(VNF) – Theo số liệu của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, doanh thu mảng bảo hiểm nhân thọ 9 tháng suy giảm 6,4%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ sớm trở lại nhờ hoàn thiện pháp lý.
Doanh thu và số lượng hợp đồng đều giảm
Theo báo cáo của Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm trong 9 tháng ước đạt 165.518 tỷ đồng (giảm 0,41% so với cùng kỳ năm trước). Doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 58.541 tỷ đồng (tăng 12,79 % so với cùng kỳ năm trước), lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 106.977 tỷ đồng (giảm 6,4% so với cùng kỳ).
Về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới, tính trong 7 tháng năm 2024 đạt 13.960 tỷ đồng, giảm gần 19% so với cùng kỳ năm trước và giảm trên 50% so với cùng kỳ năm 2022, thời điểm trước khi xảy ra những biến cố kênh bancassurance khiến niềm tin của người dân bị giảm sút.
Xét theo nghiệp vụ, bảo hiểm liên kết đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt trên 68% doanh thu phí khai thác mới. Tiếp theo là bảo hiểm hỗn hợp chiếm tỷ trọng 8,2%, bảo hiểm tử kỳ chiếm tỷ trọng 7,5%. Các nghiệp vụ còn lại như bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm trả tiền định kỳ, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe chiếm tỷ trọng 0,5%. Doanh thu phí bảo hiểm bán kèm chiếm tỷ trọng 15,7%.
“So với cùng kỳ năm trước, doanh thu khai thác mới của nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đầu tư giảm trên 32%, ở chiều ngược lại nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp tăng gần 200%, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ tăng trên 275%”, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết thêm.
Số liệu của Hiệp Hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) cho thấy, tính đến hết tháng 9/2024, tại Việt Nam có xấp xỉ 12 triệu hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, giảm so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn chưa hết khó khăn bởi những ảnh hưởng của tình hình kinh tế hậu Covid-19, ngành bảo hiểm còn phải đối mặt với sự thiếu hụt tin cậy từ người dân, cũng như những hiểu biết về lợi ích của bảo hiểm từ phía khách hàng còn chưa cao.
Đáng chú ý, mới đây nhất hai “ông lớn” trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm là Techcombank và Manulife vừa tuyên bố ngừng hợp tác trong việc phân phối bảo hiểm độc quyền qua kênh bán chéo bảo hiểm (bancassurance) từ 14/10/2024.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, mặc dù chưa rõ nguyên nhân của việc “chia tay” nêu trên, song những cuộc chấm dứt hợp tác cũng cho thấy kênh phân phối bảo hiểm này không còn dễ dàng như trước, ảnh hưởng đáng kể đến doanh thu và lợi nhuận của ngành bảo hiểm trong nhiều năm tiếp theo.
Kỳ vọng tăng trưởng trở lại nhờ hoàn thiện pháp lý
Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức nhưng cũng đang có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là nền tảng pháp lý ngày càng được hoàn thiện sau một thời gian áp dụng Luật kinh doanh Bảo hiểm 2022 và các nghị định, thông tư hướng dẫn.
Thông tin của VietnamFinance ghi nhận, các DN bảo hiểm nhân thọ đang khẩn trương triển khai việc ghi âm/ghi hình trong tư vấn với sản phẩm liên kết đầu tư và thực hiện các khảo sát độc lập theo quy định tại thông tư số 67/2023 nhằm hướng đến một thị trường bảo hiểm lành mạnh, an toàn và minh bạch.
Cụ thể, bảo hiểm Generali thông báo đến các kênh phân phối của mình về việc sẽ áp dụng việc ghi âm trong quá trình hộp hồ sơ yêu cầu bảo hiểm kể từ ngày 15/10 và quy định này sẽ chính thức bắt buộc từ ngày 2/11.
Tương tự, trong thông báo mới nhất ngày 16/10, bảo hiểm Dai – Ichi Life cũng yêu cầu toàn thể đội ngũ kinh doanh và đối tác thực hiện việc ghi âm/ghi hình bắt buộc từ ngày 2/11. Và nhấn mạnh đây là điều kiện cần để xem xét phát hành hợp đồng.
“Ông lớn” bảo hiểm Manulife cũng ra thông báo sẽ triển khai ghi âm nội dung tư vấn sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư sẽ áp dụng thử nghiệm từ 11/10 – 30/10, và áp dụng chính thức từ 1/11.
Trao đổi với VietnamFinance, ông Ngô Trung Dũng, Phó Tổng thư ký Hiệp Hội Bảo hiểm Việt nam (IAV) cho biết, theo quy định của Luật, đại lý của DN bảo hiểm sẽ phải thực hiện việc ghi âm một số nội dung liên quan đến việc tư vấn sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư tại thời điểm bên mua bảo hiểm ký bản yêu cầu bảo hiểm từ ngày 2/11/2024.
Đây là quy định các DN bảo hiểm nhân thọ bắt buộc phải triển khai. Các công ty BHNT cũng đã có sự chuẩn bị cho việc này, bởi trong quá trình xây dựng thông tư, họ đã nắm được tinh thần, nên có kế hoạch chủ động chuẩn bị, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ để đảm bảo việc triển khai vừa đúng quy định, nhưng phải mang tới trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
“Việc này không có gì quá đột ngột, mặc dù sẽ phát sinh thêm chi phí đầu tư nhưng các DN bảo hiểm nhân thọ phải sẵn sàng”, ông Dũng nói thêm.
Cũng theo ông Dũng, việc ngành bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng âm trong thời gian vừa qua, chủ yếu đến từ nghiệp vụ bảo hiểm liên kết đơn vị, sản phẩm bị ảnh hưởng nhiều nhất sau khủng hoảng bởi kênh bancassurance. Trong 8 tháng đầu năm 2024 ghi nhận một điểm tích cực khi số lượng hợp đồng bảo hiểm khai thác mới sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp truyền thống tăng trưởng tốt, hơn 300% so với cùng kỳ 2023.
Tuy nhiên do sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị chiếm tỷ trọng lớn về phí khai thác, bởi ngoài phần bảo vệ, còn có cả đầu tư. Doanh thu khai thác mới của sản phẩm này giảm, vô hình chung khiến cho tổng phí toàn ngành bảo hiểm nhân thọ bị giảm.
“Người dân không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ”, ông Dũng đánh giá.
Khi được hỏi về lợi ích của việc hoàn thiện pháp lý trong ngành bảo hiểm, ông Dũng nhận định rằng, tất cả các giải pháp từ phía cơ quan quản lý nhà nước, cũng như DN bảo hiểm trong đó có việc ghi âm tư vấn sản phẩm liên kết đầu tư, chỉ mang lại lợi ích tích cực.
Việc này, giúp khách hàng lấy lại niềm tin với ngành bảo hiểm, giải quyết được các khúc mắc trước đây hay gặp phải đó là thiếu cơ sở đánh giá chất lượng tư vấn khi nhận được phản ánh của khách hàng về việc bị tư vấn sai sản phẩm… Trong khi phía đại lý cũng khẳng định là đã tư vấn đúng, cung cấp đầy đủ thông tin sản phẩm…
Nay, quy định ghi âm bắt buộc này sẽ là bằng chứng quan trọng để xác thực, là cơ sở giải quyết những vướng mắc kể trên, mang lại những đánh giá tích cực cho thị trường.
“Cả 3 bên bao gồm DN bảo hiểm, tư vấn viên/đại lý và khách hàng đều sẽ nhận được lợi ích lâu dài. Mọi thông tin được tư vấn là chính xác và minh bạch, giúp khách hàng hiểu rõ về sản phẩm, các quyền lợi của mình, từ đó nâng cao trải nghiệm của khách hàng, ngăn ngừa các sai phạm trong quá trình tư vấn, giảm thiểu các tranh chấp với công ty bảo hiểm sau này”, ông Dũng khẳng định.