Doanh nghiệp đua nhau phát hành ESOP

Từ đầu 2015, khá nhiều doanh nghiệp đã phát hành và lên kế hoạch phát hành cổ phiếu ESOP. Liệu đây có trở thành một trào lưu của doanh nghiệp niêm yết năm nay?

TIN MỚI

Từ đầu năm 2015, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chương trình phát hành cổ phiếu ESOP như HPG, SSI, KDH.

Mùa Đại hội đồng cổ đông sắp tới cũng đã hé lộ nhiều doanh nghiệp lên kế hoạch cho việc phát hành ESOP. Liệu ngoài cuộc đua tăng vốn, phát hành ESOP có trở thành một trào lưu đối với doanh nghiệp niêm yết năm nay?

doanh nghiep dua nhau phat hanh esop

 Các doanh nghiệp phát hành ESOP trong những tháng đầu 2015

Giới đầu tư đã quá quen với khái niệm ESOP – Employee Stock Ownership Plan, tức kế hoạch thực hiện quyền sở hữu cổ phần cho nhân viên công ty.

Đây được xem là một trong những cách để doanh nghiệp khuyến khích người lao động làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chương trình ESOP ưu đãi quá mức lại gây những thiệt hại cho cổ đông.

Tiêu biểu là kế hoạch phát hành ESOP của CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) vấp phải khá nhiều ý kiến trong đại hội cổ đông vừa qua.

Trong Đại hội, HĐQT MWG đã trình lên cổ đông thông qua 2 đợt phát hành cổ phiếu. Cụ thể, công ty dự kiến phát hành thêm 27,9 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 4:1 và phát hành cổ phiếu ESOP cho ban điều hành và cán bộ quản lý chủ chốt tỷ lệ 5%, tương ứng khoảng 139,9 triệu cổ phiếu trong tháng 12/2015.

Đồng thời, HĐQT MWG cũng xin thưởng cổ phiếu ESOP cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt nếu hoàn thành kế hoạch 2015. Cụ thể, với các mức hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 100%, 110% và 120% thì tỷ lệ thưởng ESOP sẽ lần lượt là 3%, 4% và 5%.

Mặc dù những kế hoạch này cuối cùng cũng đã được thông qua nhưng vẫn còn nhiều ý kiến xung quanh tỷ lệ ESOP của MWG.

Ngay trong đại hội, cổ đông đại diện quỹ Mutual Fund Elite đã cho rằng tỷ lệ phát hành ESOP theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế của công ty là quá cao, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông, MWG nên cân nhắc lại tỷ lệ và hình thức phát hành để cân bằng quyền lợi giữa cổ đông và nhân viên.

Cổ đông đại diện quỹ NTAsia Master Fund cũng cho rằng mức phát hành này là tương đối cao và đặt ra câu hỏi: Có phải MWG cố tình trả lương thấp cho nhân viên và lấy khoản thưởng ESOP để bù đắp?

Từ khi chào sàn với giá 68.000 đồng/cổ phần, thị giá MWG tăng nhanh và luôn duy trì mức trên 100.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, tỷ lệ ESOP 5% với mức giá 0 đồng sẽ tạo ra sự chênh lệch lớn, dễ khiến cổ đông cảm thấy “thiệt thòi”.

Trong đại hội cổ đông thường niên tới đây, HĐQT CTCP Cơ điện lạnh (REE) cũng sẽ trình lên đại hội thông qua chủ trương phát hành 1,5 triệu cổ phiếu ESOP sau khi đã chuyển đổi toàn bộ trái phiếu REE CB-2012 và trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu.

Giá trị phát hành dự kiến khoảng 15,6 tỷ đồng. Thời gian dự kiến phát hành trong 2016. Giá phát hành cụ thể sẽ được tính chiết khấu 50% so với giá đóng cửa bình quân theo tỷ trọng khối lượng giao dịch 10 phiên ngay trước ngày phát hành.

Nguồn vốn cho đợt phát hành này dự kiến lấy từ 15% giá trị phần vượt lợi nhuận sau thuế thực tế của 2015 so với 2014 và được trích từ lợi nhuận chưa phân phối.

REE vốn từng là doanh nghiệp “mẫu mực” trên sàn chứng khoán về việc phát hành ESOP năm 2013 với chính sách thưởng rõ ràng phù hợp. REE cũng chính là doanh nghiệp tiên phong trong việc phát hành ESOP ở Việt Nam (2004).

Việc phát hành ESOP của các doanh nghiệp Việt từ trước đến nay không phải lúc nào cũng thuận lợi. Đã từng nhiều công ty vấp phải sự phản đối khi chính sách không rõ ràng và có sự “thiên vị” quá đà khi phát hành tỷ lệ lớn cho ban lãnh đạo.

Do vậy, các doanh nghiệp cần cẩn trọng khi lên kế hoạch phát hành ESOP. Mặc dù đây là hình thức thưởng khá phổ biến và hiệu quả trong việc tăng năng suất và niềm tin cho người lao động, song nếu không cân bằng được lợi ích giữa các bên, kế hoạch này có thể tạo nên sự xung đột, gây nên những bất đồng không đáng có.

Theo NGUYÊN MINH

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin