Khó khăn do nhu cầu suy yếu, tồn kho, mặt bằng cao gây áp lực đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ, toàn ngành trông chờ sức cầu hồi phục vào cuối năm
Doanh nghiệp đuối sức, bỏ dở mục tiêu
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn, “ông lớn” trong ngành điện máy – Thế giới di động vừa cho biết, sẽ tích cực tái cấu trúc trong quý IV để tối ưu chi phí, trong đó có thể đóng cửa thêm 200 cửa hàng không hiệu quả. “Đây là những cửa hàng không hiệu quả về doanh thu và lợi nhuận. Chúng tôi sẽ theo dõi sát sao kết quả để điều chỉnh phù hợp tại từng thời điểm”, bản công bố thông tin của Thế giới di động viết.
Được biết, công ty này hiện có hơn 5.600 cửa hàng, gồm 1.158 cửa hàng Thế giới di động, 2.281 cửa hàng Điện máy xanh, hơn 1.700 siêu thị Bách hóa xanh và 540 nhà thuốc An Khang.
Ý định đóng bớt cửa hàng Thế giới di động và Điện máy xanh kém hiệu quả cũng từng được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đề cập trong cuộc họp với nhà đầu tư gần đây. Với tình trạng sức mua thị trường yếu và còn kéo dài, công ty cho rằng không thể duy trì những bộ phận kém hiệu quả.
“Thực tế trong thời gian qua, nhiều cửa hàng đã không đem tiền về cho công ty, khác hẳn so với hiệu suất hoạt động trước đó”, ông Tài cho biết. Tuy nhiên, ông khẳng định, việc đóng bớt cửa hàng sẽ không ảnh hưởng đến doanh thu, mà chỉ “chuyển từ cửa hàng này sang cửa hàng khá”. Thêm vào đó, chi phí mặt bằng, nhân viên, điện nước được cắt giảm, giúp công ty cải thiện lợi nhuận.
Điều này, theo ông Tài, có cơ sở bởi mạng lưới điểm bán của Thế giới di động rất dày, hai cửa hàng đôi khi chỉ cách nhau vài trăm mét. Thế giới di động chỉ muốn giữ lại những bộ phận đem lại hiệu quả để dồn lực nhiều hơn. “Những bộ phận đang ‘ăn bám’ sẽ bị đá khỏi công ty”, ông Tài nói.
Không chỉ ngành bán lẻ , ngành hàng F&B cũng sụt giảm mạnh trong thời gian qua. Theo kết quả khảo sát các doanh nghiệp ngành hàng F&B hồi tháng 9/2023 của Vietnam Report, từ năm 2022 đến 2023, có đến 33,3% doanh nghiệp ngành này giảm doanh thu, 41,7% doanh nghiệp giảm lợi nhuận. Còn theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen IQ, khoảng 84% ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) đã tăng giá trong 8 tháng đầu năm nay khiến doanh thu của ngành này liên tục giảm.
Ông Dzũng Nguyễn, Giám đốc cấp cao đo lường thị trường bán lẻ Nielsen IQ, nhận định, hầu hết mặt hàng đều bị giảm sản lượng tiêu thụ trong 8 tháng đầu năm nay. Trong 26.214 thương hiệu ở Việt Nam được công ty nghiên cứu thị trường này theo dõi, có đến 60% đang trên đà suy giảm khi tăng giá bán và đánh mất sản lượng.
Giới phân tích cũng cho rằng, kinh tế khó khăn, doanh thu tại các cửa hàng giảm trong khi doanh nghiệp phải chi nhiều hơn cho khuyến mãi, giảm giá và các ưu đãi khác khiến biên lợi nhuận tại các cửa hàng giảm so với trước.
“Thay vì đầu tư cho mặt bằng đắc địa và dành phần lớn lợi nhuận trả chi phí mặt bằng, doanh nghiệp chọn rút lui, chuyển hướng về các khu vực xa trung tâm hoặc đầu tư cho bán hàng trực tuyến” – ông Trần Lệ Nguyên, CEO Công ty CP Tập đoàn Kido, nói.
Trong khi đó, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang cho rằng, sức mua giảm sâu, thương mại điện tử phát triển “nóng” khiến đại đa số người tiêu dùng chọn mua sắm online thay vì trực tiếp đến cửa hàng và khủng hoảng thừa ở một số lĩnh vực khiến nhiều cửa hàng không còn hiệu quả, buộc phải đóng cửa.
Theo báo cáo mới cập nhật của VNDirect, tính chung 10 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.105 nghìn tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 10 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 7% so với cùng kỳ.
Kỳ vọng vào sức cầu cuối năm
Nhận định riêng ngành bán lẻ, VNDirect đánh giá, thời điểm ảm đạm đã qua trong nửa đầu năm nay, đang hướng tới giai đoạn phục hồi với nhiều dấu hiệu tích cực. Sau khi chạm đáy từ giai đoạn tiêu thụ yếu, VNDirect cho rằng, các công ty phân phối và bán lẻ điện tử tiêu dùng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ròng mạnh nhất kể từ quý IV trở đi nhờ triển vọng phục hồi vẫn tương đối lạc quan. Lạm phát ổn định và mặt bằng lãi suất thấp đủ lâu có thể sẽ kích thích nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng vào mùa cao điểm cuối năm.
Trong một báo cáo mới đây, chứng khoán DSC cũng cho rằng, những yếu tố xấu nhất của ngành bán lẻ đã qua đi, dự báo thời điểm cuối quý III sẽ là điểm rơi thích hợp cho các doanh nghiệp bán lẻ bứt phá sau khi có đủ thời gian thẩm thấu các chính sách. Bên cạnh đó, giai đoạn nhiều người mạnh tay chi tiêu hơn vào cuối năm được kỳ vọng sẽ giúp hoạt động mua sắm, bán lẻ ấm dần trở lại.
Khảo sát mới đây của VCCI cũng chỉ ra điểm nghẽn của doanh nghiệp. Hầu hết doanh nghiệp được khảo sát đều cho rằng, mức tiêu thụ giảm sút mạnh ở thị trường các doanh nghiệp đang kinh doanh. Do đó, việc tăng trưởng tiêu dùng khi vào mùa mua sắm cuối năm sẽ là trụ đỡ cho nền kinh tế trong năm nay.
Ông Phùng Thế Vinh – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo, thành viên Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, mùa cuối năm là mùa vàng mua sắm lớn nhất trong năm của tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam và Kangaroo. Do đó, “chúng tôi đã quyết định dùng nguồn ngân sách dành cho chi phí khuyến mại lớn nhất trong năm cho mùa vàng cuối năm để đồng hành cùng các địa phương, đối tác trong bán hàng, đưa ra các model sản phẩm bán không lợi nhuận để kích cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, xây dựng và phát triển các sản phẩm đặc thù, phù hợp, đặc biệt là ở phân khúc trung và phổ thông. Cuối cùng, chuẩn bị hàng hoá và kênh phân phối trải khắp để dành cho mùa tiêu dùng cuối năm”, ông Vinh cho hay.