(VNF) – Nhiều doanh nghiệp đang đổ hàng trăm tỷ đồng vào chứng khoán, biến đây thành nguồn thu chính vượt cả hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tuy nhiên, khi thị trường biến động, không ít doanh nghiệp buộc phải thận trọng với chiến lược này.
Rót trăm tỷ vào chứng khoán
Thị trường chứng khoán luôn là sân chơi đầy sức hút, không chỉ với các nhà đầu tư cá nhân mà còn cả những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững mạnh. Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động, nhiều doanh nghiệp đã quyết định đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào thị trường này nhằm tìm kiếm cơ hội sinh lời và gia tăng giá trị tài sản.
Theo ghi nhận của VietnamFinance, cuối quý III/2024, một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần Tập đoàn HIPT (UPCoM: HIG), Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (HoSE: REE), Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (HNX: NDN), Công ty Cổ phần MHC (HoSE: MHC), Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD), Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư I.P.A (HNX: IPA)… đều đang tham gia vào thị trường với tư cách là những nhà đầu tư tổ chức, nắm giữ giá trị đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đáng chú ý, ở một số doanh nghiệp, giá trị đầu tư chứng khoán đã chiếm tới 40-50% tổng tài sản, trong khi thu nhập từ đầu tư chứng khoán thậm chí còn cao hơn doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Phần lớn các khoản đầu tư ngoài ngành này bắt đầu hình thành và phát triển mạnh trong giai đoạn 2020-2021 – khi đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, nhiều công ty đã chọn chứng khoán như một giải pháp tạm thời để duy trì hoạt động, tận dụng thời kỳ “mua gì cũng thắng” trên thị trường. Những khoản đầu tư này nhanh chóng mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể, tạo động lực để doanh nghiệp tiếp tục duy trì danh mục đầu tư vào các loại cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng.
Mặc dù giai đoạn thăng hoa này đã qua, một số doanh nghiệp vẫn duy trì các khoản đầu tư lớn. Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (NDN) là một ví dụ điển hình, với danh mục đầu tư hơn 490 tỷ đồng vào cuối quý III/2024, chiếm 38% tổng tài sản. Danh mục của NDN bao gồm nhiều cổ phiếu từ các ngành như thép (HPG), ngân hàng (STB, TCB, MBB), bất động sản (VHM), hàng không (HVN), dầu khí (PVT, BSR)… Đầu tư chứng khoán đã mang lại cho NDN hơn 92 tỷ đồng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2024, vượt cả doanh thu từ kinh doanh cốt lõi.
Tương tự, Công ty Cổ phần MHC cũng đã ghi nhận thu nhập từ chứng khoán cao hơn hoạt động kinh doanh chính, mặc dù chiến lược này đã có từ trước dịch Covid-19. Trong giai đoạn 2017-2019, tỷ trọng đầu tư chứng khoán tại MHC có thời điểm chiếm tới 85% tổng tài sản.
Tính đến cuối quý III/2024, MHC nắm giữ danh mục đầu tư hơn 363 tỷ đồng, chủ yếu là cổ phiếu EIB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) và EVF (Công ty Tài chính cổ phần Điện lực). Tuy lợi nhuận từ đầu tư tài chính trong 9 tháng năm 2024 đã giảm gần 76% so với cùng kỳ, đạt 25,7 tỷ đồng, nhưng vẫn cao hơn doanh thu từ kinh doanh cốt lõi, khoảng 11 tỷ đồng.
Khi thị trường chứng khoán giảm nhiệt
Sau giai đoạn thăng hoa, khi thị trường giảm nhiệt, không phải doanh nghiệp nào cũng duy trì được lợi nhuận từ chứng khoán. Một số nhà đầu tư tổ chức “tay ngang” hiện phải gia tăng trích lập dự phòng.
Tính đến ngày 30/9/2024, HIG và VHC đều trích lập dự phòng giảm giá cho danh mục chứng khoán kinh doanh lần lượt là 20-23% tổng giá trị. Đối với HIG, khoản trích lập tăng thêm 10 tỷ đồng, đạt mức hơn 44 tỷ đồng so với cuối tháng 3/2024. Trong khi đó, VHC trích lập gần 37 tỷ đồng, chủ yếu cho ba cổ phiếu NLG (Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long), DXS (Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh) và KBC (Tổng công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc), tất cả đều cần dự phòng giảm giá.
Trước áp lực thị trường, nhiều doanh nghiệp đã thu hẹp quy mô đầu tư chứng khoán, thậm chí từ bỏ hẳn hoạt động này để tập trung cho kinh doanh cốt lõi. Điển hình, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) từng đầu tư hơn 100 tỷ đồng vào chứng khoán giai đoạn 2021-2022, nắm giữ các cổ phiếu như SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, VIX của Công ty Cổ phần Chứng khoán VIX, IJC của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật,….
Đến năm 2023, TLH đã bán toàn bộ cổ phiếu SHB, VIX, và IJC, giảm quy mô đầu tư xuống còn 3 tỷ đồng. Đầu năm 2024, TLH trở lại thị trường với các cổ phiếu như DGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoá chất Đức Giang, VND của Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT và 1 số cổ phiếu khác, nhưng đang phải trích lập dự phòng giảm giá hơn 3,6 tỷ đồng, tương đương 11,7% giá trị đầu tư.
Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với thua lỗ mà có thể là bước đi cẩn trọng, nhằm đảm bảo an toàn tài chính trong bối cảnh thị trường biến động. Một số doanh nghiệp vẫn duy trì niềm tin vào tiềm năng của chứng khoán, coi đây là kênh đầu tư chiến lược trong dài hạn, với kỳ vọng thị trường sẽ sớm hồi phục và tiếp tục tăng trưởng.
REE – một trong những doanh nghiệp có giá trị đầu tư lớn vào chứng khoán đã gia tăng khoản đầu tư này từ mức 719 tỷ đồng (đầu năm) lên hơn 934 tỷ đồng (cuối quý III), tương đương mức tăng 30%. Trong đó, hơn 696 tỷ đồng đang năm ở cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế, còn lại hơn 238 tỷ đồng năm ở các khoản đầu tư khác.