong những tác phẩm hợp thành Bảy chuyện kể Gothic là tạo dựng bằng câu từ một không gian nhiều tầng lớp bao trùm lên nhau, với những lớp truyện mới đột ngột mở ra giữa dòng tường thuật của lớp truyện cũ rồi lại chìm nghỉm vào dòng truyện cũ hay bị một dòng tường thuật mới cắt ngang, khiến cho độc giả có cảm giác như đang lạc bước giữa đêm trong một tòa lâu đài tối tăm, xa lạ, nơi mỗi bước chân đều có thể dẫn ta tới một bất ngờ đang rình rập sẵn.
Sách mới phát hành tiếng Việt kèm tranh minh họa màu. |
Đặt toàn bộ bối cảnh các câu chuyện vào thế kỷ 19, Isak Dinesen đã dụng công để tạo dựng cho mỗi câu chuyện, kể cả các dòng tường thuật khác nhau đan xen trong mỗi câu chuyện đó, sự sống động và không khí thời đại nhuần nhuyễn, một phông nền lý tưởng để tác động lên tâm lý độc giả phát huy hết hiệu quả tác giả mong muốn.
Sự tỉ mỉ trong lựa chọn câu chữ, chi tiết cho các đoạn mô tả, độc thoại nội tâm nhân vật và các câu hội thoại của tác giả chính là thứ tạo nên sức hút, tính hấp dẫn nội tại của từng câu chuyện. Ngay cả văn phong của bà cũng rất gần gũi với văn phong của các tác giả thời thế kỷ 19, và bởi thế có phần trúc trắc, khó theo dõi với các độc giả Việt Nam chưa quen với dòng văn học này.
Song đó chỉ là một khó khăn thoáng qua mà một chút kiên trì sẽ nhanh chóng giúp độc giả vượt qua được để tận hưởng cảm thụ văn chương, một thứ cảm xúc khó có thể mô tả thành lời nhưng bất cứ độc giả yêu thích văn học nào cũng đều từng trải qua và ưa thích.
Lựa chọn hình thức thể hiện cũng là một quyết định sáng suốt đắt giá của tác giả. Những tác phẩm của Bảy chuyện kể Gothic vượt khá xa khuôn khổ của truyện ngắn, có thể tạm gọi là đoản thiên tiểu thuyết cũng không sai.
Thời lượng của chúng đều được thiết kế rất vừa vặn cho một màn mào đầu tạo dựng không khí cho câu chuyện, thường là nơi tác giả cho ra mắt các nhân vật chính và/hoặc người kể chuyện cùng một bối cảnh đủ gợi trí tò mò và tạo nên “khai vị cảm xúc” cho độc giả. Những câu chuyện bí mật xen lẫn hồi tưởng với thực tại không ngừng đan xen nhau cho tới khi dừng lại, thường ở chính không gian của màn mào đầu, như một vòng khép kín của một vũ trụ nhỏ.
Những độc giả chưa quen với loại đoản thiên tiểu thuyết có cấu trúc vòng kín như thế có lẽ sẽ cảm thấy hẫng ở cuối mỗi câu chuyện, nhưng cũng vì vậy mà có cảm giác câu chuyện vừa đọc dường như vừa diễn ra đâu đây quanh mình, trong không gian thực của cuộc sống, với những dư âm còn chưa dứt tiếng ngân, chứ không phải nằm yên trên trang sách.
Isak Dinesen đã có dụng ý rõ ràng khi nhắc tới từ Gothic trong tên của tập truyện. Trong mỗi câu chuyện đều có những tình tiết, những bí mật không những tác động sâu sắc lên cảm xúc độc giả, mà còn tạo ra dư địa để người đọc tự mường tượng ra những gì nằm sâu phần tối chưa được vén hết màn qua các dòng chữ, những nét chấm phá bằng câu từ cũng giống như những nét cọ tinh tế ẩn chứa các thông điệp ngầm trong tác phẩm của các danh họa tạo nên.
Chính những gợi mở từ mỗi câu chuyện này sẽ tạo nên ở độc giả ấn tượng lâu dài, như cái lọ đựng thuốc muối của chàng bá tước Augustus trong Những con đường vòng quanh Pisa hay cái sọ người mà ông nam tước von Brackel nhắc đến trong Lão Hiệp sĩ.
Nhiều nhà phê bình, nghiên cứu văn học còn tìm thấy ở Bảy chuyện kể Gothic nhiều dụng ý khác nhau của tác giả, trong đó có cả việc bố trí thứ tự bảy câu chuyện như một chỉnh thể thống nhất. Quả là một trải nghiệm thú vị hiếm có nếu độc giả có thể tự mình tìm ra những dụng ý này, còn không thì cũng chẳng sao, trải nghiệm một kiệt tác văn chương như tập truyện của Isak Dinesen vẫn sẽ là một điều tuyệt diệu.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.