‘Dirty Money’ cho thấy hệ lụy từ tội phạm tài chính

Theo một cuốn sách mới, lực lượng cảnh sát Canada đã bỏ qua nhiều thông tin về nguy cơ tội phạm tài chính do cơ quan tình báo tài chính liên bang nước này FINTRAC đưa ra.

Theo các tác giả cuốn sách “Dirty Money: Financial Crime in Canada”, một “thế giới ngầm tội phạm tài chính” quy mô lớn đang hoạt động ở Canada. Trong đó, nhiều loại tội phạm đang hoạt động nhưng chưa bị trừng phạt. Và tình trạng này làm xói mòn đời sống cộng đồng, phá hoại thể chế dân chủ và thậm chí cả sự thịnh vượng của đất nước.

Jamie Ferrill và Christian Leuprecht, hai biên tập viên của Dirty Money, cho biết: “Canada là một nơi được tội phạm nhắm tới khi chúng muốn rửa tiền và tránh bị trừng phạt”.

toi pham tai chinh anh 1

Cuốn sách ra mắt tháng 9/2023. Ảnh: Amazon.

Ông Leuprecht là Giáo sư tại Đại học Queen và cũng là một chuyên gia bảo mật. Ferrill là một nhà xã hội học chính trị người Canada, từng làm việc 8 năm tại Cơ quan Dịch vụ Biên giới Canada trước khi trở thành giảng viên về tội phạm tài chính tại Trường Chính sách và An ninh thuộc Đại học Charles Sturt ở Canberra, Australia.

Cuốn sách dài 417 trang được Nhà xuất bản Đại học McGill-Queen ra mắt. Đây là một nỗ lực chưa từng có của một nhóm các nhà điều tra tội phạm tài chính, tình báo, luật sư và chuyên gia về tài chính hàng đầu của Canada.

Đi sâu vào hoạt động ngầm của tội phạm tài chính

Cuốn sách giải thích rõ về hoạt động rửa tiền, ngân hàng ngầm, các nhóm tội phạm có tổ chức, những nỗ lực chống rửa tiền cũng như các hoạt động tình báo tài chính.

Trong chương viết về hoạt động bí ẩn của Trung tâm Phân tích Báo cáo và Giao dịch Tài chính Canada (FINTRAC), nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Katarzyna McNaughton tại Trường Quân sự Hoàng gia Canada ở Kingston, Ontario, tiết lộ rằng FINTRAC đã cung cấp một lượng lớn thông tin về nhiều dạng tội phạm tài chính tiềm ẩn cho các cơ quan cảnh sát.

Tuy nhiên, các thông tin này thường không được sử dụng vì các nhà điều tra đã quá tải với hàng núi vụ án của chính họ. Một văn bản từ lực lượng cảnh sát quốc gia Canada (RCMP) hồi đầu năm nay cũng đề cập thông tin tương tự.

Một chương khác đi sâu vào cách các tổ chức tội phạm sử dụng các sòng bạc và bất động sản để hỗ trợ các hoạt động bất hợp pháp và rửa tiền bẩn vào nền kinh tế sạch.

Hai chương tiếp theo tìm ra bản chất xảo quyệt của hoạt động “rửa tiền thương mại” – các tổ chức tội phạm sử dụng các hoạt động kinh doanh hợp pháp để che giấu hoạt động rửa tiền. Theo Dirty Money, lợi nhuận từ các hoạt động tội phạm này đang được lưu thông khắp Canada, ước tính từ 46,7-54 tỷ USD mỗi năm, đồng thời có hơn 2.000 nhóm tội phạm có tổ chức trên khắp Canada có liên quan.

toi pham tai chinh anh 2

Các hoạt động rửa tiền gây thiệt hại lớn cho người dân. Ảnh minh hoạ: Global News CA.

Ông Denis Meunier, cựu phó giám đốc FINTRAC, hiện là tư vấn chống rửa tiền, viết: “Số tiền tương đương với quy mô GDP của Nova Scotia (một tỉnh của Canada) vào năm 2018”.

Cuốn sách cũng dành một chương về hoạt động rửa tiền điện tử và một chương khác về tình trạng quản lý và thực thi an ninh chống rửa tiền.

Bà Sanaa Ahmed, Giáo sự tại Đại học Calgary, cũng giải thích lý do Canada, mặc dù có các quy định mạnh mẽ về chống rửa tiền, lại có kết quả kém như vậy trong việc thực thi. Theo đó, Canada thiếu cam kết rõ ràng về chống rửa tiền, liên tục không thực hiện được mục tiêu do mắc sai lầm, thay đổi ưu tiên và thiếu hụt nguồn lực.

Nâng cao nhận thức và thúc đẩy cải cách

Với nhiều kinh nghiệm về tài chính và bảo mật, các chuyên gia viết trong cuốn sách: “Nhiều cuộc điều tra không đi đến đâu đã cho thấy luật pháp còn yếu và cơ chế thực thi có nguồn lực rất hạn chế. Khả năng bắt giữ gần như bằng không, việc tịch thu tài sản dân sự và hình sự rất yếu và hình phạt là không đáng kể”.

Các chuyên gia cũng đã tỉ mỉ thu thập mọi dữ liệu về tình hình hoạt động của tội phạm tài chính tại Canada, hy vọng việc người dân tiếp xúc, hiểu và thảo luận về vấn đề này sẽ nâng cao nhận thức chung và thúc đẩy cải cách.

Hai nhà biên tập Leuprecht và Ferrill đều cho rằng cần phải hành động ngay vì tình hình hiện tại không mấy khả quan. Trong khi toàn cầu hóa đang trở thành tác nhân thúc đẩy tội phạm tài chính thì các nhà chức trách ở Canada “đang gặp khó khăn dù là các hành động nhỏ nhất”, chưa kể đến việc tham gia phối hợp các cuộc điều tra tội phạm xuyên quốc gia.

“Tiền bẩn làm tăng chi phí nhà ở, làm trầm trọng thêm bạo lực băng đảng và các vụ xả súng liên quan. Tiền bẩn cũng đứng đằng sau việc buôn bán thuốc phiện tổng hợp, tạo điều kiện cho nạn buôn người và các hình thức bóc lột thô bạo khác, cũng như có liên quan đến việc tài trợ cho các lực lượng bất hảo”, cuốn sách nêu rõ.

Một vấn đề lớn trong các hoạt động tội phạm tài chính là lừa đảo. “Lừa đảo tài chính khiến người cao tuổi mất tiền tiết kiệm khi nghỉ hưu và các mã độc tống tiền khiến nhiều công ty thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm. Do chịu thiệt hại từ loại tội phạm này và phải chi tiền để chống lại chúng cũng khiến người dân phải gánh chịu thêm nhiều khoản chi phí: giá cả hàng hoá cao hơn, thuế và phí bảo hiểm tăng cao”, trích nội dung cuốn sách.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Nguồn ‘dầu mỏ’ mới đang thay đổi thế giới

Trang The Daily Star đã so sánh vi mạch, tâm điểm trong cuốn “Chip War” của tác giả Chris Miller, là nguồn tài nguyên “dầu mỏ” mới của thế kỷ này.

Tranh cãi về việc coi tài chính là sản xuất

Theo các lý thuyết xem ngành tài chính là sản xuất, việc mở rộng không ngừng của nó không gây hại cho nền kinh tế.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin