Ngày nay, doanh nghiệp không còn là sở hữu duy nhất và độc quyền của cổ đông.
Có một bài học lớn mà tôi sẽ nhớ mãi – đó là sự tự tin đôi khi có khả năng đè bẹp những tâm hồn mông lung, lần lữa, rụt rè, e ngại.
Tuy nhiên, việc tổ chức doanh nghiệp lại khác hẳn. Làm sếp của một doanh nghiệp ngày nay là việc tạo động lực, nung nấu óc sáng tạo từ mỗi nhân viên và tinh thần tương tác giữa các thành viên. Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là tạo nhiều giá trị nhất có thể, trong một thời gian ngắn nhất có thể, với một nguồn lực ít ỏi nhất có thể.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Thirdman/Pexels. |
Để làm việc này, ý niệm muốn cai trị như vua con là một ý tưởng thiếu hẳn thực tế, thậm chí hoang đường. Không còn vua lớn hay bé nữa, vì mục tiêu ngày nay là tối ưu hiệu năng, tối ưu tốc độ, tạo mọi điều kiện cho óc sáng tạo, giảm nhẹ tối đa đội ngũ, giảm thời gian can thiệp của chuyên gia tới mức nhỏ nhất có thể.
Ngày nay, doanh nghiệp không còn là sở hữu duy nhất và độc quyền của cổ đông. Điều này sẽ khiến nhiều bạn đọc ngạc nhiên, vì về mặt pháp lý thì nhất định cổ đông là chủ sở hữu doanh nghiệp.
Không ai chối cãi điều đó! Trong sách Một Đời Quản Trị, có một trang tôi viết về câu hỏi “Doanh nghiệp là của ai?”. Tất cả các nghiên cứu về quyền sở hữu doanh nghiệp do các nhà tư vấn nổi tiếng thế giới thực hiện trong khoảng thời gian dài đều thống nhất ở một điểm là doanh nghiệp nào cũng có nhiều “chủ nhân”! Ở đây, tôi sẽ không viết lại những chi tiết đã trình bày trong cuốn sách trước.
Nhưng để tóm tắt, tương lai và thực tại của doanh nghiệp sẽ “trực thuộc” vào nhiều chứ không phải một tác nhân duy nhất: 1. Khách hàng, 2. Nhân viên, 3. Chủ nợ và ngân hàng, 4. Công đoàn lao động, 5. Chính quyền (khung chính sách kinh tế, tài chính và thuế vụ, và khung pháp lý), 6. Xã hội nói chung (công luận), 7. Báo chí, truyền thông, 8. Thầu phụ và nhà cung cấp…
Tôi gọi những tác nhân này là hệ sinh thái của doanh nghiệp. Đó là chưa nói tới những rủi ro đầy rẫy trên lộ trình tăng trưởng, cũng phải được xem như những tác nhân có ảnh hưởng tới số phận của doanh nghiệp.
Vậy một người chủ doanh nghiệp, cho dù mang 100 phần trăm cổ phiếu chăng nữa, cũng vẫn phải uốn mình theo lợi ích của toàn thể từng ấy tác nhân nói trên. Chúng ta có thể gọi đó là lợi ích tối đa của tập thể, hoặc của hệ sinh thái, có đúng thế không?
Bạn đọc ở đây hãy dừng lại để suy nghĩ: sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp không bao giờ chỉ đơn thuần tùy thuộc vào một nhân vật, như khách hàng chẳng hạn, mà còn bị ảnh hưởng thường trực từ một hệ sinh thái rộng rãi.
Mỗi tác nhân trên đều có khả năng làm cho đời sống của doanh nghiệp điêu đứng hoặc phát triển mạnh. Vậy phải chăng họ còn đóng một vai trò quan trọng hơn chủ doanh nghiệp rất nhiều?
Chủ doanh nghiệp nào nhận thức được rằng công việc của mình là phải đi “o bế” những tác nhân này đều đã thành công. Chúng ta hãy gọi thế là nuôi dưỡng hệ sinh thái của doanh nghiệp, giống như một vòng tròn năng lượng và nuôi dưỡng mà mình trực thuộc. Quy luật tôi tự rút tỉa và luôn luôn áp dụng là “nếu toàn xã hội yêu mến mình, thì không bao giờ mình có thể thất bại”.
…Một doanh nghiệp chỉ có thể tiến bộ nếu mỗi nhân viên có thể nói thẳng với nhau một cách vui vẻ. Một doanh nghiệp với nhân viên ù ờ, đầy ẩn ý với nhau không thể làm việc nhanh và đích thực.
Nhưng hơn cả việc tăng tốc độ, sự hồn nhiên và thẳng thắn trong mọi mối quan hệ còn tặng thêm một món quà vô cùng quý giá: đó là khả năng chịu nhận và trao phản biện. Trong các đội của tôi, khả năng phản biện và phục thiện rất cao.
Đôi khi không khí có rộn ràng và thậm chí căng thẳng, nhưng tất cả nhân viên nào đã được nếm mùi tích cực của làm việc nhóm thường học được sự phục thiện khi đi vào những pha phản biện nẩy lửa. Họ sẽ giữ thái độ khoa học và lý trí, sẽ tự kiềm hãm kiểu nói vô trách nhiệm, và từ đó mọi công việc nhóm đều súc tích và đầy đủ.
Tất cả những doanh nghiệp với cấu trúc quan liêu đều làm việc chậm và nhất là thiếu chính xác; các lãnh đạo cấp trung và cả cấp cao hay do dự lần lữa; chuyện thường nhật là sự sợ sếp, sợ nhau, và đây là chuyện rất khó điều chỉnh.
Mỗi quyết định xuất phát từ những người này đều mang tính lưng chừng, nửa vời. Một chút thiếu tự tin, pha với chút sợ sếp, pha với chút ngại ngần phản biện từ trong công ty, pha với nhu cầu ích kỷ của bản thân, tất cả những thứ đó chỉ đưa tới những câu phát biểu thiếu hẳn tính chuyên nghiệp.