Đồng USD liên tục giảm mạnh kể từ giữa tháng 5, gây nhiều bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp nên sử dụng các công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Đồng bạc xanh “lao dốc”
Tỷ giá USD/VND liên tục giảm mạnh kể từ cuối tháng 5 đến nay. Theo đó, tỷ giá trung tâm đã giảm một mạch từ 23.271 đồng/USD ngày 28/5 xuống còn 23.230 đồng/USD như hiện nay; thậm chí có thời điểm còn rơi xuống mức 23.112 đồng/USD, thấp nhất kể từ đầu năm. Trong khi đó, giá mua – bán USD tại các nhà băng cũng giảm gần 100 đồng/USD trong thời gian này xuống còn 23.110/23.310 đồng.
Tuy nhiên, mức giảm của USD trên thị trường trong nước vẫn thấp hơn nhiều so với thị trường thế giới. Theo đó, USD index đã giảm từ trên 100 điểm trong tháng 5 có thời điểm xuống còn 95 điểm. Tính chung, USD đã giảm 3,25% giá trị chỉ trong vòng một tháng qua.
Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến USD “lao dốc” do kinh tế Mỹ đã rơi vào suy thoái do tác động của đại dịch COVID-19. Hiện kinh tế Mỹ đang đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ hai, khiến kỳ vọng về sự phục hồi nhanh chóng thêm xa vời. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa giảm mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống mức – 8,0% trong năm nay. Trong khi những căng thẳng gần đây trong quan hệ Mỹ – Trung cũng khiến cho các nhà đầu tư thêm lo lắng.
Xuất khẩu gặp bất lợi
Ông H.Đ.C, lãnh đạo một doanh nghiệp dệt may ở Hà Nội, cho biết: “Doanh nghiệp của tôi vừa ký được một đơn hàng xuất khẩu vào đầu tháng trước, đúng lúc USD đang ở mức cao. Nay USD giảm mạnh đã khiến chúng tôi chịu thiệt hại. Với 1 triệu USD, chúng tôi bị thiệt hại số tiền tương đương gần trăm triệu đồng”.
Hiện đa phần các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đều được tính bằng USD, nên USD mất giá, cũng đồng nghĩa VND tăng giá. Điều này gây nhiều bất lợi cho hoạt động xuất khẩu do tiền hàng thu về khi quy đổi ra VND sẽ giảm. Đó là chưa kể nhu cầu tiêu dùng trên thế giới đang sụt giảm mạnh vì đại dịch, doanh nghiệp rất khó tăng giá hàng xuất khẩu.
“Với các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, thiệt hại có thể còn lớn hơn nếu các đơn hàng nhập khẩu được tính bằng CNY do CNY đang tăng giá mạnh so với USD”, một chuyên gia cho biết.
Điều may mắn, theo vị chuyên gia này, là phần lớn các đơn hàng nhập khẩu chính ngạch được tính bằng USD, nên giá nhập khẩu sau khi quy đổi ra VND sẽ giảm. Hơn nữa, mức độ biến động tỷ giá trong nước thấp hơn nhiều so với thị trường thế giới, cũng giảm rủi ro cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc VND tăng giá so với USD lại có tác động khuyến khích nhập khẩu, có nguy cơ khiến nhập siêu sẽ quay lại.
Trước bối cảnh trên, các doanh nghiệp giao thương quốc tế nên sử dụng các công cụ phái sinh. Chẳng hạn với doanh nghiệp xuất khẩu dệt may nói trên, nếu sử dụng công cụ bán USD kỳ hạn ngay sau khi ký được đơn hàng xuất khẩu tại thời điểm đồng USD đang tăng giá, sẽ tránh được rủi ro tỷ giá giảm.