Doanh nghiệp ‘lạc quan thận trọng’ về quý III

Các khảo sát triển vọng kinh doanh cho thấy cộng đồng doanh nghiệp có tâm lý “lạc quan thận trọng” trong ngắn hạn và nhiều kỳ vọng cho dài hạn.

Tuần trước, Tập đoàn ABB tổ chức ngày hội công nghệ tại TP HCM. Họ đưa ra thị trường 3 sản phẩm mới cho các công trình xây dựng dân dụng, nhà ở. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản có tín hiệu ấm dần, với lượng giao dịch nửa đầu năm nay gấp 3 lần cùng kỳ 2023, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).

“Thị trường đang có các dự án mới mở bán và cũ được tái khởi động. Đây là các dấu hiệu tích cực và thị trường sẽ phục hồi thời gian tới”, đại diện ABB nhận xét, song họ cho rằng mức độ phục hồi của thị trường xây dựng dân dụng và các dự án hạ tầng lớn “tương đối chậm”.

Tâm lý như ABB đang phổ biến trong cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II của EuroCham cho biết 45% doanh nghiệp được hỏi đánh giá triển vọng kinh tế quý III là “lạc quan một cách thận trọng”. Cùng với đó, khu vực tư nhân vẫn do dự về triển vọng của chính họ, với 45% còn lại là trung lập và 23% lo ngại.

Doanh nghiệp lạc quan thận trọng về quý III

Một số thiết bị công tắc và ổ cắm mới được ABB ra mắt hôm 12/7 tại TP HCM. Ảnh công ty cung cấp

Ông Thue Quist Thomasen, CEO Decision Lab – đơn vị được EuroCham ủy thác khảo sát BCI – cho biết kết quả chỉ số niềm tin lần này cho thấy bức tranh đầy sắc thái về bối cảnh kinh doanh. “68% doanh nghiệp được hỏi cho biết điều kiện hiện tại ở mức trung bình đến tích cực, nhưng số tỏ ra thận trọng trong ngắn hạn gia tăng. Điều này cần được giải quyết để xu hướng tích cực tiếp tục tăng”, ông lưu ý.

Nghiên cứu Triển vọng doanh nghiệp năm 2024 của UOB mới công bố cũng chỉ ra tín hiệu tương tự. Theo đó, gần 90% trong số hơn 500 doanh nghiệp tại Việt Nam được hỏi dự báo triển vọng năm nay tích cực, hiệu quả kinh doanh cải thiện. Tuy nhiên, doanh nghiệp có tâm lý phòng thủ và cẩn trọng hơn, theo ông Lim Dyi Chang, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp UOB Việt Nam. “Mức độ lạc quan cao nhưng doanh nhân Việt Nam cũng có tâm lý chuẩn bị cho những khó khăn sắp tới”, ông nói.

5 thách thức hàng đầu doanh nghiệp phải đối diện là chi phí đầu vào tăng, vấn đề nguồn cung ứng, vận hành, logistics và lãi suất. Trong đó, doanh nghiệp tại Việt Nam “cực kỳ quan ngại về chi phí”, theo ông Lim.

Ông Suan Teck Kin, Giám đốc khối Nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu UOB cho rằng kinh tế cải thiện 6 tháng đầu năm có thể giúp niềm tin quay lại. Tức là, doanh nghiệp có thể sẵn sàng vay nhiều hơn ở nửa cuối năm khi sản xuất, kinh doanh cải thiện.

Để củng cố niềm tin doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng chính phủ nên tăng cường triển khai các công cụ tài chính để giúp nâng cao niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, song song với tiếp tục cải cách thủ tục hành chính.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Khối kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam ví dụ các biện pháp phi lãi suất hỗ trợ kinh tế rất đa dạng như giảm thuế, phí, kích cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng các biện pháp tập trung nâng cao năng suất lao động có thể mang tính cốt lõi và bền vững để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Quang nói.

Trong khi, ông Dominik Meichle, Chủ tịch EuroCham Việt Nam có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn thông qua giải quyết các rào cản hành chính và quy định. Khuyến nghị cụ thể bao gồm tăng sự rõ ràng trong pháp luật để giảm việc giải thích không chính xác; đơn giản thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Về trung và dài hạn, ông Suan Teck Kin xác nhận các doanh nghiệp vẫn xem Việt Nam là điểm đến đầu tư quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

Khảo sát của EuroCham cũng cho hay gần 70% doanh nghiệp thành viên lạc quan về tăng trưởng Việt Nam trong 5 năm tới. “Tiềm năng kinh tế của Việt Nam là không thể phủ nhận và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào sự tăng trưởng dài hạn của đất nước”, Chủ tịch EuroCham Dominik Meichle nói.

Đơn cử, trong lúc chờ bất động sản từng bước phục hồi, Ban công nghệ điện của ABB Việt Nam nhìn thấy nhu cầu ngày càng tăng về thiết bị điện dân dụng, đặc biệt là phân khúc nhà thông minh.

“Động lực chính của thị trường nhà thông minh đến từ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng về môi trường sinh sống và làm việc an toàn, tiện nghi, và hiệu quả. Đây là cũng yếu tố mà các chủ đầu tư khi phát triển các toà nhà chung cư và thương mại cân nhắc”, đại diện công ty nói.

Viễn Thông

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin