Đo sức đề kháng của tiền đồng

Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, đồng CNY theo đó sẽ tiếp tục suy yếu…

Tiền đồng một lần nữa lại cho thấy sự nhạy cảm của mình, nhất là trong bối cảnh thế giới ngày càng có những biến động khó lường.

Biến động cặp tỷ giá VND và CNY

Theo cập nhật từ thị trường, tính riêng trong tháng 5/2019, đồng Nhân dân tệ (CNY) đã giảm giá khoảng 3% và là đồng tiền giảm giá mạnh nhất khu vực Châu Á.

Tuy nhiên, không phải đến bây giờ CNY mới có xu hướng giảm. Từ tháng 5/2018, khi căng thẳng quan hệ thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc lên cao, CNY đã bắt đầu bước vào chuỗi giảm giá liên tục.

Đỉnh điểm nối tiếp từ 7/6/2018, khi Mỹ chính thức đánh thuế đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, đồng CNY theo đó cũng giảm mạnh.

Đến ngày 13/7/2018, tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố đã ở mức 6.693 CNY/USD; so với mức tỷ giá ngày 7/6/2018 (thời điểm bắt đầu áp thuế) là 6.388 CNY/USD, tức giảm tới 4,8%.

Diễn biến tỷ giá USD/CNY và USD/VND

Còn về VND, thông thường, sự giảm giá CNY vẫn hay đi liền với sự giảm giá VND. Thế nhưng, không phải nhịp điều chỉnh giảm nào của CNY cũng song hành với đà giảm của VND.

Trong 4 tháng đầu năm 2019, VND đều có sự ổn định tương đối. Trong khi đó, CNY lại liên tục phá giá với USD, điều này đồng nghĩa việc VND lên giá so với CNY.

Thực tế cho thấy, cách đây hơn một tháng, 1 CNY đổi được 3.466 VND nhưng đến nay tỷ lệ này là 3.387 VND, tương đương CNY xuống 2,3% so với VND và VND tăng giá mạnh so với CNY.

Điều đáng nói, trong vòng 1 năm gần đây, khi đồng CNY giảm giá rất mạnh so với USD và các đồng tiền chủ chốt, đã có không có một nghiên cứu, đánh giá tác động nào được công bố từ phía cơ quan quản lý cũng như giới nghiên cứu nhìn từ hoạt động doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu cũng như các kịch bản ứng phó.

Hỗ trợ doanh nghiệp tránh “cú sốc” tỷ giá?

CNY liên tục giảm và VND tăng giá, một điều chắc chắn là cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc vốn đã thiên lệch về Trung Quốc từ nhiều năm nay sẽ tiếp tục nới rộng. Khi VND tăng giá thì chắc chắn là hàng hóa Trung Quốc vào Việt Nam sẽ rẻ hơn và có lợi cho những nhà nhập khẩu. Ngược lại, sẽ rất bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi đồng CNY là một trong 8 loại tiền tệ được tính trong tỷ giá trung tâm của Việt Nam.

“CNY mất giá, hàng hóa của Trung Quốc trở nên rẻ hơn, cạnh tranh tốt hơn với hàng hóa do Việt Nam sản xuất. Rất nhiều doanh nghiệp của chúng ta sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn do không cạnh tranh nổi với Trung Quốc”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, sau 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc tới 11,9 tỷ USD, tăng mạnh tới 53,8% so với cùng kỳ.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát lại cho rằng tác động dây chuyền của tỷ giá mới là điều phải bàn.

Mức tăng 0,4% của tỷ giá USD/VND trong vòng 1 tháng qua, theo ông Hưng không ảnh hưởng quá nhiều tới Hưng Thịnh Phát. “Nhưng điều tôi lo ngại là tác động gián tiếp của việc điều chỉnh tỷ giá lần này”, ông Hưng cho hay.

Vị này phân tích, sau những đợt tăng giá liên tục của mặt hàng xăng dầu, “cú bồi” tỷ giá càng khiến đà tăng giá của mặt hàng này mạnh hơn. “Với những đợt tăng giá điện, xăng dầu liên tiếp, chi phí đầu vào đã bị đẩy lên mức cao hơn trong khi đầu ra rất khó tăng. Do đó, doanh nghiệp phải đối mặt với bài toán cân đối chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Hưng nhấn mạnh.

Vì vậy, ông Hưng đề xuất trong bối cảnh này, điều hành chính sách tỷ giá cần thận trọng, tránh giật cục để không tạo ra những cú sốc về tỷ giá cho doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi hầu hết các doanh nghiệp này đều chưa có “vũ khí” để bảo vệ mình.

“Chúng ta có Quỹ Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn với lãi suất thấp. Tại sao chúng ta lại không nghĩ đến việc hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo tránh những cú sốc tỷ giá”, ông Hưng nêu kiến nghị.

Và lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước…

Với loạt yếu tố mới xuất hiện trong cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất lịch sử, Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, đồng CNY theo đó sẽ tiếp tục suy yếu.

Nhiều khả năng trong vòng 30 ngày tới đây, đồng CNY có thể bị đẩy xuống mức 7 CNY/USD. Vượt qua vùng kháng cự này, diễn biến trên thị trường tiền tệ sẽ rất khó nói, sẽ có những tác động mạnh tới nền kinh tế.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu

Và do đó, từ giờ tới cuối năm, tiền đồng có thể mất giá trên 2% sau khi VND đã giảm khoảng 0,8% kể từ đầu năm tới nay. “Điều này có nghĩa rằng VND sẽ mất giá khoảng 3% trong năm nay. Nhưng theo tôi, không loại trừ khả năng VND còn mất giá nhiều hơn mức này, đưa tỷ giá tiến tới ngưỡng kháng cự 24.000 VND đổi 1 USD”, ông Hiếu phân tích.

Trong một tuyên bố mới đây, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho hay, qua theo dõi của Ngân hàng Nhà nước, thanh khoản thị trường vẫn ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ tổng thể về cơ bản vẫn tương đối thuận lợi.

“Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với tỷ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Hà khẳng định.

Nửa cuối 2019 sẽ là giai đoạn đầy áp lực với điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước khi mà tỷ giá còn liên quan tới hàng loạt biến số vĩ mô khác như nợ công, xuất nhập khẩu…

“Song nguyên tắc linh hoạt, bám sát thị trường vẫn phải là nguyên tắc hàng đầu trong bối cảnh hiện nay”, ông Hiếu khẳng định.

Trong bối cảnh xáo trộn, tiền tệ có nhiều diễn biến phức tạp và khó lường, thời gian tới sẽ là phép thử để đo sức đề kháng của tiền đồng.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin