Theo ông Nguyễn Hoàng Minh – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn tăng 5,21% so với cuối năm 2012.
Đáng lưu ý, trong khi dư nợ tín dụng tiền đồng tăng trưởng nhanh (tăng 11,6%) thì dư nợ tín dụng ngoại tệ lại giảm (giảm 18,94% so với cuối năm 2012). Lý giải điều này, ông Minh cho rằng do định hướng của Ngân hàng Nhà nước về việc chuyển dần quan hệ vay – gửi sang mua – bán ngoại tệ đối với khách hàng, dẫn đến giảm khoảng 30% nhu cầu mua ngoại tệ khi đến hạn trả nợ của khách hàng so với trước.
Tuy nhiên, do Việt Nam là nước nhập khẩu lớn nên khi các doanh nghiệp không vay được ngoại tệ từ ngân hàng trong nước với lãi suất thấp như trước đã tìm cách tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ từ ngân hàng nước ngoài. Những hợp đồng vay này thường chỉ dưới 1 năm.
“Điểm tốt là nguồn vốn vay ngoại tệ từ nước ngoài của các doanh nghiệp tạo thêm nguồn cung ngoại tệ trên thị trường. Thế nhưng, ở tầm vĩ mô nếu không quản lý được nguồn vốn này sẽ dẫn đến rủi ro. Đến thời hạn doanh nghiệp trả nợ nước ngoài có thể sẽ gây áp lực mua ngoại tệ lên thị trường trong nước”.
Một chuyên gia tài chính phân tích và cho rằng: “Cơ quan chức năng cần giám sát và biết được thời điểm trả nợ của các doanh nghiệp để quản lý tốt thị trường, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn rẻ đồng thời tránh tình trạng dồn áp lực lên thị trường tài chính trong nước”.
Theo T.X